Đánh giá và ứng xử chuẩn mực về hình xăm của chiến sĩ

Ngày 29-5, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân tổ chức Tọa đàm 'Hình xăm với chiến sĩ-thực trạng và giải pháp'. Tới dự buổi tọa đàm có các chuyên gia thẩm mỹ, nhà tâm lý, luật sư, giáo viên, nhà báo cùng một số chỉ huy, chiến sĩ các đơn vị.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân chủ trì tọa đàm. Tọa đàm tập trung vào 3 nội dung chính: Thực trạng hình xăm trong chiến sĩ; sự đánh giá và ứng xử chuẩn mực về hình xăm của chiến sĩ; giải pháp với vấn đề hình xăm trong chiến sĩ.

Thực trạng hình xăm trong chiến sĩ

Buổi tọa đàm diễn ra trong không khí cởi mở, các đại biểu đã lắng nghe nhiều tham luận, trong đó có ý kiến của các chiến sĩ trẻ đang phục vụ trong quân đội. Nhìn chung, tham luận của các chuyên gia, đại biểu trong và ngoài quân đội nêu ra đều thống nhất khẳng định: Những năm qua, quân đội đã duy trì tốt kỷ luật, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh lành mạnh trong cán bộ, chiến sĩ, nhất là chiến sĩ mới, chiến sĩ trẻ. Ở nhiều cơ quan, đơn vị quân đội, 100% chiến sĩ không có hình xăm. Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng trong một số đơn vị quân đội còn một số chiến sĩ có hình xăm.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Bạn đọc-Cộng tác viên, Báo Quân đội nhân dân cho biết: Qua khảo sát của phóng viên Báo Quân đội nhân dân cho thấy, ở những đơn vị có chiến sĩ có hình xăm thì tỷ lệ này ít so với tổng quân số chiến sĩ của đơn vị, nơi cao nhất khoảng hơn 10%. Những hình xăm của chiến sĩ thường là nhỏ, có nội dung đơn giản, không phản cảm, được xăm trước khi vào quân đội... Do đó, những thanh niên có hình xăm không phản cảm, không trái với quy định tuyển chọn vẫn được hội đồng nghĩa vụ quân sự ở các địa phương và đơn vị nhận quân xem xét tuyển chọn nhập ngũ theo quy định. Còn từ khi nhập ngũ vào đơn vị quân đội thì không có việc chiến sĩ xăm hình.

 Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: THÁI HƯNG.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: THÁI HƯNG.

Nhiều ý kiến phát biểu tọa đàm đã đồng tình với đánh giá này. Trong môi trường quân đội không có hiện tượng hình xăm ngay trong đơn vị. Ý kiến của Đại úy Cao Đức Trí (Quân đoàn 4) cho rằng: Phần lớn những trường hợp xăm mình ở đơn vị tôi đều diễn ra trước khi nhập ngũ. Thượng tá Đỗ Ngọc Anh, Phó chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) thông tin: Hiện tượng chiến sĩ mới xăm mình cũng đều là những hình xăm trước khi nhập ngũ, có trường hợp sau khi nhập ngũ, chiến sĩ đã tự xóa bỏ hình xăm. Khi được hỏi nhận thức của đồng chí thế nào về hình xăm, Binh nhất Đinh Quốc Doanh đến từ Sư đoàn 312 (chiến sĩ trước đây có hình xăm) cho biết tự thấy mình khác biệt và rất bất tiện trong sinh hoạt nên đã tự nguyện xóa bỏ hình xăm.

Không hoan nghênh, khuyến khích nhưng cũng không kỳ thị

Các ý kiến tọa đàm cho rằng, hiện nay ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới, một số thanh niên đã phung phí nhiều cơ hội vì những hình xăm tưởng chừng rất riêng tư ấy. Ví dụ như cơ hội việc làm, vì ở một số nước như Hàn Quốc và Nhật Bản không tuyển dụng nhân công xăm mình. Hoa hậu Ngọc Hân, người từng được mời tư vấn cho nhiều cuộc thi sắc đẹp kể rằng cô tiếc cho nhiều thí sinh rất tài năng, xinh đẹp nhưng lại “vướng” hình xăm trên cơ thể. Đối với những trường hợp như thế, cô thường khuyên tốt nhất đừng nên tham vọng gì ở những cuộc thi nhan sắc, bởi bất cứ ban tổ chức nào cũng sẽ đưa ra một lý do là “không phù hợp” để loại những thí sinh có hình xăm trên người.

Còn trong lực lượng vũ trang, theo Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần): Pháp luật đã có những quy định rất cụ thể về việc tuyển chọn thanh niên nhập ngũ vào phục vụ trong quân đội, các quy định này rất cụ thể, trường hợp nào có hình xăm không được tuyển chọn, trường hợp nào có hình xăm vẫn được xem xét có thể tuyển chọn. Điều này căn cứ vào tính chất, mức độ cụ thể của từng hình xăm. Và do vậy, trong quân đội vẫn có những chiến sĩ có hình xăm, nhưng các hình xăm này không phản cảm, không trái với các quy định hiện hành. Ngay cả khi đã nhận quân thì các đơn vị vẫn tiến hành kiểm tra, rà soát lại, trường hợp nếu vẫn còn chiến sĩ có hình xăm phản cảm, trái với quy định sẽ bị loại ngũ. Thượng tá Đỗ Ngọc Anh cho biết, ở Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), năm 2018 có 10 trường hợp và năm 2019 có 1 trường hợp chiến sĩ bị loại ngũ vì có hình xăm phản cảm, trái quy định.

Trung tá Nguyễn Đức Cương, Phó trưởng Ban Thanh niên Quân đội, Thượng tá Đỗ Ngọc Anh và ý kiến của các chiến sĩ dự tọa đàm đều khẳng định: Trong quân đội, chiến sĩ có hình xăm không bị kỳ thị, không phân biệt đối xử nhưng cũng không được khuyến khích, hoan nghênh. Binh nhất Vũ Việt Tùng (Cơ quan Tổng cục Chính trị) và Binh nhất Nguyễn Viết Hậu (Lữ đoàn 144, Bộ Tổng Tham mưu) cho biết, các chiến sĩ trẻ trong đơn vị mình có chung quan điểm: Hình xăm là không phù hợp, vì vậy, chiến sĩ không nên có hình xăm, nếu có thì nên xóa.

Tại Công văn số 14445/BQP-TM ngày 2-12-2017 của Bộ Quốc phòng về việc thực hiện tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2018 của Bộ Quốc phòng gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hướng dẫn về hình xăm như sau:

a) Đối với công dân trên cơ thể có hình xăm, chữ xăm

Theo quy định tại Khoản 9, Điều 5, Thông tư liên tịch số 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15-4-2016 của Bộ Quốc phòng-Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chính trị tuyển chọn công dân vào phục vụ trong quân đội:

- Nếu hình xăm, chữ xăm dưới da không thể tẩy, xóa bằng hóa chất và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không tuyển chọn và phục vụ trong quân đội:

+ Hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực;

+ Hình xăm, chữ xăm gây phản cảm, phản ánh không đúng về các tôn giáo, tín ngưỡng hoặc có nội dung không phù hợp với thuần phong mỹ tục, văn hóa của dân tộc, con người Việt Nam; thể hiện tư tưởng thiếu niềm tin, bi quan, tiêu cực về cuộc sống; mê tín dị đoan hoặc mang biểu tượng của lực lượng vũ trang nước ngoài… ở những vị trí lộ diện, như: Mặt, đầu, cổ, tay…

- Trường hợp hình xăm, chữ xăm có thể tẩy, xóa bằng hóa chất; không mang những nội dung nêu trên có thể được tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội.

Để bảo đảm công bằng xã hội, không để lọt một số trường hợp lợi dụng quy định về hình xăm, chữ xăm nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, hội đồng nghĩa vụ quân sự, hội đồng khám sức khỏe địa phương khám, kiểm tra, đánh giá chính xác tính chất, mức độ hình xăm, chữ xăm trên cơ thể công dân có thể tẩy, xóa được hay không để xem xét, quyết định về tiêu chuẩn nhập ngũ, đồng thời có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, vận động công dân phải tự tẩy, xóa hình xăm, chữ xăm và không xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước khi nhập ngũ. Các đơn vị nhận quân hiệp đồng với địa phương rà soát nắm chắc trường hợp có hình xăm, chữ xăm để phối hợp xem xét, giải quyết trước ngày giao, nhận quân.

Một số ý kiến tại tọa đàm phân tích chỉ ra việc chính hình xăm đã gây khó khăn cho những người muốn thi vào các trường quân đội để trở thành sĩ quan, vì đối với những trường hợp này, xăm mình là điều không được chấp nhận. Nói cách khác, thanh niên có hình xăm sẽ mất cơ hội được phục vụ lâu dài trong quân đội. Trong trường hợp chiến sĩ muốn theo đuổi ước mơ đó thì buộc phải xóa hình xăm, mà việc làm này lại hoàn toàn “vô kế khả thi” đối với những loại hình xăm màu hiện đại. Đại tá Vũ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ và tái tạo, Bệnh viện Bỏng Quốc gia (Học viện Quân y) cho biết: “Hiện nay, máy xăm hình đang có trên thị trường thường xăm rất sâu dưới da, vào tận lớp trung bì, dùng máy chiếu laser không thể xóa hết. Giải pháp duy nhất là cắt bỏ phần da có hình xăm và cấy da từ chỗ khác đè lên. Tuy nhiên, chi phí cho những ca phẫu thuật ấy lên tới vài chục triệu đồng”. Đại tá Vũ Quang Vinh cho biết thêm, hiện nay, ở trung tâm cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp thanh niên xin xóa hình xăm, phần lớn là phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động. Rõ ràng, vì một hình xăm mà bỏ lỡ cơ hội việc làm, tốn tiền bạc khắc phục quả là không đáng.

Giải pháp nào với hình xăm?

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bày nhiều giải pháp ứng phó với hoạt động xăm mình trong giới trẻ. Qua các nghiên cứu của PGS, TS Đinh Hồng Hải, chuyên gia nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Thạc sĩ Nguyễn Kim Anh, giáo viên Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) cho rằng, dù thời gian qua, thái độ xã hội cởi mở hơn với hình xăm nhưng nhìn chung, phổ biến vẫn là quan điểm đánh giá đối tượng xăm mình thường có phông văn hóa không cao. Giải pháp chủ yếu tập trung vào phương pháp tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục; coi trọng phòng hơn chống; giải thích cho thanh niên thấy rõ những hệ lụy của việc xăm mình, từ đó tác động vào nhận thức và hành động của họ.

Đối với lực lượng vũ trang, để có giải pháp tốt cho vấn đề hình xăm trong chiến sĩ cần những biện pháp đồng bộ. Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với địa phương, đơn vị giao quân để thực hiện nghiêm túc Luật Nghĩa vụ quân sự và các quy định hiện hành về việc giao, nhận quân, trong đó có quy định về vấn đề hình xăm (cần nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định để khắc phục hiện tượng dùng hình xăm trốn tránh nghĩa vụ quân sự). Đó là kinh nghiệm của các đại biểu đến từ Quân đoàn 4 và Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1). Thứ hai, có nhận thức và ứng xử đúng đắn về hình xăm trong chiến sĩ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để chiến sĩ tự giác nói không với hình xăm. Điều này đã được minh chứng qua ý kiến của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 144 đưa ra trong buổi tọa đàm. Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, giáo dục để không xảy ra việc xăm hình khi đang trong quân ngũ. Thứ tư, xây dựng nếp sống văn minh, lành mạnh trong đơn vị để chiến sĩ yên tâm, vui vẻ thực hiện tốt nhiệm vụ của người quân nhân.

Kết luận tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn cảm ơn và hoan nghênh ý kiến phát biểu của các đại biểu với sự đồng thuận cao về vấn đề hình xăm trong chiến sĩ hiện nay, cũng như sự đánh giá, ứng xử chuẩn mực và những giải pháp khả thi, tích cực trong việc giải quyết những vấn đề liên quan đến hình xăm chiến sĩ. Đây cũng là cơ sở quan trọng để phản bác những quan điểm sai trái, những xuyên tạc, vu khống không đúng của các thế lực thù địch đối với vấn đề này. Sau buổi tọa đàm, Báo Quân đội nhân dân mong được tiếp tục cùng các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội, trong đó có các cơ quan báo chí đẩy mạnh việc nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất, tuyên truyền, phổ biến những kinh nghiệm, những giải pháp phù hợp nhằm đánh giá, ứng xử đúng đắn vấn đề hình xăm chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời góp phần vào việc đánh giá, ứng xử vấn đề hình xăm trong thanh niên nói chung hiện nay.

ĐÔNG HÀ - VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/danh-gia-va-ung-xu-chuan-muc-ve-hinh-xam-cua-chien-si-575315