Đánh giá Samsung Galaxy S20 Ultra

Zoom 100x có thể là một tính năng để quảng cáo, nhưng nó tỏ ra có ích trong tầm zoom 10x. Galaxy S20 Ultra về cơ bản là một chiếc di động mới mẻ, toàn năng và ít có điểm trừ.

Đi nhiều sự kiện, tôi đã quen với cảnh các CEO công nghệ đứng trên sân khấu, mặc quần áo trông giống Steve Jobs và đưa ra cơn mưa lời khen về camera trên chiếc smartphone của họ.

Một nửa trong số đó gây thất vọng khi tôi cầm máy trên tay, dù có điểm số khá cao trên DxOMark ít ngày sau đó.

99,99% các buổi ra mắt điện thoại đều quay và livestream bằng máy chuyên dụng chục nghìn USD kiểu Red-One. Chẳng hãng nào đủ tự tin dùng chính điện thoại của họ để livestream sự kiện.

Những ngày sau đó là một kịch bản quen thuộc. Song song với chương trình đặt hàng là chuỗi ca ngợi của các KOLs trên Internet: "Chúng cực kỳ tuyệt vời, xuất sắc, tôi sẽ mua nó"... nhưng sau đó họ vẫn tậu iPhone.

Hai năm qua, tôi có dịp đi những chuyến dài ngày cùng một số mẫu di động thực sự nghiêm túc với nhiếp ảnh như Huawei P20 Pro, Galaxy Note10, iPhone 11 Pro Max và bắt đầu cảm nhận được chúng đang thu hẹp khoảng cách rất ngắn với máy ảnh, thậm chí tạo ra một phong cách riêng chứ không hẳn cố gắng bắt chước hay mô phỏng lại những khả năng của máy ảnh số.

Đến khi Galaxy S20 Series ra mắt và Samsung tự tin dùng chính điện thoại của mình để livestream sự kiện, vốn nhiều màu sắc, ánh sáng phức tạp, và kết quả không tệ. Từ đó, tôi tò mò và nóng lòng muốn trải nghiệm nó sâu hơn để xem camera đã thực sự tốt hơn không. Camera zoom dài 100X và màn hình 120 Hz là 2 điều tôi muốn kiểm chứng nhất.

Lần đầu tiên khi cầm chiếc Galaxy S20 Ultra, tôi thấy nó rắn rỏi, "cô đặc" hơn bất kỳ chiếc Galaxy nào trước đây. Nói một cách khác, sau khi cầm Galaxy S20 Ultra, mọi chiếc Galaxy trước đó đều cho cảm giác "ọp ẹp".

Nếu bạn từng xem về phương pháp rèn dao kiểu Damacus với nhiều lớp thép hòa vào nhau, thì Galaxy S20 Ultra cho tôi cảm giác mọi thứ được sắp xếp khít và phân bổ trọng lượng khá đều trên thân máy. Phong cách thiết kế không quá lạ hay có gì mới ngoài cụm camera lớn gây tranh luận trái chiều.

Màn hình là cái mà bạn dùng nhiều nhất trên một chiếc smartphone. Mọi thao tác vuốt chạm, mở ứng dụng đều phải tiếp xúc với màn hình. Vì thế, một chiếc máy có màn hình tần số quét càng cao, nó hứa hẹn mang lại trải nghiệm sử dụng tốt hơn khi xem video hành động, game tốc độ cao, hay đơn giản là những cú lướt newsfeed Facebook trông suôn mượt hơn.

Bên cạnh việc mở rộng diện tích hiển thị với kích thước 6,9 inch, Samsung còn trang bị cho Galaxy S20 Ultra tần số quét màn hình 120 Hz. Khó mà thể hiện được bằng hình ảnh nhưng độ mượt rất đáng nể. Khi đọc báo, lướt Facebook, chơi game hay bất kỳ ứng dụng nào đi nữa, màn hình của máy không làm tôi thất vọng, chuyển động mịn, nhanh và mượt mà khi lướt.

Samsung cũng cho phép người dùng tùy chỉnh xuống mức 60 Hz để tiết kiệm pin hơn và bạn sẽ thấy rõ sự khác nhau giữa màn hình 60 Hz và 120 Hz như thế nào. Giống như việc bạn chạy trên đường không có chướng ngại vật. Và con đường có một ít ổ gà vậy.

Có một điểm cần lưu ý, khi bạn dùng chế độ màn hình 120 Hz, máy chỉ hiện thị ở độ phân giải Full HD+. Nếu chuyển sang màn hình 60 Hz, người dùng có thể tùy chọn lên độ phân giải 2K. Tôi chấp nhận việc dùng màn hình có tần số quét cao, hạ độ phân giải xuống mức thấp một chút nhưng có trải nghiệm lướt tốt hơn.

Thiết bị có camera đục lỗ ở giữa, nhỏ gọn thay vì bên cạnh trái như phiên bản trước. Cá nhân tôi thấy việc này không ảnh hưởng hay làm mất tập trung trong quá trình sử dụng.

Bên cạnh đó, viền đen màn hình được làm mỏng, rất mỏng so với các smartphone hiện tại. Điều này giúp máy dù có kích thước màn hình lớn nhưng tổng thể không quá to. Khi đặt máy cạnh iPhone XS Max, màn hình 6,5 inch, tôi không thấy sự chênh lệch quá lớn về kích thước.

Galaxy S20 Ultra sở hữu màn hình 6,9 inch. Đây là smartphone có màn hình lớn nhất từ trước đến giờ của Samsung, gần 7 inch. Hãy nhớ rằng chiếc iPad mini của Apple có kích thước 7,9 inch. Khi bỏ máy vào túi quần, tôi có cảm bị cộm nhưng vẫn chấp nhận được, không quá khó chịu.

Galaxy S20 Ultra có độ phân giải 2K, công nghệ hiển thị Dynamic AMOLED 2X. Trải nghiệm thực tế, màn hình điện thoại sáng, màu sắc rực rỡ và trong trẻo, góc nhìn rộng. Sự khác biệt có thể không quá lớn, nhưng Galaxy S20 Ultra rõ ràng hiển thị đẹp hơn thế hệ trước.

Bên cạnh màn hình tràn viền, thiết kế của S20 Ultra vẫn giữ phong cách như các thế hệ Galaxy S gần đây, nhưng có tinh chỉnh một chút. Độ cong màn hình ít hơn giúp cảm giác cầm êm, giảm số lần tôi nhỡ tay tì vào viền cong của máy.

Galaxy S20 Ultra cũng gặp điểm trừ cố hữu của những di động có cụm camera lớn, đó là chúng trở lên chông chênh khi đặt trên bàn.

Một chiếc máy có màn hình to, tần số quét cao… đồng nghĩa việc tiêu thụ năng lượng càng nhiều. Để giải quyết vấn đề này, Samsung trang bị cho Galaxy S20 Ultra viên pin dung lượng lớn. Galaxy S9+ có pin 3.500 mAh, lên Galaxy S10+ là 4.100 mAh và 5.000 mAh trên Galaxy S20 Ultra. Đây là một trong những smartphone có dung lượng pin lớn nhất của Samsung cho đến thời điểm hiện tại.

Pin của Galaxy S20 Ultra đủ để tôi dùng thoải mái dùng từ một ngày đến một ngày rưỡi, làm đủ thứ việc: xem phim, chụp ảnh, chơi game một chút, lướt mạng xã hội, đọc báo, giữ liên lạc bằng điện thoại và email với kết nối 4G.

Có thể thấy, Samsung rất nghiêm túc cho việc mang đến thời gian sử dụng lâu hơn cho người dùng. Nếu tạo ra một chiếc máy có màn hình tần số quét cao nhưng dung lượng pin thấp thì thật khó để chấp nhận.

Viên pin dung lượng lớn khiến điện thoại nặng hơn, 222 gram, trong khi Galaxy S10+ là 175 gram. Khi sử dụng, tôi nhận thấy rõ sự nặng của máy. Thực sự khá mỏi tay nếu dùng trong khoảng thời gian dài.

Cảm giác cồng kềnh của máy chủ yếu đến từ cụm camera lồi. Cụm camera này to gấp 2 lần so với Galaxy Note10+ và cũng to hơn cụm camera trên iPhone XS Max. Khi cầm máy dùng bình thường, ngón tay của tôi dễ chạm vào ống kính, làm bẩn nó. Viền camera được làm lồi lên khá cao, hơi sắc nên mang đến cảm giác không thật sự thoải mái khi vô hình chạm ngón tay vào.

Samsung không phải là hãng tiên phong trong việc dùng camera zoom trên smartphone. Năm trước, chúng ta đã chứng kiến các model như Oppo Reno 10x zoom (zoom kỹ thuật số 50x) hay Huawei P30 Pro được quảng cáo là zoom đến mặt trăng. Và năm nay, Samsung đã cho ra mắt chiếc máy đầu tiên có thể zoom hybrid (kết hợp zooom quang và kỹ thuật số) 100x.

Giao diện chụp ảnh của máy có tổng cộng 7 cỡ cảnh. Góc siêu rộng (0,5x), zoom quang (1x), zoom quang (2x), zoom quang (4x), zoom quang (10x), zoom kỹ thuật số (30x) và zoom kỹ thuật số (100x). Bằng cách kết hợp cả 4 camera sau, máy có thể thay đổi tiêu cự trong khoảng 12-102 mm.

Tôi có thể thấy được những chi tiết ở xa mà mắt thường khó nhìn thấy. Ảnh cho ra ổn nhất vẫn ở mức 10x đổ lại. Đến 30x máy có tình trạng rung nhẹ khi chụp và 100x thì khó chụp hơn, ảnh mất nhiều chi tiết. Thế nên, tính năng này chỉ hữu ích khi bạn muốn quan sát thông tin gì đó ở xa mà không muốn chạy đến gần. Nó hầu như không thể cho ra một bức ảnh đẹp khi ở chế độ zoom 100x.

Nói một cách đơn giản, bạn hầu như hiếm khi dùng được ảnh zoom 100x để đăng lên mạng xã hội "câu like", nhưng sẽ có những lúc dùng đến zoom 10X để chụp rõ nét những chú chim trên cành cây cao mà không giảm chất lượng ảnh.

Xét về khả năng chụp phong cảnh, camera góc rộng của S20 Ultra vẫn rất tốt dù nó mang lại một độ méo và kéo giãn ở góc khá kén người nhìn. Nhưng tôi thích camera góc rộng này. Máy xử lý chụp ngược sáng tốt, màu sắc trong trẻo, chi tiết tốt dù vẫn rất "nịnh" số đông người dùng bằng cách cà láng mặt để da đẹp hơn, nhưng nó khiến gương bị bệt nếu zoom ảnh lên soi kỹ. Đây có vẻ không phải là vấn đề với số đông người dùng dễ tính.

Tôi không selfie nhiều với Galaxy S20 Ultra nhưng các tấm ảnh thu được đều cho chất lượng hài lòng. Nếu bạn không muốn "ảo", có thể tắt các bộ lọc làm đẹp để trông tự nhiên hơn.

Dùng Galaxy S20 Ultra để quay thử video 8K, nó cơ bản đã có thể cho ra những đoạt footage xem được trên TV hỗ trợ độ phân giải này. Chất lượng đáng khen khi xét ở khía cạnh smartphone. Samsung vốn đã làm tốt tính năng chống rung trên Galaxy S10 để hợp quay hành trình, vlog... nên tôi không quá ngạc nhiên khi S20 Ultra vẫn thể hiện được phong độ này.

Một tính năng mới làm tôi thích thú trên Galaxy S20 Ultra đó chính là Single Take. Bạn chỉ cần bấm 1 lần và để yên tầm khoảng 5-10s, máy sẽ có ra hàng loạt bức ảnh đã được chỉnh sửa với các bộ lọc màu. Bên cạnh đó, còn có các video được chèn nhạc sẵn. Nó chọn khoảnh khắc đẹp khá tốt và chỉnh sửa sẵn để bạn có thể đăng Instagram, Facebook. Đây cơ bản là một tính năng cho ai kém tự tin về khả năng chụp ảnh.

Ngoài thiết kế, màn hình và camera tốt, bạn chờ đợi gì ở một smartphone cao cấp? Đối với tôi, giao diện là một trong những yếu tố quan trọng. Trước đây, tôi chọn iPhone cũng vì giao diện trên iOS quá đơn giản, hiện đại và đẹp. Samsung đã tự làm giao diện riêng cho những chiếc smartphone của hãng và được đặt lên là One UI. Trên Galaxy S mới, máy được chạy hệ điều hành Android 10, tùy biến giao diện One UI 2.1.

Tôi nghĩ Samsung đã học hỏi Apple rất nhiều trong việc làm giao diện này từ các ion được bo cong nhẹ cho đến thao tác vuốt thay thế các phím điều hướng. Điểm hay trên giao diện của máy đến từ việc tối ưu tốt khả năng sử dụng bằng một tay. Người dùng có thể sử dụng đa số cử chỉ ở khu vực phía dưới màn hình.

Trên Galaxy S20 Ultra Samsung đã bỏ khu vực Bixby Home, thay vào đó là Samsung Daily. Cá nhân tôi thích phần Bixby Home hơn vì tôi có thể xem nhanh các thông tin về thời tiết, tin tức, hay nhắc nhở, lịch, sự kiện... Trong khi đó, phần Samsung Daily chỉ hạn chế một số thẻ nhất định.

Galaxy S20 Ultra dùng chip Exynos 990, RAM 12 GB giúp xử lý nhẹ nhàng mọi công việc trên smartphone. Mở ứng dụng nhanh, chơi game mượt, dùng lâu không nóng. Điểm trừ nhẹ là Galaxy S20 Ultra ở Việt Nam chưa hỗ trợ 5G như bản quốc tế. Do đó, người dùng không thể trải nghiệm tốc độ mạng 5G nếu mua Galaxy S20 Ultra vào thời điểm này.

Lê Trọng
Sản xuất: Phan NhậtHost: Lê PhátVideo: Bảo Quyên - Thiên TâmĐồ họa: Minh Hồng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/danh-gia-samsung-galaxy-s20-ultra-post1055681.html