Danh hiệu đảng viên - một giá trị văn hóa

Ngày cuối tuần về quê, tôi đến thăm người thầy giáo già vừa bước sang tuổi bát tuần. Thầy lớn lên từ phong trào bình dân học vụ, vào bộ đội tham gia đánh giặc cứu nước, được kết nạp Đảng ngay tại chiến hào, xuất ngũ rồi đi học sư phạm, trở thành nhà giáo và gắn bó với sự nghiệp 'trồng người' hơn 30 năm.

Trước khi nghỉ hưu, thầy giữ chức hiệu trưởng một trường THPT có tiếng của tỉnh nhà. Thầy được dân làng tôi kính trọng vì phong cách sống mực thước, tao nhã. Bởi con người thầy hội tụ cả phẩm chất giản dị của Bộ đội Cụ Hồ và đức tính mô phạm của nhà giáo.

Vốn thân tình từ lâu, trong lúc chuyện trò, thầy bỗng hỏi tôi: “Anh cho thầy hỏi một câu được không?”. Tôi lễ phép: “Dạ, có gì thầy cứ nói ạ!”. “Gắn bó với nghề chữ nghĩa, anh có hiểu từ “danh hiệu” nghĩa là gì không?”. Thoáng chút chột dạ vì chưa hiểu ý tứ thâm sâu của thầy, song tôi sớm lấy lại tâm thế bình tĩnh và thưa chuyện: “Theo em hiểu thì từ “danh hiệu” nghĩa là “một hình thức đánh giá, ghi nhận, tôn vinh những cá nhân, tổ chức có nhiều thành tích, công trạng đóng góp cho sự tiến bộ của xã hội”. Thầy nhìn tôi, mỉm cười: “Anh hiểu thế là đúng, nhưng chưa đủ. Từ “danh hiệu” còn có nghĩa là “tên gọi nêu lên phẩm chất cao đẹp dành cho một đối tượng nào đó mà nhân dân quý trọng”.

 Một tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: ANH THẢO.

Một tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng Cộng sản Việt Nam. Ảnh: ANH THẢO.

Thầy ôn tồn giải thích rằng, ví như Cháu ngoan Bác Hồ, Bộ đội Cụ Hồ lúc đầu chỉ là danh xưng, nhưng sau đó trở thành danh hiệu khắc sâu trong lòng nhân dân. Nói đến đây, người thầy giáo già nét mặt thoáng chút ưu tư: “Còn một danh hiệu nữa từng có sức cuốn hút và lan tỏa rất lớn trong nhân dân, nhưng giờ có phần phai lạt. Đó là danh hiệu đảng viên”. Như tỏ ý thăm dò tôi, thầy ôn tồn: “Không biết thầy nói thế có “phạm húy chính trị” không nhỉ?”. Tôi mỉm cười, đỡ lời thầy: “Em biết thầy vẫn nặng lòng với thời cuộc, với nhân tình thế thái lắm thì thầy mới bày tỏ tâm tư chân thành như vậy”.

Được lời như cởi tấm lòng, thầy chia sẻ với tôi: "Hôm rồi, vô tình xem lại chồng sách báo cũ, thầy đọc lại bài viết “Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đăng trên Báo Nhân Dân ngày 19-5-1999. Càng đọc kỹ nghĩ lâu, càng thấy ý tứ thâm sâu mà cụ đã dành cho Đảng và đảng viên. Gắn từ “danh hiệu” cho Đảng ta và đảng viên, cụ muốn gửi gắm thông điệp: “Danh hiệu” tự thân đã là một giá trị văn hóa. Do đó, nêu cao “danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam”, “danh hiệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” cũng có nghĩa là đề cao, coi trọng làm giàu giá trị văn hóa trong Đảng nói chung, trong mỗi con người đảng viên nói riêng. “Thật ra, từ trong bản chất, Đảng ta đã là một Đảng giàu đức hy sinh-một giá trị cao đẹp hàng đầu trong hệ giá trị văn hóa chính trị. Con số gần 160.000 đảng viên đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã chứng minh và thể hiện sâu sắc điều đó”.

Sau khi khẳng định như vậy, thầy im lặng chốc lát rồi trầm ngâm: “Nhưng thật tiếc, hiện trong Đảng “còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Bộ phận này tuy không nhiều nhưng làm suy giảm rất lớn niềm tin trong nhân dân đối với Đảng. Điều đó cũng có nghĩa là làm mờ nhạt danh hiệu đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đúng không anh?”.

Tôi đang lựa ý trả lời cho vừa lòng thầy thì thầy nói tiếp: “Người ta thường nói rằng, đạt được danh hiệu đã khó, giữ được danh hiệu càng khó hơn. Dù danh hiệu đảng viên không phải là danh hiệu Nhà nước trao tặng, nhưng là danh hiệu trong lòng dân nên nó có thể sống mãi hoặc “chết yểu” trong suy nghĩ người dân nếu mỗi đảng viên coi trọng hay xem thường danh hiệu đó.

Tôi mạnh dạn thưa: “Vậy theo thầy, làm thế nào để giữ được danh hiệu đảng viên trong điều kiện hiện nay ạ?”. Thầy cười bảo: "Thầy có phải nhà chính trị đâu mà anh hỏi câu khó thế? Nhưng với tư cách là đảng viên đã gần 60 năm tuổi Đảng, theo thầy, muốn giữ được danh hiệu đảng viên trong lòng dân thì mỗi đảng viên đừng bao giờ quên câu Bác Hồ đã dạy: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Anh đi trước, nghĩa là anh phải chịu phần thiệt thòi, hy sinh về mình trước, biết làm đúng tư cách của các bậc chí nhân quân tử thời xưa: Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc (Biết lo trước cái trước của thiên hạ, biết vui sau cái vui của thiên hạ). Nếu đảng viên nào cũng chỉ biết nhận thuận lợi về mình, đẩy khó khăn cho người dân, hay bám theo lối sống “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, thì chưa đủ tư cách đảng viên, chứ đừng nói là xứng tầm với danh hiệu đảng viên. Tóm lại, là đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thì mấu chốt nhất để bảo toàn được danh hiệu đảng viên là phải có phẩm chất hy sinh, hay nói như Đảng ta là phải đề cao trách nhiệm nêu gương trong mọi việc, ở mọi lúc, mọi nơi. Thầy nói thế, liệu có quá lời không anh?".

Tôi thưa là lời thầy không quá chút nào, mà ngược lại rất thấu tình đạt lý. Tôi xin phép được ghi lại câu chuyện này đăng báo thì thầy dặn dò, giọng vui vẻ: “Là đảng viên chắc anh cũng đã thấm thía lời Cụ Hồ dạy, nếu việc gì có lợi cho dân, cho nước thì rất nên làm. Nếu câu chuyện của thầy nói với anh hôm nay có chút gì đó ý nghĩa với bạn đọc, thì thầy cho phép anh tự quyền quyết định!”.

THIỆN VĂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/danh-hieu-dang-vien-mot-gia-tri-van-hoa-608986