Đánh giá và đề xuất công bố hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ sau chiến tranh

Online - Ngày 15-8, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Ban chỉ đạo 504) đã tổ chức Hội nghị đánh giá và đề xuất công bố hiện trạng tồn lưu bom mìn, vật nổ (BMVN) sau chiến tranh tại Việt Nam. Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng, Ủy viên Ban chỉ đạo Chương trình 504 chủ trì hội nghị.

Từ sau chiến tranh, Đảng, Nhà nước ta đã rất quan tâm, dành nguồn ngân sách lớn đồng thời huy động các nguồn lực khác cho công tác khắc phục hậu quả BMVN sau chiến tranh và công tác rà phá bom mìn nói riêng, tuy nhiên hiện trạng bom mìn sót lại sau chiến tranh còn rất lớn.

Toàn cảnh hội nghị.

Theo báo cáo đánh giá của Bộ tư lệnh Công binh về hiện trạng tồn lưu BMVN sau chiến tranh ở Việt Nam trên cơ sở kết quả thực hiện dự án “Điều tra, lập bản đồ ô nhiễm, BMVN trên phạm vi toàn quốc” giai đoạn 1 (2010-2015): Tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều được xác định bị ô nhiễm bom mìn, trong đó có 15 tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm lớn, lớn nhất là tỉnh Quảng Trị.

Chủng loại bom mìn sót lại sau chiến tranh đa dạng gồm bom phá bom bi, đạn pháo, đạn cối, mìn, các loại vật nổ khác. BMVN đã tác động tiêu cực đến tâm lý và đời sống, kinh tế của người dân; đã có nhiều công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở các địa phương bị ảnh hưởng, trì hoãn và bị tăng chi phí bởi BMVN còn sót lại sau chiến tranh.

Kết luận hội nghị, Thượng tướng Phạm Ngọc Minh ghi nhận đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan thường trực và các ý kiến phát biểu đã nhất trí cao với báo cáo, đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung thiết thực.

Thượng tướng Phạm Ngọc Minh nhấn mạnh: Thực trạng BMVN sau chiến tranh ở Việt Nam là vấn đề lớn có tác động, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống - xã hội và sự phát triển của đất nước. Việc công bố về hiện trạng BMVN sau chiến tranh tại Việt Nam là những số liệu quan trọng để cộng đồng quốc tế chia sẻ những khó khăn, mất mát do hậu quả của sự ô nhiễm BMVN gây ra, là cơ sở để kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế và tạo sự đồng thuận trong nước trong triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chương trình khắc phục hậu quả BMVN sau chiến tranh.

Trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Cơ quan thường trực cần tiếp thu, hoàn thiện văn bản báo cáo Bộ Quốc phòng để đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép công bố hiện trạng tồn lưu BMVN sau chiến tranh tại Việt Nam với phạm vi, hình thức phù hợp, làm cơ sở cho việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế, đẩy mạnh tiến độ khắc phục hậu quả BMVN sót lại sau chiến tranh, góp phần vào sự phát triển của đất nước và các địa phương và tiếp tục triển khai thực hiện giai đoạn 2 của dự án.

Tin, ảnh: VŨ XUÂN DÂN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/danh-gia-va-de-xuat-cong-bo-hien-trang-ton-luu-bom-min-vat-no-sau-chien-tranh-515102