Đánh giá tác động chính sách trong xây dựng pháp luật

Hôm qua (26/6), trong khuôn khổ Dự án GIZ của Cộng hòa Liên bang Đức, Bộ Tư pháp và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã phối hợp tổ chức Hội nghị công tác pháp chế năm 2018 với chủ đề 'Đánh giá tác động chính sách trong xây dựng pháp luật'.

Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến phát biểu khai mạc Hội nghị.

Vụ trưởng Nguyễn Hồng Tuyến phát biểu khai mạc Hội nghị.

Đánh giá tác động sẽ tạo được sự đồng thuận với chính sách

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến nhấn mạnh vai trò quan trọng của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là “Luật làm luật”, là công nghệ làm luật. Theo đó, một trong những điểm nổi bật được đề cập nhiều lần là Luật này đã tách bạch quy trình xây dựng chính sách và quy trình soạn thảo văn bản. Việc tách bạch nhằm khắc phục một khâu yếu và cũng là nhược điểm nhiều năm qua của Việt Nam là vừa thiết kế vừa xây dựng văn bản.

Với Hội nghị công tác pháp chế năm nay, theo ông Tuyến, sẽ tập trung vào một mảng cốt lõi, chuyên sâu của quy trình xây dựng chính sách là đánh giá tác động chính sách. Ông Tuyến cho biết, sản phẩm của đánh giá tác động chính sách là báo cáo đánh giá tác động chính sách, bao gồm đánh giá tác động về kinh tế, về xã hội, về giới (nếu có), về thủ tục hành chính (nếu có) và đánh giá tác động đối với hệ thống pháp luật.

Đồng quan điểm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) Hà Đình Bốn khẳng định, để xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và ổn định chính trị - kinh tế thì phải xây dựng được hệ thống pháp luật tốt. Vì vậy, cũng như nhiều bộ, ngành, địa phương khác, Bộ LĐTBXH đặc biệt quan tâm đến Luật năm 2015. Theo ông Bốn, đánh giá tác động chính sách không phải là quy định mới bởi nội dung này đã có trong Luật năm 2008 nhưng Luật năm 2015 đòi hỏi chặt chẽ hơn nhằm đánh giá sự phù hợp với các điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất, con người, bảo đảm tính khả thi của chính sách khi được thông qua.

Tâm niệm tổ chức pháp chế là “cánh tay nối dài” của Bộ Tư pháp, ông Bốn càng nhận thức rõ tầm quan trọng của đánh giá tác động chính sách khi Bộ LĐTBXH được giao chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật. Trong đó đáng chú ý là sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động rất cần thiết đánh giá đầy đủ các tác động của các chính sách sẽ sửa đổi, nhất là các nội dung mới, để làm sao đạt được sự đồng thuận cao khi dự kiến đưa ra lấy ý kiến vào tháng 10 tới đây.

Cần ban hành tiêu chí cụ thể

Báo cáo tổng quan công tác pháp chế địa phương 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Trưởng phòng Phòng Công tác pháp chế (Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật) Đỗ Thị Thanh Hương chỉ ra những vấn đề địa phương cần lưu ý trong đề xuất chính sách, xây dựng nội dung chính sách, quy trình xây dựng chính sách… khi lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND. Chia sẻ đây là quy định mới, có nhiều yêu cầu cao về hồ sơ, chất lượng với địa phương, nhưng bà Hương thẳng thắn cho rằng địa phương còn gặp lúng túng, khó khăn trong việc xác định nội dung nào cấp huyện, cấp xã được ban hành bằng hình thức văn bản; trong lập đề nghị, xây dựng nội dung chính sách và đánh giá tác động chính sách…

Trên cơ sở đó, bà Hương đề nghị các địa phương rà soát thật kỹ nội dung nghị quyết, nếu không tìm được các điều, khoản, điểm trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên giao cho HĐND quy định chi tiết thì bắt buộc phải thực hiện quy trình lập đề nghị xây dựng nghị quyết. Khi tiến hành lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND, cơ quan chủ trì tại địa phương cần lên kế hoạch cụ thể, hợp lý và cần đề xuất lãnh đạo địa phương quan tâm, tập trung nguồn lực hơn nữa cho công tác xây dựng pháp luật. Ngoài ra, khi lấy ý kiến đối với chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng nghị quyết, bà Hương lưu ý địa phương nên tiến hành phân chia nội dung lấy ý kiến đối với các nhóm đối tượng và thực hiện song song các hoạt động truyền thông đối với dự kiến chính sách.

Nêu khó khăn tại địa phương, bà Quế Thị Trâm Ngọc (Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An) phản ánh thực trạng hiện nay nhiều cơ quan chuyên môn thuộc UBND không còn giữ Phòng Pháp chế bởi “công tác pháp chế ở một số địa phương bị cho là không cần thiết”. Bởi thế, công tác xây dựng pháp luật, trong đó có lập đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND chủ yếu giao cho Sở Tư pháp thực hiện. Từ đó, bà Ngọc kiến nghị thời gian tới tập trung các nguồn lực, cán bộ pháp chế về Sở Tư pháp, các tổ chức pháp chế bộ, ngành.

Dẫn chứng một ví dụ cụ thể của địa phương, đại diện Sở Tư pháp TP Hải Phòng cho biết, vừa qua Sở Giáo dục và Đào tạo dự kiến trình HĐND thành phố Dự thảo Nghị quyết xây dựng trường Trần Phú thành trường chuyên của thành phố. Theo đó, đề xuất các nhóm chính sách áp dụng cho học sinh và cho giáo viên thì qua đánh giá tác động nhận thấy có nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như quy định tuyển thẳng học sinh lớp 9 đạt giải quốc gia của một môn thi vào lớp 10 chuyên môn đó thì “vướng” với quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay chính sách tuyển dụng với giáo viên cho trường có phát sinh va vấp về thủ tục… Vì vậy, địa phương đề nghị Bộ Tư pháp ban hành tiêu chí cụ thể về thực hiện đánh giá tác động chính sách và thường xuyên tổ chức các khóa học về tiêu chí để địa phương học tập.

Thục Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/danh-gia-tac-dong-chinh-sach-trong-xay-dung-phap-luat-399628.html