Đánh giá Lenovo Yoga 9i: xứng đáng laptop cao cấp nhất dòng Yoga

Lenovo Yoga 9i hướng tới đối tượng doanh nhân vì vậy không có gì ngạc nhiên khi mọi trang bị của máy đều rất chỉn chu, được tính toán kỹ càng. Ấn tượng nhất có lẽ là thiết kế, hệ thống loa ngoài rất chất lượng cùng loạt tính năng AI thông minh cho trải nghiệm khác biệt.

Thiết kế chuẩn doanh nhân.

Yoga 9i là laptop cao cấp nhất dòng Yoga từ Lenovo vì vậy thiết kế của máy thực sự chất lượng. Khung của máy là hợp kim nhôm được gia công dạng nhám mịn, các cạnh được làm phay tạo cảm giác rất mát khi chạm vào và hoàn thiện rất sắc nét. Điểm nhấn không thể bỏ qua đó là bản lề với những lỗ đục nhỏ li ti, và đục cả 2 chiều, đây cũng chính là nơi đặt loa ngoài của máy, hướng âm thanh đến thẳng người nghe cũng như để thoát nhiệt.

Chiếu nghỉ tay bằng kính tràn viền giúp nâng niu đôi bàn tay và không bị đau rát khi tì quá lâu. Kích thước của máy cũng rất gọn gàng khi xét đến một thiết kế cao cấp, nặng hơn 1kg và mỏng 14,6mm, viền màn hình chỉ 3mm giúp trải nghiệm hiển thị tốt hơn.

Ngoài ra, với vai trò một chiếc laptop doanh nhân, Lenovo Yoga 9i cũng có webcam HD 720p nhỏ xíu với nắp che vật lý để yên tâm về vấn đề bảo mật. Bản lề của máy rất chắc chắn và có thể mở ở bất kỳ góc nào. Là mẫu laptop Yoga, máy cũng có bản lề 360 độ để tạo thành các chế độ sử dụng khác nhau.

Bàn phím & Bàn di chuột

Bàn phím trên Lenovo Yoga 9i hướng tới sở thích gõ mềm mại, êm ái, lướt nhẹ trên phím, chiều chuộng đầu ngón tay nhưng với một số người hành trình phím này có thể hơi nông nếu muốn gõ có cảm giác hơn. Điều này sẽ tùy gu giống như bạn thích êm ái mượt mà thì chọn Lexus mà thích mạnh mẽ, thể thao thì chọn BMW vậy.

Bàn di chuột của máy có cảm biến thông minh, rung khi nhấn, tức là lúc bạn nhấn xuống thì bàn di không lõm xuống mà bạn chỉ cảm nhận qua đầu ngón tay mà thôi.

Màn hình

Lenovo Yoga 9i có màn hình phù hợp với mức giá cao cấp của nó, có 2 tùy chọn là Full HD 1080p (1920x1080) và 4K Ultra HD (2840x2160), tỉ lệ màn hình là 16:10, nghĩa là nó có thể đáp ứng tốt cả làm việc và giải trí.

Phiên bản 4K có độ sáng tối đa rất ấn tượng là 500 nits, tối ưu bởi Dolby Vision, góc nhìn cực rộng, phủ 85% Adobe RGB và 89 DCI-P3 vì vậy khi lướt web, xem ảnh và video màu sắc tái tạo rất phong phú, tự nhiên, chi tiết, rực rỡ. Đặc biệt viền mỏng lại càng làm trải nghiệm hiển thị tốt hơn. Màn hình này cũng có một lớp phủ chống phản xạ để làm cho ánh sáng quá mạnh khi chiếu vào cũng không làm màn hình bị bóng quá nhiều, rất thích hợp cho những ai thường xuyên làm việc ngoài trời. Tính năng Super Resolution 2.0, video tự động nâng cấp lên 4K nhờ dùng Machine Learning. Đây thực sự là một màn hình hạng A.

Và nếu vẫn thấy chưa đủ, đừng quên rằng đây là một màn hình cảm ứng, vì vậy máy trang bị bút Lenovo Active Pen giấu gọn gàng ở mặt sau, sử dụng 40 phút sau 15 giây sạc. Với giới hạn của một chiếc bút tích hợp sẵn, thiết kế của Lenovo Active Pen sẽ không quá nổi bật, thậm chí là hơi nhỏ, cảm giác cầm không có gì đặc biệt nhưng công năng lại rất đáng khen. Nó có 4096 mức độ cảm ứng áp lực, sử dụng công nghệ Wacom vì vậy cảm giác viết vẽ như trên giấy thật. Đây sẽ là công cụ tiện lợi để bạn có thể phác thảo ý tưởng, ghi chú nhanh chóng. Đáng tiếc, màn hình này không có tần số quét cao vì vậy chơi game hay xem phim sẽ không quá đã nhưng có lẽ Lenovo đã hiểu khách hàng của họ là ai và quyết định không trang bị màn hình tần số quét cao.

Tính năng AI thông minh chuyên biệt

Mở nắp máy là bật (Flip-to-boot): Lenovo trang bị cho người dùng tính năng khá là tiện dụng, đó là “Flip to Boot” tự khởi động windows ngay khi người dùng vừa mở màn hình máy lên mà không cần phải thao tác nhấn nút nguồn để mở máy.

Q-Control (ấn Fn-Q) để chuyển đổi các chế độ sử dụng từ hiệu năng cao tới tiết kiệm, giảm quạt để giảm tiếng ồn, nhờ hệ thống quản lý nhiệt thông minh Lenovo Intelligent Thermal System 4.0, giúp có thể nâng cao hiệu suất hệ thống và kéo thời lượng pin lên 20%: khi kích hoạt chế độ làm mát thông minh Intelligent Cooling Mode tích hợp AI nhằm theo dõi các chỉ số nhiệt của thiết bị, qua đó kiểm soát tốt hơn khả năng vận hành của quạt làm mát. Modern Standby: nhận email và update windows khi ở sleep mode, và đánh thức máy như trên smartphone. Cảnh báo riêng tư khi có người lạ nhìn qua vai Glance by Mirametric dựa trên AI để nhận biết người dùng nhìn chỗ khác để tự làm mờ nội dung, hoặc gửi thông báo nếu tư thế người dùng quá gần màn hình, hoặc có thể chuyển nội dung sang màn hình khác (cắm thêm) theo mắt/quay đầu. Ngoài ra, cảm biến vân tay cũng là loại siêu âm nên kể cả ngón tay đang bị ẩm ướt vẫn đăng nhập được.

Loa ngoài rất tuyệt vời

Bạn sẽ không thấy nhiều những laptop đặt loa ở phần bản lề nhưng là laptop dòng Yoga nên đấy sẽ là vị trí thích hợp nhất. Lenovo Yoga 9i có 4 loa tất cả, 2 loa trầm được đặt ở mặt dưới máy và 2 loa tweeter hướng âm thanh từ bản lề 360 độ.

Hệ thống này hỗ trợ bởi Dolby Atmos, với âm trầm vang lên dễ chịu còn âm cao hay và sáng. Mặc dù âm lượng trên 80% thì tiếng bắt đầu méo nhiều nhưng chỉ cần mức 50%, âm lượng từ hệ thống này đã khá khủng rồi.

Hiệu năng chuẩn doanh nhân

Lenovo Yoga 9i sử dụng bộ vi xử lý Intel thế hệ thứ 11, Core i7-1165G7 với tốc độ xung nhịp cơ bản đã là 2,8 GHz và boost lên 4,7 GHz, cùng đồ họa tích hợp Intel Iris Xe. Tùy chọn bộ nhớ gồm SSD 256GB, 512GB và 1TB và 8GB hoặc 16GB RAM LPDDR4X. Tuy nhiên điểm đặc biệt là RAM 16GB nhưng lại chia làm 4 thanh giúp cho khả năng đa nhiệm tốt hơn laptop thông thường chỉ có 1 hoặc 2 thanh.

Mình thường mở hơn chục tab Chrome, có cả phát nhạc qua YouTube nhưng việc chuyển đổi qua lại giữa các tab rất nhanh chóng, không phải tải lại nội dung trang mà vẫn thoải mái sử dụng những cửa sổ ứng dụng khác như Word, Excel.

Mình cũng thử chơi game trên chiếc máy này thì vẫn khá ổn nhưng độ nóng tỏa ra khá lớn. Nhưng khi chuyển sang chỉnh sửa video qua Adobe Premiere, hiệu năng lại rất ổn định. Thử xuất một video Full HD dài hơn 6 phút, nặng gần 5GB, không quá nhiều hiệu ứng máy chỉ mất khoảng 1,36 phút để hoàn thành, con số khá đáng nể. Điều này có được có lẽ do nền tảng Intel Evo tận dụng khá tốt hiệu năng đi kèm RAM LPDDR4X và SSD PCIe có tốc độ đọc/ghi lần lượt là 3319MB/s và 3024MB/s.

Thời lượng pin

Lenovo Yoga 9i có pin 60Wh mà Lenovo tuyên bố kéo dài đến 17 giờ nhưng là dành cho phiên bản 1080p còn với màn hình 4K con số đó sẽ giảm một chút. Mình sử dụng được khoảng 10 giờ với chiếc máy này tương đương với một ngày làm việc quá thoải mái. Thử phát YouTube ở điều kiện ánh sáng trung bình, máy có thể xem khoảng gần 9 giờ thì hết pin, một con số chấp nhận được. Thời gian sạc cũng khá nhanh, chỉ mất dưới hai giờ (1 giờ 51 phút) để sạc từ 0-100%, trong đó sạc 30 phút đã có 23%, sạc 60 phút được 50% và 90 phút được 92% pin bằng công nghệ Rapid Charge Express.

Kết nối

Là một chiếc laptop mỏng nhẹ, Yoga 9i không có qua nhiều cổng kết nối, chỉ gồm hai cổng USB Type-C hỗ trợ Thunderbolt 4, một cổng USB Type-A cùng với giắc cắm 3,5 mm. Nhưng trong khi sử dụng mình không gặp vấn đề gì quá lớn vì thời điểm này việc kiếm một số cổng chuyển đổi cũng không khó nữa, Lenovo cũng tặng kèm phụ kiện để nối sang HDMI và VGA.

Về kết nối không dây, có một ăng-ten WiFi 2x2 6 để kết nối tốc độ WiFi nhanh nhất hiện nay. Thử tốc độ mạng vào khoảng 700-800Mbps trên băng tần 5GHz.

Đánh giá chung

Không khó để nhận ra, mọi trang bị trên Lenovo Yoga 9i đều hướng tới đối tượng khách hàng là doanh nhân vì vậy ở một số điểm, có thể có người sẽ thấy không thích, nhưng về những thứ ‘đậm chất doanh nhân' từ thiết kế cao cấp, xoay 360, âm thanh tuyệt vời, màn hình sắc nét, pin rất dài, hiệu năng ổn định, đều là những gì doanh nhân hay nói chung là những người ưu tiên công việc cần đến. Chọn laptop doanh nhân cao cấp, rất khó để bỏ qua Lenovo Yoga 9i.

Hải SN

Nguồn Nghe Nhìn VN: http://nghenhinvietnam.vn/tin-tuc/danh-gia-lenovo-yoga-9i-xung-dang-laptop-cao-cap-nhat-dong-yoga-77849.html