Đánh giá tác động dịch COVID-19 tới các đối tượng dễ bị tổn thương

Dịch COVID-19 ảnh hưởng khác biệt đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đặc biệt là hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có lao động phi chính thức và người nhập cư, dẫn tới gia tăng cao tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập đòi hỏi cần có những giải pháp hướng sự hỗ trợ đúng địa chỉ và hiệu quả.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: VGP

Đây là một nội dung được trao đổi tại Hội thảo: “Dịch COVID-19: Ảnh hưởng và triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam” do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức ngày 23/7 tại Hà Nội.

Đánh giá “Tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 đối với hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ở Việt Nam - Phân tích có tính tới yếu tố giới” do Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) và Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện cho biết, doanh thu của cả hộ kinh doanh và doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (gọi tắt là DNVNSN) đã bị giảm đáng kể. Điều này buộc hầu hết các DNVNSN phải cắt giảm hoạt động kinh doanh, giảm số lượng người lao động, do sự sụt giảm nghiêm trọng về nhu cầu đầu ra và những gián đoạn trong cung ứng đầu vào.

Cũng tại Hội thảo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày về “Dịch COVID-19: Bối cảnh thế giới, triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2020”.

Theo NCIF, đại dịch COVID-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, nhanh và mạnh tới kinh tế thế giới và Việt Nam; nguy cơ suy thoái lớn nhất trong nhiều thập kỷ, tăng trưởng sụt giảm nghiêm trọng hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính 2008-2009; hoạt động kinh tế bị dừng đột ngột; thương mại và đầu tư suy giảm; thị trường tài chính thế giới bất ổn; nhiều xu hướng mới về kinh tế, địa chính trị thế giới cũng được hình thành và dự báo sẽ trở thành xu hướng chủ đạo trong thời gian tới, đặc biệt là xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc kiểm soát dịch trên toàn thế giới vẫn khó khăn, nhiều nước đối mặt với nguy cơ dịch bùng phát trở lại do mở cửa nền kinh tế quá sớm.

Ông Lưu Quang Khánh, Giám đốc NCIF, cho biết dư địa tăng trưởng của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm bị thu hẹp đáng kể. Cụ thể, trong tình hình này, “mở rộng thị trường”, “thúc đẩy đầu tư”, “kích thích tiêu dùng” là những động lực tăng trưởng. Điểm mấu chốt là về dài hạn cần phải có những giải pháp vượt hơn thường lệ cho trạng thái bình thường mới của nền kinh tế. Về ngắn hạn, cần lấy tốc độ thực hiện chính sách là phương châm hàng đầu mới có thể sớm đưa nền kinh tế vào ổn định và tiếp tục phát triển.

Báo cáo đánh giá đưa ra các khuyến nghị để Chính phủ tinh chỉnh các quyết định chính sách và quá trình thực hiện bảo vệ sinh kế của các hộ gia đình dễ bị tổn thương, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi hoạt động của họ và đảm bảo việc làm cho người lao động.

Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự kết hợp giữa hành động sớm, có dự báo và linh hoạt của Chính phủ, và những sáng kiến của người dân, là chìa khóa thành công của Việt Nam trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19 và giảm thiểu những tác hại về mặc kinh tế-xã hội của đại dịch.

“Tôi tin rằng quản trị dựa trên dự báo và đổi mới sáng tạo cũng sẽ có vai trò rất quan trọng trong nỗ lực phục hồi mạnh mẽ, bền vững, và có tính tới yếu tố giới của doanh nghiệp và người dân”, bà Caitlin Wiesen nói.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UNWomen tại Việt Nam lưu ý, nếu không được khắc phục một cách toàn diện, hậu quả về sức khỏe và kinh tế-xã hội của đại dịch COVID-19 có thể sẽ dẫn đến bất bình đẳng giới và nguy cơ đẩy lùi những thành quả thu được trong nỗ lực trao quyền cho phụ nữ trong những thập kỷ gần đây.

UNWomen kỳ vọng, đánh giá có tính đến yếu tố giới này sẽ đóng góp một cách hiệu quả cho những nỗ lực của Chính phủ trong việc xây dựng những giải pháp phù hợp với những nhu cầu cụ thể của phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời bảo vệ và phát huy những thành tựu đã đạt được trong lĩnh vực bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng nếu giải ngân được hơn 90% gói 62 nghìn tỷ đồng đã là thành công. Tuy nhiên, cần phải thúc đẩy các chính sách, tài khóa, tiền tệ đồng bộ, thậm chí nên giãn luôn 2% phí công đoàn cho các DN có khi lên tới cả chục tỷ. Đặc biệt, cần chú ý đến việc giải ngân vốn đầu tư công.

Chính phủ cũng rất chủ động khi lập Tổ công tác đặc biệt đón “đại bàng” FDI, với Tổ trưởng là lãnh đạo Chính phủ. Tuy nhiên, việc dịch chuyển cũng không hề đơn giản có ngay mà phải tính đến cả cơ hội ngắn hạn và dài hạn.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao xây dựng chuẩn bị về các chương trình tương tự như “gói kích thích kinh tế ” trong năm 2021, “tư tưởng bên cạnh tiếp tục chống đỡ thì chuẩn bị cho phục hồi gắn với tái cấu trúc cải cách, bám theo chuyển dịch của thế giới về tiêu dùng đầu tư, chuyển đổi số”, ông Võ Trí Thành nói.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/doi-song/danh-gia-tac-dong-dich-covid19-toi-cac-doi-tuong-de-bi-ton-thuong/401637.vgp