Đánh giá, phân loại phải đúng thực chất

Ở những chi bộ mà việc đánh giá, phân loại không phản ánh đúng thực tế thì vô hình trung sẽ trở thành một cuộc trao đổi nội bộ để đối phó với các yêu cầu do cấp trên quy định

Giấu bệnh, thì càng ngày bệnh càng nặng, đến khi quá nặng không chữa được nữa, thì chết. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm càng ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa, thì mọi việc đều hỏng” - HỒ CHÍ MINH

Thời điểm hiện tại được xem là giai đoạn tăng tốc để vừa hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch năm 2019 vừa thực hiện việc bình xét, đánh giá, phân loại đảng viên (ĐV), cơ sở Đảng cuối năm. Đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các cơ sở Đảng tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo đúng lịch trình mà cấp ủy cấp trên đề ra.

Có tình trạng cả nể, thỏa hiệp

Theo đó, để đánh giá, phân loại ĐV và cơ sở Đảng thì từng ĐV phải tự viết bản kiểm điểm và trình bày trước tập thể chi bộ tại phiên họp cuối năm nên phải làm sao đạt được yêu cầu: Nội dung ĐV tự kiểm điểm và tinh thần, thái độ góp ý phê bình của các ĐV cũng như việc đánh giá, bình xét, phân loại của tập thể chi bộ đối với từng ĐV phải thực chất. Có nghĩa là việc đánh giá, bình xét, phân loại phải đúng thực tế, không thêm không bớt, không xuê xoa, không làm theo kiểu "thanh toán chương trình".

Muốn thế, phiên họp quan trọng này phải đặt chất lượng sinh hoạt lên hàng đầu, không sơ sài, giản đơn, qua loa, đại khái theo kiểu "làm cho có" với ý ngầm là anh không "đụng" tôi thì tôi chả dại gì phải "đụng" anh.

Gần đây, dư luận cũng đã nghe về tình trạng có những cơ sở Đảng đánh giá, bình xét, phân loại hoàn thành nhiệm vụ với tỉ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý chiếm rất cao trong số ĐV hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong khi ở những nơi này vẫn chưa làm tốt chuyên môn được giao, thậm chí nội bộ mất đoàn kết kéo dài, an ninh trật tự còn nhiều bức xúc gây lo lắng trong nhân dân.

Thực tế, có những nơi việc kiểm điểm, bình xét cuối năm vẫn còn tình trạng "thỏa thuận ngầm" với nhau để rồi chấp nhận kết quả chung theo kiểu: Trừ các cá nhân hoặc tập thể bị phát hiện có vi phạm nên không thể "cho qua", còn lại thì việc góp ý chỉ là cho có để bảo vệ những cá nhân, tập thể đã liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong những năm trước nhằm làm cho các cá nhân hoặc tập thể này đủ điều kiện "tròn số" 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm đạt các danh hiệu vinh dự, nếu không thì chi bộ sẽ bị thiệt thòi.

Ở những cơ sở như thế, ai cũng hiểu với nhau rằng ĐV có vấn đề gì đó thì cũng phải đưa ra "thẳng thắn mổ xẻ" tới bờ tới bến nhưng chủ yếu thì cho "thành khẩn kiểm điểm", cùng lắm là cho "rút kinh nghiệm sâu sắc" để bảo vệ "màu cờ sắc áo", giữ gìn thể diện của chi bộ mình trước các chi bộ khác…

Ông Đỗ Ngọc Điệp - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, Chủ tịch HĐND TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) - vừa bị kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng do vi phạm các quy định về quản lý đất đai Ảnh: TTXVN

Ông Đỗ Ngọc Điệp - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết, Chủ tịch HĐND TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) - vừa bị kỷ luật cách hết các chức vụ trong Đảng do vi phạm các quy định về quản lý đất đai Ảnh: TTXVN

Không khoán trắng cho cơ sở

Việc đánh giá, phân loại ở những chi bộ nếu không được tiến hành đúng thực chất, không phản ánh đúng thực tế thì vô hình trung sẽ trở thành một cuộc trao đổi nội bộ để đối phó với các yêu cầu do cấp trên quy định.

Kết thúc phiên họp, nếu không phản ánh đúng thực chất thì mỗi ĐV ra về sẽ có trạng thái tâm lý khác nhau: người thấy nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng vì thoát được sự "dòm ngó" của người khác; người thì thấy day dứt do không thể trải lòng hết những gì mình muốn góp ý, thậm chí muốn phê phán việc tiêu cực xảy ra trong nội bộ; người thì cảm thấy hụt hẫng, thiếu niềm tin vào tính chiến đấu, tính giáo dục của chi bộ nhưng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt", trở thành loại "ba phải" không hơn không kém.

Vậy làm sao để chống bệnh hình thức khi đánh giá, bình xét, phân loại hằng năm? Xin có vài kinh nghiệm như sau:

- Trước hết, cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp ủy cấp trên trực tiếp phải cử cán bộ theo dõi, giám sát chặt chẽ việc đánh giá, bình xét, phân loại chứ không khoán trắng cho cơ sở.

- Bí thư cấp ủy phải điều hành việc đánh giá, bình xét, phân loại theo đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; gợi mở những vấn đề hoặc công bố những nội dung do cấp trên giới thiệu để tập trung kiểm điểm từng cá nhân hoặc tập thể; kiên quyết không bao che, nể nang hoặc tránh né những tiêu cực liên quan đến cá nhân từng ĐV và chi bộ mà quần chúng đang quan tâm.

Biến tướng của bệnh hình thức

Cách sinh hoạt Đảng qua loa, đại khái thực chất là một dạng biến tướng của bệnh hình thức, cần kiên quyết phê phán, nhanh chóng loại bỏ để việc đấu tranh, xây dựng Đảng phải thực chất, đúng quan điểm "chống để xây, xây để chống", không thể để tình trạng bằng mặt nhưng lòng không yên, biểu quyết tán thành mà ấm ức. Bệnh hình thức cũng là một căn nguyên làm giảm sút tính chiến đấu và năng lực lãnh đạo của từng cơ sở Đảng.

Mai Lịch

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/danh-gia-phan-loai-phai-dung-thuc-chat-20191229204612259.htm