Đánh giá năng lực công chức hải quan: Không còn độ trễ

Tổng cục Hải quan kiên quyết không dừng/ lùi việc xây dựng bộ đề, đảm bảo sớm tổ chức đánh giá năng lực công chức không giữ chức vụ lãnh đạo công tác tại 6 lĩnh vực nghiệp vụ chính: Giám sát quản lý, Thuế XNK, Chống buôn lậu, Kiểm tra sau thông quan, Quản lý rủi ro, Xử lý vi phạm.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: N.Linh

Đây là chỉ đạo quan trọng của lãnh đạo Tổng cục Hải quan đối với các đơn vị Vụ, Cục thuộc Tổng cục và 7 cục hải quan tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh) sẽ triển khai đầu tiên các hoạt động đánh giá năng lực công chức trong năm 2018.

Theo đó, để triển khai Quyết định 166/QĐ-TCHQ ngày 25/1/2018 của Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch đổi mới một số hoạt động quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm năm 2018, một trong những nội dung quan trọng cần thực hiện là xây dựng bộ đề đánh giá năng lực và đánh giá năng lực công chức.

Theo đánh giá của Tổng cục, thời gian qua, một số đơn vị đã chủ động, tích cực hoàn thành bộ đề đánh giá năng lực. Cụ thể, ở khối cơ quan Tổng cục, Cục Thuế XNK (bộ đề ngành lĩnh vực Thuế XNK), Vụ Tổ chức cán bộ và Viện Nghiên cứu Hải quan (bộ đề ngành về đạo đức công vụ), Vụ Pháp chế (bộ đề ngành về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật), Văn phòng Tổng cục (bộ đề ngành về thể thức văn bản hành chính); khối Cục Hải quan địa phương: Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai đã hoàn thành bộ đề.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị khác vẫn đang chậm tiến độ xây dựng bộ đề, ảnh hưởng đến tiến độ tổ chức đánh giá năng lực của Tổng cục như Cục Giám sát quản lý, Cục Quản lý rủi ro, Cục Kiểm tra sau thông quan, các Cục Hải quan: Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội...

Căn cứ kết quả triển khai của các đơn vị, Tổng cục quyết định lựa chọn Cục Hải quan Quảng Ninh là đơn vị đầu tiên trong ngành tổ chức đánh giá năng lực công chức không giữ chức vụ lãnh đạo đang công tác tại lĩnh vực Giám sát quản lý và Thuế XNK bắt đầu từ ngày 15/9/2018.

Sau đó tiếp tục tổ chức đánh giá năng lực công chức không giữ chức vụ lãnh đạo tại Cục Thuế XNK và các cục hải quan tỉnh, thành phố; các vụ/ cục chuyên môn thuộc Tổng cục khác.

Để thực hiện, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị không dừng/ lùi việc xây dựng bộ đề, đảm bảo sớm tổ chức đánh giá năng lực công chức không giữ chức vụ lãnh đạo công tác tại 6 lĩnh vực nghiệp vụ chính (Giám sát quản lý, Thuế XNK, Chống buôn lậu, Kiểm tra sau thông quan, Quản lý rủi ro, Xử lý vi phạm) từ Tổng cục đến 7 cục hải quan tỉnh, thành phố trên trong tháng 9, chậm nhất tháng 10/2018.

Triển khai kế hoạch này, Tổng cục Hải quan chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị tập trung nguồn lực hoàn thành việc xây dựng bộ đề của ngành cũng như xây dựng/ thẩm định bộ đề đặc thù của các đơn vị, đảm bảo chất lượng của các bộ đề.

Trong đó, thủ trưởng các vụ/ cục chuyên môn cơ quan Tổng cục chịu trách nhiệm về chất lượng bộ đề đánh giá năng lực của ngành cũng như chất lượng các bộ đề do đơn vị mình chịu trách nhiệm thẩm định.

Cục trưởng các cục hải quan tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm về chất lượng bộ đề đánh giá năng lực sẽ triển khai tại đơn vị mình bao gồm cả bộ đề đánh giá năng lực đặc thù do đơn vị xây dựng, gửi lên các vụ/cục chuyên môn thẩm định.

Về lựa chọn bộ đề thi của đơn vị, Tổng cục hướng dẫn căn cứ vào bộ ngành, bộ đề đặc thù của đơn vị và bộ đề đặc thù của các đơn vị khác đã được thẩm định, mỗi cục hải quan tỉnh, thành phố lựa chọn các câu hỏi/bài tập tình huống phù hợp để thành bộ đề thi của đơn vị mình.

Về xác định đối tượng đánh giá năng lực, trong năm 2018, Tổng cục Hải quan chủ trương đánh giá năng lực các công chức không giữ chức vụ lãnh đạo từ Tổng cục đến cục hải quan, chi cục hải quan đang công tác tại 6 lĩnh vực nghiệp vụ chính. Năm 2018 tạm thời chưa đánh giá năng lực đối với công chức nữ đang giai đoạn thai sản và nghỉ thai sản.

Việc đánh giá năng lực công chức của ngành Hải quan tuân theo các nguyên tắc sau:

Công khai minh bạch: Các công cụ, tài liệu đánh giá, tài liệu hướng dẫn sử dụng và tài liệu ôn thi được công khai, dễ tiếp cận, thực hành và dễ sử dụng.

Công bằng: Tất cả công chức đều có cơ hội và quyền lợi ngang nhau. Không được nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức.

Cạnh tranh: Thông qua cạnh tranh để lựa chọn được các công chức giỏi, đáp ứng tốt yêu cầu, vị trí công tác. Các công chức chưa đáp ứng yêu cầu hoặc điểm số thấp có động lực để tự nghiên cứu, học tập, nâng cao năng lực chuyên môn.

Khách quan: Hoạt động đánh giá năng lực phải dựa trên số liệu, kết quả thực tế, tránh cảm tính, phiến diện.

Chính xác: Việc đánh giá năng lực phải phản ánh được đúng ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế về năng lực chuyên môn nghiệp vụ của công chức theo các quy định của Khung năng lực hiện hành.

Phân hóa được cấp độ thành thạo năng lực: Qua kỳ đánh giá có thể xác định được cấp độ thành thạo năng lực của công chức

Hiệu quả: Qua kỳ đánh giá xác định được điểm mạnh và điểm yếu cần khắc phục của mỗi công chức. Từ đó xác định chính xác nhu cầu đào tạo, nâng cao hiệu quả đào tạo, nâng cao năng lực công chức, đảm bảo điều động, luân chuyển và bố trí sắp xếp công chức đúng người đúng việc.

Tiết kiệm chi phí: Đảm bảo tiết kiệm chi phí tối đa trong suốt quá trình triển khai đánh giá năng lực, bộ đề đánh giá có thể sử dụng lại nhiều lần, tránh trường hợp chỉ dùng được một lần gây lãng phí.

Ngọc Linh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/danh-gia-nang-luc-cong-chuc-hai-quan-khong-con-do-tre.aspx