Đánh giá năng lực quản trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp: Tác dụng hai chiều

Nếu như năm 2017, Quảng Ninh đưa sáng kiến ứng dụng mạng xã hội trong đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp (vận hành fanpage DDCI Quảng Ninh kết nối với fanpage của 19 cơ quan, ban, ngành và địa phương), thì năm 2018, DDCI Quảng Ninh tiếp tục bổ sung ý tưởng thu thập thông tin dữ liệu về doanh nghiệp để đánh giá năng lực quản trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Cộng đồng doanh nghiệp TP Hạ Long được đánh giá có năng lực quản trị tốt nhất. (Ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Viglacera Hạ Long)

Cộng đồng doanh nghiệp TP Hạ Long được đánh giá có năng lực quản trị tốt nhất. (Ảnh: Sản xuất tại Công ty CP Viglacera Hạ Long)

Trong bảng chỉ số năng lực quản trị doanh nghiệp (CMI) vừa công bố tháng 1, cộng đồng doanh nghiệp TP Hạ Long được đánh giá có năng lực quản trị tốt nhất với 9,18 điểm và các chỉ tiêu đánh giá CMI của thành phố nằm trong hầu hết nhóm xếp đầu. Đó là: Cơ sở sử dụng dữ liệu, cơ sở dữ liệu cho việc ra quyết định thị trường; việc thực thi chính sách quản lý rủi ro từ thiên tai và các hiện tượng bất thường; khía cạnh doanh nghiệp công bố, công khai các thông tin liên quan đến tầm nhìn, chiến lược, quy tắc đạo đức kinh doanh, kế hoạch và chế độ, nội quy bên trong công ty.

Đứng thứ 2, thứ 3 trong bảng CMI lần lượt là TP Móng Cái và TP Cẩm Phả. Đáng chú ý, cộng đồng doanh nghiệp TP Móng Cái có chỉ tiêu về cơ sở thu thập và quản lý dữ liệu, cơ sở dữ liệu cho việc kinh doanh xếp thứ nhất. Cộng đồng doanh nghiệp TP Cẩm Phả có 2 chỉ tiêu đánh giá xếp thứ nhất là: Năng lực quản trị doanh nghiệp trên cơ sở doanh nghiệp đề bạt và thăng chức cho cán bộ dựa trên kết quả công việc; khía cạnh quản lý rủi ro với các doanh nghiệp đối tác trong chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp có thể ảnh hưởng.

Chỉ số trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Với từng chỉ tiêu, mỗi địa phương lại có thế mạnh khác nhau. Cụ thể như doanh nghiệp tại TP Uông Bí dù xếp hạng trong bảng CMI đứng thứ 8/14 địa phương, song được đánh giá cao nhất xét từ góc độ vận hành theo nguyên tắc điều chỉnh quy trình thay vì chạy theo sự vụ. Thành phố này có tới 71% doanh nghiệp khi gặp các vấn đề phát sinh trong quá trình kinh doanh, doanh nghiệp tập trung rà soát và điều chỉnh quy trình làm việc để ngăn ngừa tình trạng tương tự tái diễn chứ không chỉ lo khắc phục hậu quả. Ông Lê Đình Tân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Uông Bí, chia sẻ: Cộng đồng doanh nghiệp Uông Bí luôn thay đổi phương thức sản xuất và năng lực quản trị để phát triển. Vì thế, kết quả thí điểm này đánh giá rất đúng thực tế. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ phát huy ưu điểm và hạn chế nhược điểm trong chặng đường phát triển tiếp theo…

Đối với bảng chỉ số trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR), cộng đồng doanh nghiệp TP Cẩm Phả có chỉ số cao nhất với 7,65 điểm. Chỉ tiêu về doanh nghiệp yêu cầu các đối tác trong chuỗi cung ứng phải tuân thủ các quy chế, quy định của doanh nghiệp về lao động, bảo vệ môi trường của cộng đồng doanh nghiệp Cẩm Phả cũng xếp thứ nhất. Kế đó là huyện Hoành Bồ và TP Hạ Long. Cộng đồng doanh nghiệp Hoành Bồ có 2 chỉ tiêu xếp thứ nhất là: Doanh nghiệp có phân công cán bộ chịu trách nhiệm các vấn đề xã hội, nhân đạo và thiện nguyện; doanh nghiệp tiến hành kiểm toán nội bộ các vấn đề và chính sách trách nhiệm xã hội… Đáng chú ý, cộng đồng huyện Bình Liêu dù đứng thứ 6/14 địa phương ở bảng CSR xong có tới 4 chỉ tiêu xếp thứ nhất, các chỉ tiêu hầu hết đều liên quan đến môi trường.

Chỉ số năng lực quản trị doanh nghiệp.

Theo bà Vũ Thị Kim Chi, Phó trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Quảng Ninh, thông qua chương trình thí điểm và kết quả của các chỉ số mà do chính doanh nghiệp tự đánh giá, tỉnh đã hiểu được cộng đồng doanh nghiệp đang mạnh, yếu lĩnh vực nào và ở địa phương nào. Qua đó sẽ có những tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp một cách bền vững hơn.

“Việc tỉnh áp dụng thí điểm đo lường năng lực quản trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thông qua hai chỉ số mới CMI và CSR có tác dụng giúp doanh nghiệp tự soi lại mình. Qua đó, ưu thế thì phát huy, hạn chế thì kịp thời điều chỉnh để phát triển toàn diện” - ông Lưu Công Thành, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ tỉnh chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định: Việc đánh giá năng lực quản trị và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là sáng kiến có tác dụng hai chiều. Vì thế, để doanh nghiệp phát triển bền vững, các hiệp hội doanh nghiệp, sở, ban, ngành, địa phương Quảng Ninh cần tập trung cho các chương trình đào tạo doanh nghiệp để tạo ra giá trị mới mà cộng đồng doanh nghiệp đang cần. Đó là thông điệp, sáng kiến, ý tưởng mới cộng đồng doanh nghiệp học tập, nâng cao trách nhiệm xã hội, qua đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững…

Thanh Hằng

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201902/danh-gia-nang-luc-quan-tri-va-trach-nhiem-xa-hoi-cua-doanh-nghiep-tac-dung-hai-chieu-2424319/