Đánh giá, xếp loại cơ sở sản xuất nông sản: Vẫn rối như canh hẹ

Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp rất nhiều, nhưng việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định tại Thông tư số 45 ngày 3-12-2014 của Bộ NN&PTNT gặp rất nhiều khó khăn và rối như canh hẹ. Ngoài lý do lực lượng chức năng còn hạn chế, không thể không nói đến quy mô cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, ý thức chấp hành quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm của người dân còn thấp.

Quy mô sản xuất miến ở xã Cự Khê (huyện Thanh Oai) nhỏ lẻ, chưa đồng bộ là một trong những khó khăn cho việc đánh giá, xếp loại. Ảnh: Thái Hiền

"Đụng" đâu "vướng" đó

Cả nước hiện có khoảng 432.000 hộ gia đình, cơ sở chế biến nông sản và 7.413 xã có điểm, cửa hàng cung cấp giống, vật tư phục vụ sản xuất, thu mua nông sản. Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, việc Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT (Thông tư 45) là cần thiết nhằm giúp người tiêu dùng phân biệt thực phẩm an toàn và không an toàn, thông qua việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cho cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Song việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại A, B, C cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở nhiều địa phương đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là số cơ sở xếp loại C vẫn rất nhiều và chưa khắc phục được vi phạm. Nguyên nhân là các cơ sở này có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chưa quan tâm tới chất lượng sản phẩm. Nổi lên là vấn đề hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất hạn chế, chưa đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ở một số nơi, chính quyền địa phương chưa quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm, nên chủ cơ sở thờ ơ, không quan tâm đến sức khỏe của cộng đồng.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho biết, trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 17.011 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông sản, trong đó có 13.513 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản và gần 200.000 cơ sở sản xuất, chế biến ban đầu nhỏ lẻ. Thực hiện Thông tư 45, chỉ riêng trong tháng 5-2018, Chi cục đã kiểm tra đánh giá, xếp loại 31 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản. Trong đó, 25 cơ sở được xếp loại A và B, 5 cơ sở xếp loại C. Tuy nhiên, việc kiểm tra, đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất nông sản đang gặp nhiều vướng mắc do số lượng cơ sở nhiều, trong khi các địa phương thống kê chưa đầy đủ, chi tiết, gây khó khăn cho công tác quản lý. Bên cạnh đó, việc xử lý đối với các cơ sở xếp loại C khi kiểm tra lại vẫn chưa khắc phục là rất khó khăn. Theo quy định của Thông tư 45, đơn vị kiểm tra, đánh giá sẽ kiến nghị cơ quan chức năng rút giấy phép kinh doanh, tuy nhiên, các trường hợp rút giấy phép kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp lại chưa có quy định này.

Từ thực tế của địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Trần Công Thành cho biết, huyện có 306 cơ sở, hộ kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông sản, 4.384 hộ gia đình sản xuất ban đầu nhỏ lẻ. Thế nhưng việc đánh giá, phân loại cơ sở sản xuất nhỏ lẻ trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn do phần lớn nằm trong khu dân cư, chưa được kiểm soát thường xuyên. Mặt khác, một số cơ sở kinh doanh thực phẩm thiếu hợp tác với cơ quan chuyên môn trong quá trình kiểm tra đánh giá, xếp loại cơ sở sản xuất nông sản. Số lượng các cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn Phú Xuyên khá nhiều, nhưng lực lượng chức năng ở cấp xã mỏng nên hiệu quả kiểm tra chưa cao. Thậm chí, chính quyền ở một số nơi còn nể nang, không xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm mà chỉ dừng ở việc nhắc nhở.

Xử lý nghiêm vi phạm

Lực lượng chức năng kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất giò chả tại huyện Thanh Trì.

Để nâng cao hiệu quả công tác đánh giá, xếp loại cơ sở sản xuất nông sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, các đơn vị trực thuộc Sở đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện đúng quy định. Đồng thời, công khai cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết. Theo ông Tạ Văn Tường, chính quyền các địa phương cũng cần huy động nguồn lực, đầu tư nâng cấp cơ sở giết mổ, kinh doanh thực phẩm, nhất là ở các chợ buôn bán nông sản. Trong quá trình triển khai, nếu có vướng mắc kiến nghị với cơ quan chức năng để xem xét, bổ sung biện pháp xử lý nghiêm, kiên quyết rút giấy phép kinh doanh với cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, từng bước loại bỏ thực phẩm bẩn ra khỏi bếp ăn của người dân.

Đồng quan điểm trên, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp đề nghị, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để chủ cơ sở sản xuất nông sản và kinh doanh vật tư nông nghiệp được tiếp cận với những quy định mới về sản xuất bảo đảm an toàn thực phẩm. Trong đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm. Đối với những cơ sở xếp loại C mà không khẩn trương khắc phục tồn tại thì cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Ở khía cạnh khác, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho rằng, để công tác đánh giá, xếp loại cơ sở sản xuất nông sản đi vào nền nếp và từng bước nâng cao ý thức của chủ hộ kinh doanh, Bộ NN&PTNT sớm xem xét sửa đổi, bổ sung các điều kiện về cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Thông tư 45 cho phù hợp với thực tế để triển khai thực hiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2-2-2018 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật An toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/904771/danh-gia-xep-loai-co-so-san-xuat-nong-san-van-roi-nhu-canh-he