Đánh giá thực trạng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải ở cơ sở

Sáng 24-10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tham vấn 'Thực trạng giải quyết tranh chấp bằng hòa giải ở cơ sở'. Hội thảo là hoạt động tiếp nối hoạt động khảo sát nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn ba tỉnh Hà Giang, Kiên Giang và Đắk Nông diễn ra hồi cuối tháng 9-2019.

Các hoạt động này nằm trong khuôn khổ của Chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE)”, do Liên minh châu Âu, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Bộ Tư pháp đồng tổ chức, với mục đích hỗ trợ tăng cường tiếp cận trợ giúp pháp lý của người dân Việt Nam, đặc biệt là nhóm yếu thế như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số và người nghèo.

Ba kiến nghị chính đã được trình bày tại hội thảo để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở là: Sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hòa giải viên và các kiến nghị về việc cần nâng cao kiểm tra, đánh giá kết quả hòa giải. Mục tiêu của hội thảo tham vấn nhằm chia sẻ các phát hiện chính về chất lượng và hiệu quả giải quyết tranh chấp ở cơ sở thông qua hoạt động hòa giải và từ đó, nêu các kiến nghị giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết tranh chấp ở cơ sở thông qua hoạt động hòa giải.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Ở Việt Nam, hòa giải ở cơ sở là hình thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án phổ biến nhất. Hòa giải ở cơ sở thường được sử dụng để giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các mối quan hệ gia đình, dân sự hoặc ở trong cộng đồng địa phương. Trên thực tế, báo cáo năm 2018 của Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) và kết quả khảo sát thực địa cho thấy có 45% đến 50% số người được khảo sát sẽ không đến tòa án để giải quyết các mâu thuẫn dân sự; thay vào đó, họ sẽ nhờ tổ hòa giải ở cơ sở để tiến hành hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp của họ.

Trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2018, các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 760.755 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 612.807 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,6%); hòa giải không thành 147.948 vụ việc (tỷ lệ 19,4%). Có 79,5% người dân tham gia trong nghiên cứu tại 3 địa phương khảo sát hoàn toàn tin tưởng và rất tin tưởng vào vai trò, giá trị và tác động của hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên hiện nay, hòa giải viên ở cơ sở còn thiếu tính chuyên nghiệp, kiến thức pháp luật còn hạn chế, kỹ năng hòa giải chưa cao; chỉ có 37,1% ý kiến người dân đánh giá hòa giải viên am hiểu pháp luật, hiểu vụ việc. 65% đến 73% người dân được hỏi đã đánh giá hòa giải viên là nhiệt tình, hòa nhã, có trách nhiệm, có uy tín.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chia sẻ: “Công tác hòa giải ở cơ sở đã giải quyết kịp thời, dứt điểm những tranh chấp, bất đồng mới phát sinh tại cơ sở, không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững, xây dựng khu dân cư văn hóa, sống hòa thuận, hạnh phúc, yên vui, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Thực tế cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững”.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế, khi quan hệ cộng đồng làng xã ổn định, bền chặt, các thôn, bản, tổ dân phố giữ được an ninh, trật tự, khiến mỗi cá nhân và gia đình yên tâm lao động, sản xuất, làm ăn hiệu quả hơn, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh. Công tác hòa giải ở cơ sở cũng thể hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thông qua đó nhân dân, xã hội trực tiếp tham gia quản lý mọi mặt đời sống xã hội.

Theo ông Nicholas Booth, Cố vấn Chương trình Tiếp cận công lý và quyền con người của UNDP, hòa giải ở cơ sở là một công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm quyền tiếp cận công lý ở Việt Nam. Tuy vậy, các biện pháp giải quyết tranh chấp dễ tiếp cận, nhanh chóng và tiết kiệm chi phí như hòa giải ở cơ sở cũng cần bảo đảm được quyền con người. Hòa giải viên ở cơ sở cần tham gia nhiều tập huấn về pháp luật và họ cần đảm bảo được quyền của các nhóm yếu thế được bảo vệ, ví dụ như người trải qua bạo lực gia đình. Phụ nữ không nên bị ép tham gia hòa giải với những người chồng có hành vi bạo lực vì áp lực xã hội hoặc vì họ không tìm được các giải pháp hỗ trợ khác.

Trong tương lai, chương trình EU JULE sẽ dựa vào kết quả khảo sát, đánh giá của nghiên cứu này để xây dựng một bộ tài liệu hòa giải ở cơ sở có nhạy cảm giới, đặc biệt hướng đến việc bảo đảm quyền tiếp cận tư pháp của nhóm đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái trong các mâu thuẫn, tranh chấp.

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/danh-gia-thuc-trang-giai-quyet-tranh-chap-bang-hoa-giai-o-co-so-598112