Đánh giá môi trường đầu tư tại Việt Nam: Nhà đầu tư Nhật Bản băn khoăn điểm gì?

Kinh doanh hiệu quả là lý do khiến nhiều DN Nhật Bản có ý định mở rộng sản xuất, kinh doanh (SXKD) tại Việt Nam. Dù vậy, tỷ lệ nội địa hóa thấp so với các nước trong khu vực vẫn là vấn đề khiến các nhà đầu tư Nhật Bản quan ngại.

Nhằm nắm bắt tình hình thực tế hoạt động của các DN Nhật Bản tại châu Á, châu Đại dương, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã tiến hành thực hiện khảo sát thực trạng của các DN Nhật Bản đầu tư tại khu vực này năm 2019, trong đó có Việt Nam. Theo đó, DN được khảo sát có tỷ lệ đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các DN Nhật Bản tại Việt Nam chủ yếu liên quan đến ngành chế tạo, DN nhỏ và vừa, trong đó số lượng DN mới thành lập chiếm hơn một nửa.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp là rào cản đối với DN Nhật Bản

Tỷ lệ nội địa hóa thấp là rào cản đối với DN Nhật Bản

Dựa trên kết quả khảo sát, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội - ông Takeo Nakajima - cho biết, dù tình hình kinh doanh ở khu vực châu Á - châu Đại dương đang suy thoái nhưng vẫn có nhiều DN Nhật Bản đang kinh doanh ở Việt Nam phát triển vững mạnh. Trong đó, có 65,8% DN hoạt động kinh doanh tại Việt Nam cho biết có lãi, nhất là khối DN chế tạo hoạt động rất ổn định, chiếm tới 80%; tỷ lệ DN mới thành lập cũng đầy khả quan, dự báo sẽ duy trì mức tăng trưởng cao về lâu dài.

Theo ông Takeo Nakajima, các nhà đầu tư Nhật Bản đều đánh giá tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam, như sự ổn định của chính trị, xã hội, môi trường sống lý tưởng cho người nước ngoài, chi phí nhân công rẻ. Vì vậy, có tới 63,9% DN Nhật Bản có định hướng tiếp tục mở rộng SXKD tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Takeo Nakajima cho hay, các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đưa ra những lo ngại về các rủi ro, như chi phí nhân công đang có xu hướng tăng, tỷ lệ nghỉ việc cao; các quy định về thủ tục thuế, hành chính phức tạp… Hiện nhiều DN Nhật Bản đang phải đối mặt với rủi ro trước việc Chính phủ Việt Nam rút ưu đãi thuế thu nhập cá nhân trong khu kinh tế, các loại thủ tục xin cấp phép đầu tư phức tạp; lo ngại về việc hạn chế cung cấp điện…

Đặc biệt, theo khảo sát của JETRO, từ sau năm 2010, thu mua nội địa của Việt Nam đang có sự gia tăng tích cực. Tuy vậy, ông Takeo Nakajima cho rằng: Dù tỷ lệ nội địa hóa gia tăng, nhưng so với các nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì khoảng cách của Việt Nam chưa được rút ngắn.Theo đó, 56,2% DN Nhật Bản coi khó khăn trong việc thu mua linh phụ kiện, vật liệu nội địa là vấn đề lớn, mặt khác, 58,3% DN có xu hướng muốn mở rộng thu mua nội địa.

Liên quan đến vấn đề tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đây là vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp tới Bộ Công Thương, được Chính phủ hết sức quan tâm. Theo thứ trưởng, so với các nước như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia thì Việt Nam đi sau trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. "Để tăng hiệu quả kinh doanh, các DN Nhật Bản thường lựa chọn các nhà cung cấp đi trước với giá cạnh tranh. Tới đây, Việt Nam mong muốn Nhật Bản, nhất là JETRO hợp tác, chia sẻ trong lĩnh vực này, khuyến khích các DN tìm các nhà cung ứng, sản xuất linh kiện tại Việt Nam để giải quyết vấn đề về tỷ lệ nội địa hóa" - Thứ trưởng đề nghị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải:
Nhiều DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam đang khai thác hiệu quả lợi thế các FTA, Bộ Công Thương sẽ đề nghị DN Việt Nam tích cực phối hợp chặt chẽ với DN Nhật Bản để tận dụng tốt hơn các cơ hội này.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/danh-gia-moi-truong-dau-tu-tai-viet-nam-nha-dau-tu-nhat-ban-ban-khoan-diem-gi-132474.html