Đánh giá toàn diện tác động của thủy điện Luang Prabang

Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đề nghị Lào đề xuất thêm biện pháp giảm thiểu tác động bất lợi tiềm tàng từ dự án thủy điện Luang Prabang.

Ngày 30/6, Ủy ban sông Mekong (MRC) đã kết thúc quá trình tham vấn trước 6 tháng cho dự án thủy điện Luang Prabang 1.460 MW của Lào.

Tại phiên họp, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đánh giá cao việc chính phủ Lào đệ trình dự án và sự hợp tác của quốc gia này trong việc cung cấp thêm dữ liệu và tài liệu, đồng thời sẵn sàng phản hồi ý kiến cũng như khuyến nghị từ các nước thành viên và các bên liên quan.

Công nhận chủ quyền và quyền của Lào trong việc đưa ra bất kỳ quyết định nào đối với việc phát triển dự án thủy điện Luang Prabang, ba nước cũng đề nghị Lào xem xét các đề xuất của họ trong mẫu thư trả lời chính thức.

Trong mẫu đơn trả lời chính thức của Campuchia, nước này đề nghị Lào đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới, xem xét các kế hoạch và biện pháp giảm thiểu thích hợp, hiệu quả. Ngoài ra, Lào cần cung cấp các chiến lược quản lý phù sa rõ ràng.

Về phía Thái Lan, nước này đề nghị Lào và nhà đầu tư dự án thành lập quỹ môi trường và xác định biện pháp giảm thiểu tác động xuyên biên giới về phát triển kinh tế, đời sống và môi trường.

Các thành viên của Ủy ban hỗn hợp MRC họp trực tuyến để kết thúc quá trình tham vấn trước 6 tháng của dự án thủy điện Luang Prabang. Ảnh: MRC

Các thành viên của Ủy ban hỗn hợp MRC họp trực tuyến để kết thúc quá trình tham vấn trước 6 tháng của dự án thủy điện Luang Prabang. Ảnh: MRC

Trong khi đó, Việt Nam lưu ý, các tác động tích lũy của dự án thủy điện Luang Prabang và tất cả các dự án thủy điện trên dòng chính Mekong cần được đánh giá toàn diện.

Việt Nam lưu ý rằng, MRC và Chính phủ Lào đã cho thấy có sự cải thiện trong bổ sung tài liệu, dữ liệu và thông tin, nâng cấp các phương pháp đánh giá tác động, bao gồm các phương pháp đánh giá tác động tích lũy và xuyên biên giới.

Để kết thúc quá trình tham vấn trước đó, Ủy ban hỗn hợp đã đưa ra Tuyên bố thể hiện quan điểm của MRC, kêu gọi chính phủ Lào xem xét và giải quyết các ý kiến, khuyến nghị trong Báo cáo đánh giá kỹ thuật và Biểu mẫu trả lời chính thức của các quốc gia.

Tuyên bố phản ánh mối quan tâm và đề xuất của các bên liên quan được thu thập từ các cuộc tham vấn khu vực và quốc gia. Nó đưa ra các biện pháp về cách tránh, giảm thiểu các tác động bất lợi tiềm tàng xuyên biên giới từ việc phát triển dự án bằng cách tập trung nhiều hơn vào các hoạt động phối hợp của các đập, TS Somkiat Prajamwong, Chủ tịch Ủy ban hỗn hợp MRC nói.

Trong phản hồi chính thức, Lào nhấn mạnh cam kết giải quyết các tác động tiêu cực tiềm ẩn được nêu ra và cải thiện dự án.

Chính phủ Lào cam kết giải quyết các mối quan tâm chính và chào đón sự tham gia, chia sẻ thông tin, thăm địa điểm và giám sát chung để đảm bảo rằng dự án không gây ra tác động tiêu cực xuyên biên giới và nó mang lại lợi ích trực tiếp lẫn gián tiếp cho tất cả các bên, ông Chanthanet Boualapa, Thành viên của Lào trong Ủy ban hỗn hợp, đồng thời là trưởng phái đoàn Lào, phát biểu.

Vào tháng 7 năm ngoái, chính phủ Lào đã đệ trình dự án Luang Prabang để tham khảo ý kiến trước. Quá trình 6 tháng chính thức bắt đầu vào ngày 8/10/2019 và dự kiến kết thúc vào ngày 7/4/2020. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 và cần thêm thời gian để tham khảo ý kiến, Ủy ban hỗn hợp MRC không thể kết luận cho đến ngày30/6.

Minh Thái

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/danh-gia-toan-dien-tac-dong-cua-thuy-dien-luang-prabang-3409787/