Đánh giá Kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản

Ngày 18/01, Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản và Tổng Cục GDNN tổ chức Hội nghị công tư nhằm đánh giá hoạt động hỗ trợ của Nhật Bản trong năm tài chính 2018 cho phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng nghề của Việt Nam và đề xuất chính sách cho năm tài chính tiếp theo. Hội nghị cũng là diễn đàn để các bên trao đổi, đánh giá tình hình hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức Nhật Bản, thảo luận về các hoạt động và kế hoạch trong tương lai.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Ông Nguyễn Chí Trường -Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục GDNN cho biết, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi Nhật Bản về thúc đẩy phát triển hệ thống đánh giá kỹ năng nghề tại Việt Nam, từ năm 2008, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp đã phối hợp với Hiệp hội phát triển năng lực nghề Nhật Bản (JAVADA) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tổ chức triển khai nhiều hoạt động liên quan đến phát triển hoạt động đánh giá kỹ năng nghề quốc gia, như: đào tạo kỹ năng đánh giá cho giáo viên dạy nghề tại Việt Nam từ năm 2008; 3 chuyên gia JICA đã được phái cử tới DVET từ năm 2010 đến năm 2018; Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật của JICA với Đại học Công nghiệp Hà Nội (2010- 2013); các hoạt động hỗ trợ cho Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình thúc đẩy hệ thống đánh giá kỹ năng các nước Đông Nam Á … "Thông qua các chương trình, dự án trên đã góp phần giúp Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc thể chế hóa hệ thống đánh giá kỹ năng; xây dựng ngân hàng đề thi tham chiếu tiêu chuẩn nghề Nhật Bản cho 02 nghề gồm: nghề tiện, nghề phay; phát triển và mở thêm nghề đánh giá tại một số trung tâm đánh giá kỹ năng nghề; đào tạo đội ngũ đánh giá viên và tổ chức một số kỳ thi đánh giá thí điểm cho 05 nghề, gồm: tiện, phay, lắp cáp mạng thông tin, đo kiểm cơ khí, nghề điều khiển tuần tự; và tổ chức hoạt động tuyên truyền, thông tin về hệ thống đánh giá kỹ năng nghề quốc gia. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp Nhật Bản (như công tư DANSO..) đã hỗ trợ huấn luyện thí sinh Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề ASEAN, thế giới"-ông Trường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Chí Trường, công tác đánh giá kỹ năng nghề của Việt Nam đã được triển khai khoảng 10 năm nhưng hiện nay công tác đánh giá vẫn còn nhiều hạn chế, đó là năng lực cán cán bộ là công tác đánh giá, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa “nhiệt tình” tham gia đánh giá kỹ năng nghề....

Đại diện Tổng cục GDNN và Bộ Y tế và phúc lợi Nhật Bản trao đổi tại hội nghị

Theo thống kế từ Tổng cục GDNN, bắt đầu từ 2008, hợp tác với JAVADA trong việc đào tạo kỹ năng đánh giá cho giáo viên dạy nghề tại Việt Nam. Năm 2012, tổ chức các lớp tập huấn đánh giá viên và đánh giá thí điểm nghề nghề Tiện ở bậc trình độ 3 Nhật Bản (tương đương bậc 2 Việt Nam), có 4/12 người đạt. Năm 2013, tổ chức lớp tập huấn đánh giá viên nghề Lắp cáp mạng thông tin bậc 3 NB và đánh giá thí điểm nghề nghề Tiện, Phay bậc 3 NB (có 15/26 người đạt). Năm 2014, tổ chức lớp tập huấn đánh giá viên nghề Tiện, Phay, Lắp cáp mạng thông tin bậc 2, 3 NB và đánh giá thí điểm nghề nghề Tiện, Phay, Lắp cáp mạng thông tin bậc 2, 3 NB (có 30/68 người đạt). Năm 2015, tổ chức các lớp tập huấn đánh giá viên cho các nghề Tiện, Phay và Đo kiểm cơ khí ở trình độ bậc 2,3 NB; Chuyển giao đề thi nghề Tiện ở trình độ bậc 3 NB; Đánh giá thí điểm nghề Tiện, Phay, Lắp cáp mạng thông tin, Đo kiểm cơ khí ở trình độ bậc 2,3 NB cho 81 thí sinh. Năm 2016, tổ chức các lớp tập huấn đánh giá viên cho nghề Tiện, Đo kiểm cơ khí, Lắp cáp mạng thông tin ở trình độ bậc 3 NB; Đánh giá và cấp chứng chỉ cho 05 đánh giá viên nghề Phay và 09 đánh giá viên nghề Tiện; Đánh giá thí điểm nghề Tiện, Phay, Lắp cáp mạng thông tin, Đo kiểm cơ khí ở trình độ bậc 2,3 cho 61 thí sinh. Năm 2017, tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn đánh giá viên cho nghề Tiện, Đo kiểm cơ khí ở trình độ bậc 2 và bậc 3 NB; Đánh giá và cấp chứng chỉ cho 05 đánh giá viên nghề Đo kiểm cơ khí; Tập huấn phương pháp thực hành nghề nghề Tiện ở bậc trình độ 2,3 NB; Chuyển giao đề thi nghề Phay ở trình độ bậc 2 NB; Đánh giá thí điểm nghề Tiện, Đo kiểm cơ khí ở trình độ bậc 2,3 cho 65 thí sinh. Năm 2018, tổ chức tập huấn đánh giá viên nghề Điều khiển tuần tự ở bậc trình độ bậc 2 NB; Đánh giá nghề Tiện, Lắp cáp mạng thông tin, Điều khiển tuần tự ở bậc trình độ 2,3 cho 48 thí sinh. Chuyển giao ngân hàng đề thi nghề Tiện, Phay bậc 2 NB (tương đương bậc 3 VN). Trong tháng 01/2019 sẽ tổ chức các lớp tập huấn, sát hạch đánh giá viên và tổ chức đánh giá thí điểm nghề Đo kiểm cơ khí bậc 2 NB và nghề Điều khiển tuần tự bậc 2 NB . Và gần đây nhất tháng 12/2018, Tổng cục GDNN và DANSO đã ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ huấn luyện thi sinh Việt Nam tham dự kỳ thi tay nghề ASEAN, thế giới.

Theo ông Ken Kamae, Đại diện Bộ Y Tế và phúc Lợi Nhật Bản, Việc tổ chức đánh giá kỹ năng nghề sẽ có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động, vấn đề này không chỉ đúng ở Việt Nam và Nhật Bản cũng vây. Tuy nhiên để việc đánh giá kỹ năng đạt hiệu quả thì cần có sự hợp tác hiệu quả của doanh nghiệp và cập nhật thường xuyên công nghệ mới. Việt Nam cần chọn các nghề trọng điểm của nền kinh tế, và những nghề cung cấp nhân lực lớn để tiến hành đánh giá trước...

PHƯƠNG MINH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/danh-gia-ky-nang-nghe-theo-tieu-chuan-nhat-ban-d89208.html