Đánh giá tác động của chi tiêu công đến lạm phát ở các quốc gia Đông Nam Á

Mục tiêu của nghiên cứu này là lượng hóa tác động của chi tiêu công đến lạm phát tại các quốc gia Đông Nam Á. Trên cơ sở lý thuyết và kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách ra quyết định chính sách chi tiêu công hợp lý để góp phần phát triển kinh tế và kiểm soát tốt tình hình lạm phát tại các nước Đông Nam Á trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đặt vấn đề

Một quốc gia muốn tồn tại và phát triển vững mạnh cần phải có nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) lớn kết hợp với những kế hoạch chi tiêu cụ thế và khoa học. Chi tiêu công hàng năm tại hầu hết các quốc gia được Quốc hội thông qua bao gồm các khoản chi như: Chi cho văn hóa, giáo dục, thông tin, quân sự, quốc phòng, chi đầu tư xây dựng cơ bản… với tỷ trọng khác nhau tùy thuộc vào sự ưu tiên phát triển các lĩnh vực trong chính sách phát triển quốc gia. Tuy nhiên, các khoản chi tiêu công tại các quốc gia Đông Nam Á luôn trong tình trạng thâm hụt ở mức cao. Thực tế cho thấy, tình trạng bội chi NSNN ở mức cao đều có nguy cơ gây ra lạm phát. Chính vì vậy, việc nghiên cứu tác động của chi tiêu công đến lạm phát là vấn đề rất cấp thiết để kiểm soát được tình hình lạm phát tại các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu liên quan

Cơ sở lý thuyết tác động của chi tiêu công đến lạm phát

Theo Ogbole & Momodu (2015), chi tiêu công (hay chi tiêu của Chính phủ) là khoản tiền mà Chính phủ của bất kỳ quốc gia nào chi ra để thực hiện trách nhiệm hiến pháp trong việc cung cấp các phúc lợi xã hội cho công dân của mình và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Khi Chính phủ gia tăng đầu tư và chi tiêu công để tăng trưởng kinh tế, sẽ làm tăng tổng cầu. Việc duy trì liên tục chi tiêu công ở mức cao dẫn đến tăng mức giá, gây ra lạm phát. Đầu tiên, bội chi NSNN tăng dần theo thời gian do liên tục tăng chi tiêu công cao. Tăng chi NSNN để kích cầu tiêu dùng, kích thích đầu tư và tăng đầu tư phát triển sẽ đưa đến tăng trưởng cao. Đồng thời, nếu tăng chi quá mức cho phép của nền kinh tế, dẫn đến thâm hụt NSNN quá cao. Khi ngân sách bị bội chi có thể được bù đắp bằng phát hành tiền hoặc vay nợ, đều gây ra nguy cơ lạm phát tăng.

Các nghiên cứu liên quan

Nhiều nghiên cứu tại các nước phát triển và đang phát triển đã chỉ ra mối quan hệ giữa chi tiêu công và lạm phát, tiêu biểu có thể kể tới như:

Solomon và Wet (2004) nghiên cứu mối quan hệ giữa chi tiêu công và lạm phát trong nền kinh tế Tanzania bằng cách sử dụng phân tích đồng liên kếtvà mô hình hồi quy trong giai đoạn 1967 - 2001. Mô hình nghiên cứu được sử dụng để đánh giá tác động chi tiêu công, tốc độ tăng trưởng GDP, cung tiền và tỷ giá hối đoái đến lạm phát theo thời gian. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có mối quan hệ ổn định trong dài hạn giữa chi tiêu công, tỷ giá, GDP, cung tiền và lạm phát. Chi tiêu công có tác động cùng chiều đối với lạm phát, sự gia tăng chi tiêu của Chính phủ sẽ gây áp lực lên lạm phát, làm gia tăng tỷ lệ lạm phát trong nền kinh tế.

Surjaningsih và cộng sự (2012) thực hiện ước lượng ảnh hưởng của chính sách tài khóa đối với GDP và lạm phát ở Indonesia. Mô hình hiệu chỉnh sai số được sử dụng với dữ liệu được thu thập theo quý trong giai đoạn từ 1990 - 2009. Nghiên cứu chỉ ra rằng, chi tiêu của Chính phủ có có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong thời kỳ suy thoái.

Olayungbo (2013) kiểm tra mối quan hệ nhân quả bất đối xứng giữa chi tiêu của Chính phủ và lạm phát ở Nigeria từ năm 1970 - 2010. Kiểm định nhân quả không đối xứng bằng mô hình VAR2 cho thấy, khi chi tiêu của Chính phủ giảm xuống đã làm gia tăng trình trạng lạm phát. Phát hiện này cho thấy, áp lực lạm phát ở Nigeria phụ thuộc vào nhà nước, đó là lạm phát cao là do chi tiêu của chính phủ thấp hoặc bị thu hẹp.

Mô hình và phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu bao gồm các biến được kế thừa từ ý tưởng của mô hình điều chỉnh của Solomon và Wet (2004) và các nghiên cứu khác có sự điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế tại các nước Đông Nam Á, cũng như khả năng thu thập số liệu từ các nguồn đáng tin cậy. Từ đó, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu để lượng hóa tác động của chi tiêu công đến lạm phát tại các nước Đông Nam Á như sau:

- Biến phụ thuộc: Lạm phát là được đo lường bằng hai chỉ số là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và hệ số giảm phát GDP (DGPD).

- Biến độc lập: Là Chi tiêu công (GE) và các biến giải thích khác có tác động đến lạm phát như cơ sở lý thuyết đã nêu bao gồm: Tỷ lệ lạm phát kỳ trước, tỷ giá hối đoái (EXCH), tăng trưởng kinh tế (GDP) và cung tiền (M2).

- Đề xuất mô hình nghiên cứu:

Trường hợp lạm phát được đo lường bằng CPI:

CPIt = β0 + β1CPIt-i + β2GEt-h + β3EXCHt-k + β4GDPt-m + β5M2t-n + εit

Trường hợp lạm phát được đo lường bằng DGDP:

DGDPt = β0 + β1DGDPt-i + β2GEt-h + β3EXCHt-k + β4GDPt-m + β5M2t-n + εit

Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu được lấy từ dữ liệu hàng năm trong cơ sở dữ liệu kinh tế thế giới của World Bank và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) của 10 quốc gia trong 11 nước Đông Nam Á gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippinnes, Thái Lan, Việt Nam và Singapore (trừ Đông Timor) trong giai đoạn 2007 - 2017.

Để lượng hóa tác động của chi tiêu công đến lạm phát, tác giả sử dụng mô hình hồi quy tuyến tính đa biến.

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả dữ liệu nghiên cứu

Tác giả sử dụng phần mềm STATA để thống kê mô tả dữ liệu nghiên cứu, kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ lạm phát theo CPI của các nước Đông Nam Á trong giai đoạn 2007 – 2016 ở mức trung bình là 4,67%. Tỷ lệ lạm phát theo hệ số giảm phát GDP có giá trị trung bình thấp hơn so với tỷ lệ lạm phát theo CPI là 4,42%. Tỷ lệ chi tiêu công trên GDP có giá trị trung bình là 22,41%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế với giá trị trung bình là 8,41%. Điều này cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại khu vực Đông Nam Á hiện nay khá nhanh. Tỷ lệ cung tiền trên GDP có giá trị trung bình là 79,99%. Tỷ giá hối đoái có giá trị trung bình là 4305,238.

Kết quả nghiên cứu

- Đối với mô hình tỷ lệ lạm phát tính theo CPI

Kết quả hồi quy và kiểm định cho thấy mô hình tác động ngẫu nhiên (REM) là phù hợp nhất đối với mô hình nghiên cứu tỷ lệ lạm phát tính theo CPI với độ phù hợp (R-squared) của mô hình là 35,72%. (Bảng 1)

Kết quả Bảng 1 cho thấy, tỷ lệ lạm phát kỳ trước có ảnh hưởng cùng chiều với tỷ lệ lệ lạm phát tính theo CPI. Tỷ lệ chi tiêu công trên GDP (GE) có ảnh hưởng ngược chiều với tỷ lệ lạm phát tính theo CPI. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) có ảnh hưởng cùng chiều với tỷ lệ lạm phát tính theo CPI của các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ cung tiền trên GDP (M2) có ảnh hưởng ngược chiều với tỷ lệ lạm phát tính theo CPI. Tỷ giá hối đoái (EXCH) có ảnh hưởng cùng chiều với tỷ lệ lạm phát tính theo CPI của các nước Đông Nam Á.

- Đối với mô hình tỷ lệ lạm phát tính theo hệ số giảm phát GDP

Kết quả hồi quy và kiểm định cho thấy mô hình tác động cố định (FEM) là phù hợp nhất đối với mô hình nghiên cứu có biến phụ thuộc tỷ lệ lạm phát tính theo hệ số giảm phát GDP với độ phù hợp (R-squared) của mô hình là 68,21%. ( Bảng 2)

Kết quả Bảng 2 cho thấy, tỷ lệ lạm phát kỳ trước có ảnh hưởng cùng chiều với tỷ lệ lạm phát tính theo hệ số giảm phát GDP. Tỷ lệ chi tiêu công trên GDP (GE) có ảnh hưởng ngược chiều với tỷ lệ lạm phát tính theo hệ số giảm phát GDP. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) có ảnh hưởng cùng chiều với tỷ lệ lạm phát tính theo hệ số giảm phát GDP. Tỷ lệ cung tiền trên GDP (M2) có ảnh hưởng ngược chiều với tỷ lệ lạm phát tính theo hệ số giảm phát GDP. Tỷ giá hối đoái (EXCH) có ảnh hưởng ngược chiều với tỷ lệ lạm phát tính theo hệ số giảm phát GDP.

Khuyến nghị chính sách kiểm soát lạm phát

Về áp lực lạm phát trong quá khứ

Nhìn chung, tỷ lệ lạm phát của các nước Đông Nam Á hiện nay khá thấp và đang có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, một số nước vẫn có tỷ lệ lạm phát khá cao so với mức trung bình của khu vực như Việt Nam, Campuchia, Lào, Indonesia, Myanmar do có nhiều năm theo đuổi chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá đã gây nên tình trạng lạm phát kéo dài trong nhiều năm sẽ tạo nên áp lực lớn về bùng nổ lạm phát trong tương lai. Chính vì vậy, Chính phủ các nước này cần xem chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu với việc ban hành một loạt các biện pháp nhằm kiềm lại đà tăng giá, đang khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn. Chính phủ các nước cần có các cơ quan nghiên cứu kinh tế chuyên sâu về các vấn đề vĩ mô để dự báo trước tình trạng lạm phát trong tương lai dựa trên những cơ sở dữ liệu trong quá khứ về lạm phát.

Về chi tiêu công

Chi tiêu công là một công cụ của Chính phủ nhằm cung cấp các hàng hóa công cho xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bổ nguồn lực, phân phối thu nhập, ổn định kinh tế vĩ mô và thu hút vốn đầu tư của khu vực tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Do đó, Chính phủ các nước cần thực hiện đồng bộ giải pháp để không gây những tác động tiêu cực làm tăng tỷ lệ lạm phát:

- Chi tiêu công phải thật sự minh bạch, rõ ràng và hợp lý, có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đề ra; cần tích cực phòng chống tham nhũng, lãng phí các khoản chi tiêu công của Chính phủ.

- Kiểm soát chặt chẽ chi tiêu công để không vượt ngưỡng gây ra tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và lạm phát, các khoản chi ngoại bảng cân đối phải tuyệt đối tránh. Để làm đượcđiều này cần phải chuyển việc chi tiêu công theo các yếu tố đầu vào sang chi tiêu theo các mục tiêu, kết quả đầu ra.

- Xây dựng khuôn khổ chi tiêu trung hạn để phân bổ các nguồn lực hợp lý cho các chương trình, dự án ưu tiên trong đời sống xã hội; áp dụng hệ thống giám sát và chi tiêu công vào tổng chi tiêu công nhấn mạnh đến việc phát triển bền vững, cải thiện quản trị công và đánh giá sự hài lòng của người dân.

Về tăng trưởng kinh tế

Theo kết quả nghiên cứu, tốc độ tăng trưởng kinh tế có tác động cùng chiều đến tỷ lệ lạm phát, có nghĩa là các nước Đông Nam Á muốn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế phải đánh đổi với việc tỷ lệ lạm phát gia tăng. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho Chính phủ các nước là cần phải lựa chọn mô hình tăng trưởng kinh tế phù hợp. Cụ thể, đối với Việt Nam, thực tế đã chứng minh mô hình tăng trưởng dựa vào thâm dụng vốn đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua là không hiệu quả khi lạm phát tăng cao mà tăng trưởng vẫn ở mức thấp, do vậy cần phải lựa chọn một mô hình tăng trưởng đổi mới, dựa vào yếu tố khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về mặt dài hạn, định hướng chính sách cho mô hình tăng trưởng nên xác định tỷ lệ tăng trưởng hợp lí, và không nên trông chờ vào chính sách mở rộng tiền tệ, thay vào đó nên tận dụng triệt để nguồn vốn từ trong nền kinh tế thông qua kênh trung gian là ngân hàng trở thành nguồn vốn đầu tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng chính sách lãi suất hấp dẫn hơn, tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm của cá nhân.

Về vấn đề cung tiền

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cung tiền có tác động ngược chiều với tỷ lệ lạm phát trong cả hai mô hình nghiên cứu. Tác giả lý giải điều này là do tốc độ tăng cung tiền đang chậm hơn tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế khu vực Đông Nam Á, không có năm nào lượng cung tiền vượt quá tổng GDP của các nước, do đó không gây tác động làm tăng tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, đối với riêng một số nước có tỷ lệ cung tiền trên GDP cao hơn 100% như: Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Singapore thì tăng trưởng cung tiền là một trong những nguồn gốc chính gây nên lạm phát. Do vậy, để giải quyết vấn đề lạm phát tại các nước có tỷ lệ cung tiền cho nền kinh tế cao cần thực hiện các giải pháp sau:

- Mức cung tiền tệ cần được tính toán kỹ lưỡng sao cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP và mục tiêu lạm phát.

- Việc điều hành cung tiền cần được thực hiện chủ động, linh hoạt, tránh hiện tượng giật cục, không nhất quán.

- Ngân hàng Nhà nước cần cân nhắc kỹ và sử dụng phối hợp nhiều công cụ để điều tiết lượng cung tiền như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, thị trường mở, lãi suất… một cách đúng thời điểm và đúng mức độ, tránh gây ra tác động tiêu cực hoặc cú sốc cho nền kinh tế.

Về tỷ giá hối đoái

Tỷ giá là một trong những kênh truyền tải của chính sách tiền tệ, truyền dẫn tác động từ các công cụ đến mục tiêu cuối cùng của chính sách tiền tệ. Trong đó, quan trọng nhất là mục tiêu ổn định giá cả. Việc phá giá đồng nội tệ có thể làm gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, việc hạ giá trị của đồng nội tệ hay tăng tỷ giá cũng có lợi cho hoạt động xuất khẩu. Do đó, vấn đề đặt ra là Chính phủ cần điều hành chính sách tỷ giá một cách linh hoạt theo những định hướng sau:

- Cần đặt ra mục tiêu của chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tỷ giá nói riêng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự bền vững của cán cân thanh toán quốc tế. Bên cạnh đó, cần theo dõi, đánh giá và dự báo xu hướng của các dòng vốn quốc tế; hạn chế tình trạng “đô la hóa”, nâng cao vị thế của đồng nội tệ.

- Xây dựng một mức lạm phát mục tiêu cho trung hạn và dài hạn.

- Bám sát các diễn biến trong nền kinh tế để lựa chọn chính sách tiền tệ là nới lỏng hay thắt chặt cho phù hợp, không nên cứng nhắc áp đặt một con số cụ thể cho tăng trưởng tín dụng.

Tài liệu tham khảo:

David Oluseun Olayungbo, (2013),“ Government Spending and Inflation in Nigeria: An Asymmetry Causality Test ”, International Journal of Humanities and Management Sciences (IJHMS) Vol 1;

M Solomon and W A de Wet, (2004), “ The Effect of a Budget Deficit on Inflation: The Case of Tanzania ”, SAJEMS NS Vol 7, No 1;

Ndari Surjaningsih, G. A. Diah Utari, Budi Trisnanto, (2012), “ The Impact of Fiscal Policy on The Output and Inflation”, Bulletin of Monetary Economics and Banking, April 2012;

Ogbole o. F. Momodu a. A, (2015), “ Government Expenditure and Inflation Rate in Nigeria: An Empirical Analyses of Pairwise Causal Relationship”, Research Journal of Finance and Accounting, Vol.6, No.15.

PGS., TS. Nguyễn Ngọc Hùng - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2019

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te/danh-gia-tac-dong-cua-chi-tieu-cong-den-lam-phat-o-cac-quoc-gia-dong-nam-a-314729.html