Đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong năm 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức đánh giá, phân loại từ 10 - 20 sản phẩm OCOP, tạo tiền đề cho chương trình trong những năm tiếp theo.

Chế biến chả cá tại cơ sở chả cá Mười, thị trấn Phước Hải, đủ điều kiện tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Chế biến chả cá tại cơ sở chả cá Mười, thị trấn Phước Hải, đủ điều kiện tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, mặc dù đang trong giai đoạn “khởi động” nhưng Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu bước đầu cũng đã đạt được những kết quả khả quan.

Đến nay, các địa phương trên địa bàn đã thống kê được 48 có sở có đủ điều kiện tham gia Chương trình OCOP với hơn 100 sản phẩm. Các sản phẩm đã được các cơ quan chuyên môn của các Sở, ngành hướng dẫn xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và các yêu cầu về chứng nhận đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Bà Rịa - Vũng Tàu thôn đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng, tiềm năng sản phẩm Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2021 - 2025 trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh phê duyệt để triển khai thực hiện.
Đồng thời, ứng dụng phần mềm phục vụ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Dự kiến trong năm 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức đánh giá, phân loại từ 10 - 20 sản phẩm, tạo tiền đề cho chương trình trong những năm tiếp theo.
Dự kiến trong tháng này tỉnh sẽ tổ chức hội nghị triển khai Chương trình OCOP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2020 và tổ chức đánh giá phân hạng cho các sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2019 - 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã trong tỉnh quảng bá sản phẩm, nhãn hiệu thương hiệu hàng hóa.
Từ đó, mở rộng sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước khẳng định giá trị và thương hiệu các mặt hàng nông sản của tỉnh. Thông qua đó, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh.
Đồng thời, tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tham gia các Hội chợ triển lãm nông nghiệp trong nước như: Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế AgroViet; hội chợ Làng nghề Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Cùng với đó, xây dựng các mô hình VietGAP cho các sản phẩm mãng cầu ta (diện tích 4ha), nhãn xuồng cơm vàng (diện tích 8 ha). Tỉnh cũng đã xây dựng được vùng nguyên liệu hồ tiêu với diện tích gần 600 ha theo tiêu chuẩn Global GAP và RainForest Alliance.
Tính đến thời điểm này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh như: hồ tiêu, nhãn xuồng cơm vàng, mãng cầu ta, bưởi da xanh, bún, bánh tráng, hàu, muối…/.

Hoàng Nhị/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/danh-gia-phan-hang-san-pham-dat-tieu-chuan-ocop/169285.html