'Đánh giá lại' Hoàng Cao Khải

Trong giới nghiên cứu sử học, nhà sử học - PGS.TS Chương Thâu nổi tiếng là người chuyên... lật xới những gì mà lịch sử hoặc chính ông còn nghi vấn. Kết quả gần đây nhất là tác phẩm Việt sử yếu của Hoàng Cao Khải - nhân vật vốn bị liệt vào hàng phản diện bởi những tội trạng khá nặng nề. Nhân Việt sử yếu của Hoàng Cao Khải được in và phát hành (NXB Nghệ An, 2007, Chương Thâu giới thiệu), Thanh Niên có cuộc trao đổi thú vị với nhà sử học Chương Thâu.

* Sau gần 10 năm trục trặc, Việt sử yếu mới có thể ra mắt bạn đọc. Không phải ngẫu nhiên mà ông lại dốc hết sức cho một nhân vật lịch sử "có vấn đề" như Hoàng Cao Khải?

"Tôi không dùng chữ "yêu nước", nhưng Hoàng Cao Khải là người có tinh thần dân tộc" - Nhà sử học Chương Thâu

- Thực ra, người mà tôi chủ định nghiên cứu là Phan Đình Phùng chứ không phải Hoàng Cao Khải. Nhưng xưa nay, cứ hễ nhắc đến Phan Đình Phùng là người ta liên tưởng ngay tới Hoàng Cao Khải. Hai người sống cùng thời, cùng làng và thậm chí còn có quan hệ thông gia giữa hai họ, nhưng lại đứng ở hai bên chiến tuyến. Phan Đình Phùng chống Pháp, còn Hoàng Cao Khải theo Pháp và từng dụ hàng Phan Đình Phùng. Bởi thế, họ như một cặp đối lập mà nếu nghiên cứu về người này thì nhất thiết phải "xem xét" luôn người kia. Bất ngờ là, sau quá trình tìm hiểu, tôi lại đi đến một kết luận thú vị. Đó là, những "bia miệng" giáng xuống Hoàng Cao Khải hơi quá nặng nề so với "tội trạng" thực của ông. Khi bắt gặp Việt sử yếu trong một thư viện ở Pháp, tôi vô cùng hứng thú, nôn nóng muốn biết xem, một người từng làm tới chức Tổng đốc, từng là Khâm sai Đại thần của triều Nguyễn, họ nghĩ gì và viết gì về đất nước.

* Tới giờ phút này thì có lẽ cả giới sử học đều đang nôn nóng muốn biết xem, trong số những “bia miệng” giáng xuống Hoàng Cao Khải, có điều gì cần phải xem xét lại ?

- Ngoài chuyện làm quan cho nhà Nguyễn, Hoàng Cao Khải còn mắc phải một "tội trạng" nặng nề khác là đàn áp khởi nghĩa, đúng không ? Nhưng, lục tìm tài liệu cũ của Pháp, tôi lại phát hiện những trang "mật" ghi chép cẩn thận mọi hành vi của Hoàng Cao Khải. Càng đọc càng thấy, các "quan trên" tỏ ý nghi ngờ Tổng đốc họ Hoàng làm việc "hai mang". Nếu không thì tại sao, ngày giờ tiến hành đàn áp khởi nghĩa Yên Thế, Hoàng Cao Khải đều thống nhất với một đồng sự vốn là bà con xa của Hoàng Hoa Thám, như thể ngầm "đánh tiếng" sang nghĩa quân. Rồi, sau này lập ấp Thái Hà, thực tâm Hoàng Cao Khải muốn giúp đỡ những người từ phương xa tới kinh kỳ. Trong danh sách những người được ông cưu mang, có cả Hoàng Mậu Dân, thân phụ của Hoàng Ngọc Phách. Mà Hoàng Mậu Dân thì vốn là thủ túc của Phan Đình Phùng, bị truy nã gắt gao ở Hà Tĩnh. Ngay Phan Bội Châu, lãnh tụ của phong trào Đông Du cũng nhận định: Hoàng Cao Khải là người "nhất điểm linh đài", "còn một điểm lương tâm, còn biết Việt Nam là nước của tổ tông cha mẹ, là nước đồng bào, không nỡ trông thấy người Pháp phá hoại mòn mỏi đi". Ông cũng hy vọng Hoàng Cao Khải một lúc nào đấy sẽ hồi tâm. Theo suy nghĩ của tôi, dù làm việc cho Pháp nhưng Hoàng Cao Khải vẫn là người có tinh thần dân tộc (tôi không dùng chữ yêu nước). Tinh thần dân tộc ấy đã lan truyền đến thế hệ con, cháu của ông. Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông cũng thiết lập một trại ấp "từ thiện" và còn có công khôi phục làng nghề cho tỉnh Hà Đông. Đặc biệt, cả Hoàng Trọng Phu và Hoàng Mạnh Trí (Tổng đốc Nam Định) đều âm thầm hỗ trợ phong trào Đông Du, làm lơ cho hai trung tâm tuyển chọn đi Đông Du ở Hà Đông và Nam Định cứ việc hoạt động. Chừng ấy chi tiết đã đủ để chúng ta nên xem xét lại chưa? Chính từ trường hợp của Hoàng Cao Khải mà tôi nhận thấy, tầng lớp sĩ phu cùng thời với ông có sự phân hóa rõ rệt: một bộ phận đi làm cách mạng, một bộ phận "án binh bất động", một bộ phận vì nhiều lý do tạm thời làm việc cho Pháp. Nét độc đáo ấy, khi nhìn lại lịch sử dân tộc, lẽ ra chúng ta cần để tâm nghiên cứu.

* Quay lại Việt sử yếu, tác giả là một nhân vật lịch sử "có vấn đề" thì tác phẩm hẳn cũng "có vấn đề" so với các cuốn sử "chính thống"?

- Đúng đấy. Nó khác hẳn với Quốc sử quán. Quốc sử quán viết theo hệ thống biên niên sử, bám vào từng triều đại chứ không theo thời đại. Hoàng Cao Khải phủ nhận cách viết đó. Ông cho rằng viết như thế thì sử chỉ là sử của triều đình, của vua chúa chứ không phải sử của nhân dân, của đất nước. Ông chia theo thời đại: Bắc thuộc, tự chủ, văn minh tiến bộ... Ông đặt ra 5 thời kỳ: huyền sử, nghi sử, tín sử, hủ sử, bí mật sử. Có thể nói, về phương pháp luận sử học, Hoàng Cao Khải đã có một phát kiến mới mà sau này, Trần Trọng Kim, Đào Duy Anh đều áp dụng. Còn về nội dung, ông cũng có những đánh giá khác lạ, đáng được xem là tiến bộ so với thời đó. Ông dành hẳn những mục riêng để ca ngợi các anh hùng dân tộc. Bên cạnh các danh tướng, danh nhân, triết gia, người ta thấy cả những người phụ nữ có công với đất nước, rồi các danh y cũng lần đầu tiên được đề cao qua ngòi bút của Hoàng Cao Khải. Ông luôn bám chặt vào 3 chủ thuyết: lãnh thổ, chủ quyền, nhân dân để viết lịch sử đất nước. Đến thời Trần Trọng Kim có lẽ cũng không có được cách nhìn hiện đại và trên tinh thần dân tộc như vậy.

* Từng "cải" cho Dương Bát Đạt khỏi cái án thân Nhật, thực hiện tổng tập Đông Kinh nghĩa thục với ngụ ý "minh oan" và bây giờ là Hoàng Cao Khải, ông có nghĩ giới thiệu Việt sử yếu sẽ thực sự mở ra một trào lưu đánh giá lại những nhân vật lịch sử "có vấn đề"?

- Đó chính là mong muốn của tôi. Nếu như trong Nam đã "xét lại" Trương Vĩnh Ký, Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản thì ngoài Bắc, chúng ta cũng nên "đánh giá lại" từ Hoàng Cao Khải đến Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim... Tới đây, tôi sẽ nghiên cứu Trần Trọng Kim, một nhà giáo dục, một người mô phạm nhưng lại bị kết án "bù nhìn". Nói chung, những lối đánh giá cứng nhắc và một chiều trước đây, với tôi không thuyết phục.

Hương Lan (thực hiện)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/danh-gia-lai-hoang-cao-khai-141038.html