Đánh giá so sánh Mitsubishi Outlander và Mazda CX-5 2018

Xedoisong.vn tiến hành trải nghiệm thực tế 2 mẫu xe Mitsubishi Outlander và Mazda CX-5 để so sánh ưu nhược điểm, đặc tính vận hành và chất lượng sản phẩm.

Trong phân khúc crossover SUV hạng C tầm giá trên dưới 1 tỉ đồng hiện nay tại Việt Nam, xu hướng mới là những mẫu xe có cấu hình 5+2 cho phép chở được tới 7 người trong nhiều trường hợp cần thiết. Sự tiện dụng hơn của một chiếc xe 7 chỗ so với một chiếc xe 5 chỗ thì quá rõ ràng. Lấy ví dụ, một cặp vợ chồng cùng 2 con và ông bà (tổng cộng 6 người) có thể thoải mái đi du lịch cuối tuần mà vẫn có đủ không gian để hành lý đồ đạc, trong khi chiếc xe cùng hạng 5 chỗ thì không đáp ứng được.

Xedoisong.vn đã thực hiện hành trình trải nghiệm đường dài cùng lúc 2 mẫu xe đang rất được quan tâm hiện nay là Mitsubishi Outlander với cấu hình 5+2 và Mazda CX-5 chỉ có 5 chỗ, để tìm hiểu chi tiết, so sánh sự khác biệt, ưu nhược điểm của từng mẫu xe. Hai chiếc xe được trải nghiệm đều là những phiên bản có cấu hình trang bị cao cấp.

Cả Outlander và CX-5 hiện đều đang được sản xuất lắp ráp trong nước (CKD). Outlander được lắp ráp tại nhà máy của Mitsubishi Motors ở Bình Dương với 100% bộ linh kiện phụ tùng được nhập khẩu từ Nhật Bản và quy trình lắp ráp được giám sát nghiêm ngặt bởi các chuyên gia từ tập đoàn Mitsubishi Motors Nhật Bản, đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn toàn cầu. CX-5 được sản xuất lắp ráp tại nhà máy THACO Mazda ở Chu Lai, Quảng Nam trên dây chuyền sản xuất mới, hiện đại.

Thiết kế ngoại thất

Mitsubishi Outlander là sản phẩm lắp ráp mở đầu tại Việt Nam mang thiết kế Dynamic Shield – Vẻ đẹp gắn liền với công năng, đem lại ấn tượng mạnh và nét đặc trưng riêng biệt cũng như nhiều lợi ích thiết thực. Ngoại hình Outlander toát lên vẻ sang trọng tinh tế, nam tính và hài hòa cân đối. Outlander ứng dụng công nghệ LED cho đèn pha, đèn chiếu sáng ban ngày và đèn hậu. Bộ mâm nhôm đúc 18-inch thiết kế đẹp mắt. Nhiều chi tiết trang trí mạ chrome ở ngoại thất nhấn mạnh đến vẻ sang trọng.

CX-5 là mẫu xe đầu tiên của Mazda được áp dụng ngôn ngữ thiết kế KODO “Soul of Motion”. Ngoại hình CX-5 mới tinh tế hơn trước, toát lên vẻ mềm mại, năng động thể thao do sử dụng các đường cong làm chủ đạo. CX-5 sử dụng đèn pha LED, đèn LED chiếu sáng ban ngày và đèn hậu LED. Bộ mâm xe 19-inch thiết kế 5 chấu.

Tổng quan có thể thấy, Mitsubishi Outlander sang trọng, nam tính cứng cáp hơn, trong khi Mazda CX-5 thể thao, trẻ trung và mềm mại hơn.

Thiết kế nội thất

Mitsubishi Outlander có cấu trúc 5+2 cho phép chở được 7 người, rất tiện lợi trong nhiều trường hợp cần thiết. Đặc biệt hàng ghế thứ 2 có thể dịch chuyển lên xuống tạo sự linh hoạt thoải mái. Không gian nội thất của Outlander rộng rãi và thoáng, khoang hành lý sau rộng. Xe có cửa sổ trời chỉnh điện, cửa hậu chỉnh điện.

Nội thất Outlander có màu kem sáng ấm áp thân thiện, các ghế ngồi bọc da êm ái. Thiết kế bảng điều khiển trung tâm của Outlander sang trọng, bảng đồng hồ 2 vòng tròn cân đối và dễ quan sát.

Mazda CX-5 chỉ có 5 chỗ ngồi, hàng ghế thứ 2 cố định không thể dịch chuyển lên xuống, khoang hành lý sau vừa phải. Xe có cửa sổ trời chỉnh điện, cửa hậu chỉnh điện.

Nội thất CX-5 có màu đen sang trọng, các ghế ngồi bọc da. Thiết kế bảng điều khiển trung tâm có bố cục cân đối nhưng hơi rời rạc do màn hình thông tin bố trí tách biệt. Bảng đồng hồ 3 vòng tròn mang phong cách thể thao kiểu như thiết kế đặc trưng của xe Porsche.

Như vậy, nội thất Outlander và CX-5 có sự khác biệt rõ rệt. Outlander hơn hẳn CX-5 về độ tiện dụng vì chở được tới 7 người và hàng ghế thứ 2 dịch chuyển được lên xuống linh hoạt. Không gian nội thất Outlander rộng, thoáng và tươi sáng hơn. CX-5 sẽ hợp với nhiều người thích nội thất màu tối.

Đặc tính vận hành

So sánh bảng thông số kỹ thuật cơ bản của 2 xe:

Mitsubishi Outlander có cấu trúc khung sườn RISE cấu tạo từ vật liệu thép gia cường độ đứng cao, vừa nâng cao khả năng bảo vệ chống đâm va, vừa đem đến sự vững chắc khi xe vào cua hoặc di chuyển ở tốc độ cao.

Trên Outlander, hộp số CVT đem lại khả năng vận hành cực kỳ êm mượt, phản ứng chân ga nhạy, động cơ MIVEC đáp ứng linh hoạt, thường duy trì vòng tua thấp giúp xe tiết kiệm nhiên liệu. Vô-lăng của xe đầm chắc ngay cả khi chạy lên dải tốc độ cao, thậm chí có thể nói tiệm cận với nhiều dòng xe sang trọng cao cấp. Khung sườn cứng vững đem lại cảm giác lái xe chắc chắn, cách âm tốt, hệ thống treo xử lý tốt khi đi qua các bề mặt gồ ghề, dằn xóc, đem lại cảm giác êm ái dễ chịu.

Bên cạnh đó, khả năng offroad của Outlander cũng nổi trội hơn, do Outlander được thiết kế dựa trên kinh nghiệm nhiều năm Mitsubishi chế tạo xe đua địa hình tham gia giải đua Dakar Rally. Hệ thống kiểm soát tất cả các bánh xe (All Wheel Control) giúp kiểm soát từng bánh xe độc lập và đảm bảo độ bám tối ưu trong mọi điều kiện vận hành.

Hệ dẫn động 2 cầu 4WD của Outlander cho phép người lái chọn 3 chế độ vận hành khác nhau: 4WD ECO, 4WD AUTO và 4WD LOCK. Chế độ 4WD ECO để tối ưu tiết kiệm nhiên liệu. Chế độ 4WD AUTO vận hành ở điều kiện thông thường, chuyển đổi thích ứng lực kéo giữa cầu trước và sau. Chế độ 4WD LOCK sử dụng trong điều kiện địa hình xấu.

Mazda CX-5 ứng dụng khung sườn Skyactiv, tăng 30% độ cứng so với mẫu cũ. Động cơ Skyactiv-G được đánh giá cao về độ đáp ứng nhanh nhạy, duy trì vòng tua thấp. Hộp số tự động 6 cấp cho cảm giác lái mượt ở dải tốc độ thấp, tuy nhiên hệ động lực bắt đầu có cảm giác bị rung khá rõ khi xe chạy từ 100km/h trở lên. Độ rung này rõ đến mức tạo nên cảm giác rung ở hai đùi của người lái. Vô-lăng của CX-5 nhẹ và dễ chịu khi xe chạy chậm nhưng lỏng tay, thiếu đầm chắc khi chạy lên tốc độ cao. Điểm cộng là CX-5 có chế độ vận hành thể thao (SPORT) nhưng lại không có lẫy sang số trên vô-lăng.

Hệ dẫn động 2 cầu của CX-5 chỉ có một chế độ duy nhất và bộ điều khiển chuyển đổi phân bổ thích ứng lực kéo giữa cầu trước và sau.

So sánh vận hành Outlander và CX-5

Nhờ động cơ có công suất và mô-men xoắn lớn hơn, cùng với việc sử dụng hộp số tự động 6 cấp giúp Mazda CX-5 nhỉnh hơn về khả năng tăng tốc, trong khi Outlander tăng tốc mượt và đều hơn nhờ hộp số CVT.

Qua trải nghiệm đường dài với nhiều kiểu địa hình, mặt đường khác nhau, có thể cảm nhận rõ Outlander có khung sườn cứng vững hơn, đặc biệt khi đi qua các cung đường xấu, gồ ghề, đường mòn sỏi đá. CX-5 có khả năng cách âm kém hơn, chống rung cũng kém hơn Outlander.

Cả 2 chiếc xe đều sử dụng vô-lăng trợ lực điện, nhưng Outlander có vô-lăng đầm chắc hơn nhiều nên đi đường trường rất thích, trong khi vô-lăng CX-5 lỏng tay hơn và phụ nữ lái có thể sẽ thấy dễ chịu hơn. Bán kính quay vòng của Outlander là 5,3m trong khi của CX-5 là 5,46m, do đó việc xoay trở với Outlander dễ dàng hơn một chút so với CX-5 ở một số không gian chật hẹp.

Trong bài test slalom chạy xe zig-zag qua các cọc tiêu để xe đổi hướng liên tục, các lần thử cho thấy CX-5 có lợi thế về độ linh hoạt, nghĩa là đem lại cảm giác lái thể thao hơn, trong khi Outlander có thiên hướng đem lại cảm giác đầm và êm ái hơn.

Về mức tiêu hao nhiên liệu, theo số liệu dán “tem xanh” của Cục đăng kiểm Việt Nam, Outlander và CX-5 có mức tiêu hao nhiên liệu trung bình ngang nhau là 7,7 lít/100km. Tuy nhiên, nếu sử dụng đi đường dài nhiều thì Outlander tiết kiệm nhiên liệu hơn, trong khi CX-5 có lợi hơn một chút khi sử dụng thường xuyên trong đô thị.

Mức độ tiêu hao nhiên liệu của Outlander và CX-5 (số liệu tem xanh của Cục Đăng kiểm Việt Nam, chu trình thử QCVN 86:2015/BGTVT).

Tiện nghi trang bị

Cả 2 mẫu xe đều sở hữu đầy đủ các trang bị tiện ích, các hệ thống hỗ trợ lái xe hiện đại và an toàn, như đèn pha và gạt mưa tự động, điều hòa tự động 2 vùng độc lập, camera lùi, hệ thống âm thanh giải trí cao cấp, điều khiển âm thanh trên vô-lăng, khởi động bằng nút bấm, phanh tay điện tử và giữ phanh tự động autohold, kiểm soát hành trình cruise control, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc.

Mazda CX-5 hơn điểm Outlander về trang bị nhờ có thêm một vài tính năng tiện ích khác như cảnh báo điểm mù, hiển thị thông tin trên kính lái HUD, cảnh báo chệch làn đường, hỗ trợ giữ làn đường, cảnh báo giao thông cắt ngang phía sau.

Kết luận

Trải nghiệm thực tế trong cùng điều kiện vận hành giúp hiểu một cách chi tiết hơn ưu nhược điểm của từng mẫu xe. So với CX-5, Mitsubishi Outlander có khung gầm cứng vững hơn, hệ thống treo tốt hơn, cảm giác lái đầm chắc hơn, hộp số vận hành êm mượt hơn ở mọi dải tốc độ, độ cách âm và chống rung tốt hơn, khả năng đi địa hình cũng tốt hơn.

Trong khi đó, Mazda CX-5 có cảm giác lái thể thao hơn, vô-lăng lỏng tay, thích hợp hơn với các tay lái nữ. Outlander hơn điểm đáng kể về không gian nội thất và sự tiện dụng khi rộng thoáng hơn và chở được tới 7 người. CX-5 hơn điểm khi có thêm một vài trang bị tiện ích.

Sự khác biệt về ngoại hình của 2 chiếc xe rất rõ ràng và nó tùy thuộc vào gu thẩm mỹ của từng khách hàng.

Cuối cùng, chọn Outlander hay CX-5 là tùy thuộc vào khách hàng. Nếu gắn bó lâu dài, chúng tôi thích Outlander hơn, đặc biệt nhờ khung gầm thân xe cứng vững và toàn bộ 100% phụ tùng linh kiện từ Nhật Bản với chất lượng và tuổi thọ độ bền cao.

Hiện tại, cả Outlander và CX-5 đều cho phép khách hàng chọn lựa 3 phiên bản, 2 loại động cơ khác nhau, cấu hình dẫn động cầu trước hoặc cả 2 cầu.

Xedoisong Team

(Theo Nghe nhìn Việt Nam)

Nguồn Xe Đời Sống: http://xedoisong.vn/thu-xe/danh-gia-so-sanh-mitsubishi-outlander-va-mazda-cx5-2018-25099.html