'Đánh giá kỹ thuật của Binz như xét Thành Long ở khả năng thực chiến'

MC ILL đánh giá với Zing về thị trường rap và phân tích những điểm mạnh, yếu của các rapper nổi bật hiện nay.

Có hai rapper được cộng đồng underground gọi là "giáo sư" của rap: Một là Rhymastic đang ngồi vị trí giám khảo Rap Việt, người còn lại là MC ILL (Hưng Cao). Cả hai đều nổi bật về kỹ thuật, bên cạnh đó, còn cho thấy trình độ của người nghiên cứu về rap.

Riêng MC ILL còn được cho là người đã mang kỹ thuật punchline (câu rap dứt điểm, chứa mục tiêu, được ví như pha ghi bàn tung lưới ngoạn mục trên sân cỏ) vào rap Việt và kiến tạo trở thành một trường phái. Cũng punchline và cách chơi chữ đầy quyền cước đã đưa MC ILL trở thành một tên tuổi trong giới, giám khảo của không ít giải đấu về rap. Song, thời gian gần đây, rapper sinh năm 1991 dường như ở ẩn, không có sản phẩm mới.

Đầu năm 2019, MC ILL gây chú ý với bản rap Thầy hiệu trưởng, kết hợp với LK và Wowy - một là "huyền thoại" của rap Việt, một là "lão đại" tiên phong của giới rapper miền Nam. Khi cả hai rapper còn lại đang tham gia cuộc đấu trên ghế nóng game show giờ vàng, Zing tìm gặp MC ILL để trả lời cho câu hỏi: Anh đang ở đâu và làm gì?

- LK đang ngồi ghế nóng King of Rap, Wowy “cầm cân nảy mực” ở Rap Việt. Anh ở đâu?

- Tôi đang ngồi trên giảng đường. Không vấn đề gì cả vì LK và Wowy đều rất xứng đáng. LK dành toàn tâm, toàn ý cho âm nhạc, Wowy cũng có nhiều đóng góp cho cộng đồng rap. Tôi vui khi những người anh em đạt được thành công. Còn tôi, đang là “ông giáo” dạy học.

- Một "ông giáo" từng rất thiện chiến?

- Vẫn!

- Nhưng cách biểu đạt đã khác?

- Thời kỳ 2010-2011, tôi tham gia nhiều giải đấu trên mạng và thường có kết quả tốt. Đến khoảng 2015-2016, khi cộng đồng có những mâu thuẫn, tôi có tham gia phản kháng. Bất ngờ là sự tham gia ấy cũng có những chiến quả nhất định, tôi được biết đến nhiều hơn. Battle rap (rap chiến) là chìa khóa đưa tôi đến thành công.

Nhưng tôi hiểu có người sinh ra để làm ngôi sao, có người sinh ra để xây dựng ngôi sao. Tôi thì phù hợp hơn với chuyện đào tạo, tôi không có duyên với sự nổi tiếng. Trong rap, tôi giống một ông giáo hơn là nghệ sĩ. Thành tựu của ngôi sao phải là những ca khúc, trong khi giá trị của tôi là mang được cái mới từ nước ngoài về, làm được giải đấu cho rap, là đủ!

- Anh đã đào tạo được những ai?

- Phúc Du, Linh Thộn, Đại Vũ đều xuất phát từ nhóm của tôi. Rich Choi cũng là người đi theo tôi từ những ngày đầu tiên. Nhưng nổi nhất là Phúc Du.

- Anh từng “diss” (công kích bằng rap) DSK - một trong những người vẫn được coi là huyền thoại của rap Việt. Là ngông cuồng hay không ngại đối đầu?

- Là sự phản kháng. Trong rap, tôi ít khi “nổ súng trước” vì tôi không thích va chạm. Nhưng bên DSK ra bài trước, nói chúng tôi là “punchline, păng lủng”. Trong khi hồi đó cả thị trường chỉ có nhóm của chúng tôi là phát triển và sử dụng punchline, hẳn nhiên tôi phải “đáp lễ”.

Tôi bản chất là người “dĩ hòa vi quý” và giỏi nhịn. Nhưng trong rap, đôi khi nhịn sẽ bị lấn tới. Dù vậy, chuyện đã qua rồi. Thời điểm bây giờ tôi không biết DSK như thế nào nhưng tôi thì không có vấn đề gì với DSK. “Diss” là chuyện bình thường trong rap, xong là xong. Tôi không hối hận. Đó là mâu thuẫn không đáng có nhưng không vấn đề gì.

- Anh nhìn nhận như thế nào về DSK, với tư cách một người nghiên cứu về rap?

- Tại sao DSK nổi? Một từ thôi: Giỏi.

- Giỏi ra sao?

- DSK là một trong những người giỏi nhất lịch sử rap Việt, cùng với VietDragon. Hai người như Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung của Thiên long bát bộ.

Nói vậy, để thấy DSK xứng đáng với những khen ngợi của cộng đồng rap. Nhưng chúng tôi khác nhau. Trong rap, DSK là nhà thơ, một nhà thơ đúng nghĩa, còn tôi thì giống võ sĩ hơn.

- Nhà thơ và võ sĩ, ai được chuộng hơn trong rap?

- Còn tùy người nghe muốn xem gì. Rap như tivi vậy, muốn đấm bốc thì mở kênh đấm bốc, còn muốn xem văn nghệ hãy mở kênh văn nghệ. Võ sĩ không nên so sánh với ca sĩ vì khán giả khác nhau.

Nhưng xét về con số, một nhà thơ - người chạm đến cảm xúc khán giả sẽ thành công hơn. Suy cho cùng nghệ thuật vẫn là giải trí, mang đến cung bậc cảm xúc cho mọi người. Võ sĩ cũng chạm đến những cảm xúc nhưng sẽ ít người biết đến hơn.

Câu này hay: Một nhà thơ trong rap chạm đến trái tim khán giả, còn một võ sĩ trong rap chạm đến trái tim đối thủ.

- Đen Vâu thành công vì là một nhà thơ, phải không?

- Từ năm 2012, khi gặp Đen Vâu, tôi đã thấy Đen có ngòi bút rất đẹp, lãng mạn. Đen đúng là một trong những nhà thơ xuất sắc của rap Việt hiện nay. Gần đây, nội dung của Đen Vâu thiên về tình yêu, cảm xúc hơi phiêu lãng nhưng không thể xóa đi sự định hình về một ngòi bút rất đẹp.

- Sự trỗi dậy của rap Việt mang lại cảm xúc gì cho "ông giáo"?

- Sốc! Đó là một sự trỗi dậy quá bất ngờ, cũng có thể coi là một cú sốc theo hướng tích cực với một người đã và đang theo đuổi thể loại âm nhạc này như tôi. Thật khó tin nhưng rap giờ đã là một lựa chọn nghề nghiệp cho các bạn trẻ, và có thể kiếm được tiền rồi.

- Hãy thử lý giải sự trỗi dậy ấy, theo góc nhìn của anh?

- Nói thật nhé, thứ khiến rap có cơ hội như hôm nay chính là battle rap, tức rap chiến (cuộc đấu, cuộc đua tài bằng rap giữa các rapper).

- Tại sao?

- Bạn có thể không tin nhưng rap đã tồn tại rất lâu ở thị trường nhạc Việt. Những bài đầu tiên của Ken Chou, Thỉm Small hay LK đã có từ những năm 2000. Nhưng qua nhiều năm, rap vẫn cứ ở đấy.

Thậm chí, năm 2013, khi Mr.T nổi lên với Thu cuối, năm 2014 với Bản sắc Việt Nam, rap vẫn như vậy. Một năm sau, Đen Vâu được yêu thích với Đưa nhau đi trốn, Karik với Anh không đòi quà. Rap vẫn như thế.

Rap chỉ thực sự trỗi dậy nhờ những giải đấu về rap được tổ chức sau đó. Đó là những giải battle rap, rap chiến. Chính những giải đấu này đã khiến giới tổ chức, các công ty thấy được tiềm năng màu mỡ và nhân sự của rap, là lý do để họ quyết định đầu tư. Đó có lẽ cũng là một trong những lý do cho sự xuất hiện của hai cuộc thi là King of Rap và Rap Việt hôm nay.

Chúng ta không thể phủ nhận đóng góp của các thế hệ rapper Việt, góp phần tạo nên một cơ thể đầy đủ cho rap ở Việt Nam. Nhưng một cơ thể tốt đôi khi vẫn cần một lon nước tăng lực để thêm sức mạnh, battle rap chính là lon nước tăng lực, góp phần đưa rap đến với đại chúng.

- Đồng ý là những giải đấu rap từng mang lại nguồn nhân sự cho rap. Nhưng cũng có góc nhìn cho rằng chính rap chiến, xung đột và những ngôn từ phóng túng quá đà, thậm chí phản cảm đã khiến rap bị kỳ thị trong thời gian dài. Và rap chỉ thực sự có vị trí hôm nay khi nhẹ nhõm, văn minh và tình hơn?

- Nhìn bên ngoài có thể là vậy. Nhưng không phải khi có Đen Vâu xuất hiện mới có rap về đời sống, Binz nổi lên mới có rap về tình yêu. Trước đây, chúng ta có DSK viết về cuộc sống, LK viết nhạc về đời, Mr.T ca ngợi đất nước, BigDaddy tạo ra những bản nhạc tình, dễ thương, đáng yêu.

Những gương mặt kể trên cũng rất tích cực. Vậy, tại sao một thời kỳ rap vẫn bị kỳ thị. Chắc chắn nguyên nhân không phải do battle rap. Thực ra, battle rap có mặt từ lâu nhưng là ở dạng freestyle battle, những cuộc thi đấu trực tiếp. Và không hề tìm được clip những cuộc đấu ấy trên mạng. Vậy làm sao khán giả đại chúng có thể xem được mà kỳ thị.

Đúng hơn, những thứ khiến rap từng bị coi là xấu xí xuất phát từ một số ca từ không hợp thuần phong mỹ tục với những ngôn từ quá mạnh. Nhưng đó là cách chọn lựa và sản phẩm của từng rapper, là vấn đề của nội dung và cá nhân, chứ không liên quan đến loại hình battle rap.

- Thực ra ở Rap Việt hay King of Rap cũng có những màn đối đầu giữa các cặp, nhóm thí sinh. Nhưng để so sánh với battle rap (rap chiến) thì nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Nói vậy, để thấy rap chiến đúng nghĩa rất khó lên sóng truyền hình, cũng như những bản rap của MC ILL khó mà lên được tivi phải không?

- Nhạc của tôi không phát được trên tivi là bình thường. Mặc dù từ năm 2018 đến nay, nhạc của tôi đã tươi sáng hơn rất nhiều, tôi cũng không sử dụng bất kỳ từ mạnh nào, kể cả từ “đếch”.

Trước đây, bản thân tôi cũng là người hạn chế dùng từ bậy trong bài. Nhưng trong các cuộc rap chiến, cuộc đấu trên mạng, khi rap "diss", việc dùng từ mạnh là khó tránh và đôi khi cần thiết.

Dù vậy, để rap phát trên tivi, không phải là yếu tố kỹ thuật, chơi chữ hay punchline, quan trọng là ngôn từ phải sạch nhất có thể. Bởi vì trên tivi không chỉ có người lớn mà còn có trẻ con xem, nhiều đối tượng khán giả. Tôi hoàn toàn ủng hộ sự chắt lọc khi phát rap trên truyền hình.

Rap lần đầu lên sóng, hãy giới thiệu mặt đẹp trước đã, để gây thiện cảm, khi khán giả quen rồi, hãy khoe những thứ khác. Giống như chàng trai lần đầu ra mắt bố mẹ bạn gái, trước hết là cần để lại ấn tượng tốt. Ấn tượng tốt ban đầu thì sau này mình có mặt nọ, mặt kia, vẫn được thông cảm, còn ban đầu đã ấn tượng xấu thì sau có thành tỷ phú, chưa chắc đã được "ông bà nhạc" yêu quý.

- Khi rap Việt trỗi dậy, thị trường hiện nay đã chứng kiến những rapper đi xe sang, dùng hàng hiệu hay nói ngắn gọn là “lấp lánh”. Tín hiệu này là tích cực?

- Tích cực theo một nghĩa không được tích cực lắm. Có thể so sánh rapper như luật sư đi. Nghĩa là rap hay nghệ thuật nói chung là ngành mang tính chất nước chảy chỗ trũng. Người có danh tiếng sẽ có nhiều cơ hội, trong khi người trẻ vẫn gặp đầy khó khăn.

Giống như khi bạn thuê luật sư, dù luật sư trẻ giỏi đến mấy, bạn vẫn muốn thuê những luật sư có nhiều kinh nghiệm. Âm nhạc cũng vậy, nghệ sĩ thành danh đôi khi hút hết cơ hội của người trẻ. Do vậy, vấn đề đặt ra là gì, là khi đã bước vào nghề này, bạn phải bám trụ bằng mọi giá, bám trụ được thì cây ắt sẽ ra quả.

Nhưng suy cho cùng, vấn đề mà bạn nói vẫn là tín hiệu tốt, chứng tỏ tính cạnh tranh của thị trường rap hiện nay sẽ ngày càng cao.

- Rapper Hà Lê quả quyết rằng: “Đừng trách sự giàu có của Binz, Đen Vâu. Đừng trách những nghệ sĩ từ underground đi lên mainstream và thành danh, nổi tiếng. Những điều đó có lợi cho thị trường”. Anh có đồng tình?

- Hoàn toàn đồng tình bởi vì họ xứng đáng. Cộng đồng underground nên thấy vui khi có người thành đạt.

- Nhưng nhìn vào cộng đồng rap Việt, cũng thấy một thực tế là có không ít rapper tài năng, nội lực, xứng đáng được nổi tiếng và giàu có hơn như DSK hay anh chẳng hạn. Tại sao lại không thể chạm đến hào quang showbiz?

- Đó là lựa chọn. Tôi không chơi thân với DSK để biết lý do tại sao. Nhưng cá nhân tôi và một vài anh em khác như Giang Đẫm đều cảm thấy theo đuổi âm nhạc hơi mạo hiểm. Cuối cùng, chúng tôi đã lựa chọn con đường an toàn và ổn định hơn.

Nói từ này, nghe hơi các cụ, nhưng rất đúng: “Duyên”. Và, nghề chọn người mà. Có người hoạt động lâu nhưng không thể thành công hơn, do đó, để sống được phải đi làm nghề khác. Nhìn bên ngoài tưởng họ bỏ nhưng họ vẫn đam mê.

Tôi từng say mê rap, suýt bỏ học ở trường Ngoại thương để theo nghề này. Nhưng một lần, tôi tranh cãi với bạn gái. Cô ấy nói tôi lông bông và không thể dành cả đời để theo một người như vậy. Ồ, hợp lý, rất đúng đấy. Và tôi nhận ra, nuôi mình trước đã, nuôi đam mê sau.

- Ngay cả hồi đã được biết đến như một rapper thiện chiến, anh vẫn không sống được bằng rap?

- Đến khoảng 24-25 tuổi, khi đã rap được một thời gian, tôi chưa bao giờ nhận được cát-xê quá 4 triệu đồng. Tất nhiên, khi đó, một tháng kiếm được một, hai vụ có tiền cũng là khích lệ bản thân. Nhưng cái chính là tôi không hợp với việc viết theo yêu cầu của người khác, viết theo đơn đặt hàng. Dần dần, tôi không còn yêu nó như trước.

- Hôm nay anh có sốt ruột khi mà bẵng đi một thời gian, nhiều đồng nghiệp của anh giờ đã rất nổi tiếng, xuất hiện trên truyền hình, cầm trên tay hợp đồng quảng cáo và kiếm được tiền?

- Sốt ruột chứ, nghề nào cũng vậy. Nhưng tôi không có gì hối hận vì mình cũng từng cháy hết mình với rap. Hôm nay, tôi bình tĩnh. Một thầy giáo phải bình tĩnh.

- Tại sao lại là nghề dạy học mà không phải một nghề khác?

- Từ khi ra trường vào năm 2013 đến năm 2017, tôi có nhiều khoảng thời gian thất nghiệp, đi làm rồi lại nghỉ. Tôi từng thử rất nhiều nghề, từ làm marketing, SEO, bán hàng, đầu tư cổ phiếu đến BTV cho Chuyển động 24h của VTV24. Nhưng không có nghề nào mang lại đủ tiền để sống, thu nhập eo hẹp khiến tôi luôn phải đi dạy thêm tiếng Anh.

Đến năm 2017, tôi chợt nghĩ, tại sao mình chọn làm nhiều nghề nhưng có một nghề đã theo mình nhiều năm là nghề dạy học, mình lại chưa bao giờ nghiêm túc với nó.

Giống như khi chúng ta còn trẻ, chúng ta thích yêu những cô gái đẹp, rồi đến một độ tuổi nhất định, chợt nhận ra cô bạn thân chơi cùng đã lâu. Ồ, cũng được đấy chứ! Cô ấy không xinh lắm nhưng rất đảm bảo. Và tôi quyết định chọn "cô ấy" - nghề dạy học.

- Điều quan trọng là "cô ấy" nuôi sống mình trong những tháng ngày không có công ăn việc làm ổn định?

- Chính xác và bỗng thấy "cô ấy" đẹp hơn. Giờ thì yêu mê mệt rồi.

- Nên thật khó để phản bội "cô ấy" và trở lại với rap?

- Đúng, tôi cảm thấy như thế. Tất nhiên, là lãnh đạo cơ quan hiện tại vẫn cho tôi một tay ôm “vợ” - nghề dạy học và một tay “cặp bồ” - âm nhạc. Là lý do mà tôi vẫn tham gia một số hoạt động liên quan đến rap. Vừa làm công việc chính mà phần nào vẫn thỏa mãn được đam mê, thế là vui!

- Nhưng khi anh bớt sung sức, thậm chí ẩn dật hơn, cộng đồng những người thích rap chiến, rap kỹ thuật, mê đắm punchline cũng tiếc?

- Tôi hiểu cảm giác đó. Nếu Luka Modric giải nghệ, tôi cũng sẽ rất buồn. Nhưng tôi không giải nghệ, tôi vẫn ở đây và sẽ sớm có bài trở lại.

- Anh đánh giá như nào về dàn giám khảo của Rap Việt và King of Rap?

- King of Rap là những cái tên hoàn toàn xứng đáng, Nam chinh Bắc chiến, nhiều chiến tích. Do vậy, không phải lo ngại trình độ của giám khảo, mỗi người đều có nét riêng.

Rap Việt cũng vậy, giám khảo có Rhymastic và JustaTee khá lẫy lững, trong khi các huấn luyện viên đều là các “cựu binh” oanh liệt, họ đảm bảo được đầu ra cho thí sinh. Nhưng tôi thấy Binz đang có lợi thế hơn một chút, hơn khoảng 1% so với các đối thủ còn lại. Cũng không nhiều đâu nhưng Binz có sự gần gũi và sức hút đặc biệt.

- Kỹ thuật rap của Binz thì sao?

- Đánh giá Binz theo kỹ thuật cũng giống như nhìn nhận Thành Long ở khả năng thực chiến. Binz không phải người chú trọng kỹ thuật. Tôi không biết Binz có thực sự giấu nghề hay không nhưng anh ấy dường như không quan tâm đến kỹ thuật.

- Binz đang làm tốt ở điểm gì?

- Làm tốt những thứ còn lại, nhạc và nội dung của Binz rất bắt tai.

- Anh từng nhận xét kỹ thuật của Karik như người mới đi rap... nửa năm. Giờ anh có thay đổi quan điểm?

- Tôi không phủ nhận. Tôi rất xin lỗi Karik, thời điểm ấy nghe bài rap của Karik, tôi không thấy đầu tư về kỹ thuật, một bạn bước vào nghề thời gian ngắn cũng làm được như vậy. Nhưng cũng phải nói, một rapper không phải lúc nào cũng cần tập trung vào rap. Karik có tai nghe nhạc tốt, đó là tai của nhạc sĩ.

Trên phương diện người làm nhạc, tôi thấy Karik làm nhạc hay dù điểm mạnh của anh ấy không phải lyrics. Nếu Karik đọc được những dòng này, tôi cũng muốn nói rằng tôi hoàn toàn không có ác cảm. Lâu rồi tôi không nghe nhạc Karik nhưng tôi thấy anh ấy có tố chất ngôi sao và có nhiều thứ để trở thành ngôi sao.

- Anh cũng từng cho rằng Suboi viết lời không ai hiểu?

- Tôi không nói rõ như vậy, ý tôi là lyrics của Suboi khó hiểu. Cũng không phải ngẫu nhiên ICD từng “diss” Suboi về lyrics, cũng phải có lý do không người ta bảo “ngậm máu phun người”.

Tôi không phải người thích lyrics của Suboi. Nhưng tôi thích phong thái của cô ấy, đúng là một nghệ sĩ, ngôi sao đích thực. Suboi được gọi là “Queen of Rap Việt” dù một năm chưa chắc đã ra một bài. Ra ít nhạc mà vẫn được tôn vinh như vậy là rất giỏi.

- Là người tôn thờ kỹ thuật, theo anh, huấn luyện viên nào trong Rap Việt đứng đầu về kỹ thuật?

- Tôi sẽ thiên vị một chút cho Wowy. Wowy gần đây không ra nhiều sản phẩm nhưng Wowy có ngòi bút hiện thực, khắc họa đường phố. Nhưng đấy là lyrics, còn về flow thì phải là Suboi.

Suboi là người có flow mà nhiều nam rapper cũng không bằng. Suboi là Đạt Maniac phiên bản nữ, Suboi có cách đan vần phức tạp. Tôi là fan flow của Suboi.

- Từng góp công kiến tạo punchline cho rap Việt. Theo anh, ai hiện sở hữu punchline số một trên thị trường?

- Phúc Du. Phúc Du thực sự rất giỏi với cách chơi chữ đồng âm, mảng ấy Phúc Du hơn tôi.

- Có khiêm tốn quá không khi mà nhiều người cho rằng anh vẫn ở vị trí đứng đầu của những punchline quyền cước?

- Thắng thua vẫn phải đấu mới biết được. Nhưng hiện tại, Phúc Du là bản nâng cấp của tôi với cách chơi chữ ấn tượng. Nhưng đó không phải là tất cả của punchline. Trong một trận đấu, đôi khi không cần chơi chữ, chỉ dùng lý lẽ cũng vẫn thành công. Fan rap Việt hiện vẫn thiên về tính giải trí, do vậy cách chơi chữ thông minh được ưa chuộng. Nhưng để biết ai đang ở vị trí số một vẫn cần một trận đấu.

- BRay thì sao?

- BRay từng ở trình rất cao của punchline nhưng thời gian dài không luyện tập, giờ tôi không rõ. Rap như võ, văn ôn võ luyện. Nhưng tôi cho là Bray luôn là đối thủ đáng gờm.

- Nếu tổ chức một cuộc đấu cho các rapper có kỹ thuật hàng đầu, với sự tham chiến của anh, Phúc Du, BRay, Rhymastic. Ai sẽ đại thắng?

- Tùy! Rhymastic thì toàn diện và luôn đứng ở vị trí rất cao nhưng trong một trận đấu của rap còn nhiều yếu tố khác. Rhymastic rất toàn diện nhưng không thực sự mạnh về cái gì. Để chiến thắng, rapper cần phải có những chiến ý rất lớn.

MC ILL: 'Tôi sốc vì bị gán mác phân biệt vùng miền' Hưng Cao còn được biết đến với nghệ danh MC ILL. Anh là một trong những rapper thực lực, từng là tâm điểm chú ý trong nhiều cuộc rap chiến.

Quang Đức
Ảnh: Sơn HelioĐồ họa: Hà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/danh-gia-ky-thuat-cua-binz-nhu-xet-thanh-long-o-kha-nang-thuc-chien-post1136112.html