Đánh giá sự phát triển toàn diện trẻ thơ lứa tuổi ba đến năm tuổi

Ngày 12-11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo Thích ứng thang đánh giá Phát triển trẻ thơ (PTTT) cho trẻ từ ba đến năm tuổi tại Việt Nam.

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo.

Thang đánh giá được xây dựng và sử dụng với mục đích tìm hiểu tình trạng phát triển trẻ thơ trong một nhóm dân số trong một bối cảnh cụ thể và để trả lời các câu hỏi như “Cần có các can thiệp nào? Những can thiệp nào giúp nâng cao chất lượng học tập và phát triển giai đoạn đầu đời?”. Ngoài ra, thang đánh giá còn so sánh các kết quả phát triển trẻ thơ giữa các nhóm dân số nhằm cung cấp thông tin, bằng chứng khoa học cho các nhà quản lý trong việc ra quyết định về các chính sách, dịch vụ và chương trình phát triển trẻ thơ. Phân tích tác động của các chính sách và chương trình trẻ thơ, từ đó, cung cấp thông tin về các chính sách, dịch vụ và chương trình PTTT, đồng thời hỗ trợ cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý ra quyết định dựa trên bằng chứng. Có bảy lĩnh vực phát triển trong Thang đánh giá PTTT bao gồm: Nhận thức; cảm xúc xã hội; vận động; ngôn ngữ và tiền đọc viết; sức khỏe, vệ sinh và an toàn cá nhân; hiểu biết văn hóa và tham gia; tiếp cận với việc học.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Từ năm 2011, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương hợp tác với Đại học Hong Kong, Tổ chức Mạng lưới Giáo dục mầm non và Tổ chức Xã hội mở xây dựng và thông qua chương trình đánh giá cấp khu vực về học tập giai đoạn đầu đời và phát triển trẻ thơ mang tên: Thang đánh giá Phát triển trẻ thơ khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Thang đánh giá là chương trình trắc nghiệm nghiêm túc đầu tiên có bối cảnh cụ thể về phát triển trẻ thơ được xây dựng cho trẻ từ ba đến năm tuổi trong khu vực Đông Á-Thái Bình Dương.

Thang đánh giá đã được thích ứng, nghiên cứu thử nghiệm ở sáu quốc gia trong khu vực gồm: Campuchia, Trung Quốc, Mông Cổ, Papua New Guinea, Đông Timor, Vanuatu. Thang đánh giá đang được điều chỉnh, thích ứng sang phiên bản Tiếng Việt, việc hoàn thiện Thang đánh giá hứa hẹn sẽ là một bộ công cụ có giá trị sử dụng trong việc đánh giá sự phát triển toàn diện trẻ thơ lứa tuổi từ ba đến năm tuổi và là công cụ đo lường tác động của các chính sách, chương trình, kế hoạch và những tác động giáo dục quốc gia để hỗ trợ đắc lực cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách giáo dục trong bối cảnh phát triển trẻ thơ ở Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu trao đổi, thảo luận và góp ý cho những kết quả mà nhóm chuyên gia đã thực hiện trong thời gian vừa qua như quá trình và kết quả điều chỉnh, thích ứng Thang đánh giá phát triển trẻ thơ của khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam; Kết quả thử nghiệm Thang đánh giá tại Hà Nội, Gia Lai và nội dung bộ công cụ đã điều chỉnh. Bên cạnh những ý kiến thảo luận về kết quả điều chỉnh, thích ứng và thử nghiệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng muốn tham vấn đại biểu về việc hoàn thiện và thể chế hóa, sử dụng Thang đánh giá trong các cơ sở giáo dục mầm non ở Việt Nam và các mục tiêu vận động chính sách giáo dục mầm non.

QUỲNH NGUYỄN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/giaoduc/tin-tuc/item/38222602-danh-gia-su-phat-trien-toan-dien-tre-tho-lua-tuoi-ba-den-nam-tuoi.html