Đánh giá kinh tế 2018: Chuyển dần sang tăng trưởng chiều sâu

Ngày 24.9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Năm 2018, Việt Nam hoàn thành 12/12 chỉ tiêu kinh tế; 8 chi tiêu vượt,4 chỉ tiêu đạt kế hoạch. Ảnh: PV

8 chỉ tiêu vượt, 4 chỉ tiêu đạt: Hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu

Theo ông Trần Quốc Phương - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KHĐT), tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra. Một trong những thành tựu nổi bật của kinh tế - xã hội năm 2018 chính là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. Trong đó, tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, ước tính đạt 6,7%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, mô hình tăng trưởng chuyển dần sang chiều sâu.

Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016-2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân duy trì ở mức dưới 4%; thị trường tài chính duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tính đạt 1,89 triệu tỉ đồng, tăng 13,3%, bằng 34% GDP, đạt ở mức cao mục tiêu Quốc hội giao (33-34%) và mục tiêu 5 năm (32-34%). Cơ cấu đầu tư dịch chuyển theo hướng tích cực, đầu tư của khu vực tư nhân chiếm tỉ trọng ngày càng cao. Giải ngân vốn FDI đạt khá. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào việc duy trì ổn định, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của
nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản cho biết: 9 tháng đầu năm 2018, kinh tế thủ đô tiếp tục phát triển, tăng trưởng đạt cao hơn cùng kỳ, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP 9 tháng ước tính tăng 7,17% so với cùng kỳ; khách du lịch tăng 17,6%, trong đó, khách quốc tế tăng 19,8%; kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 10,5 tỉ USD, tăng 21,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,4%; giá trị gia tăng nông nghiệp tăng 3,37%. Dự kiến hết năm 2018, có thêm 30 xã nông thôn mới và 4 huyện nông thôn mới. Tổng vốn đầu tư phát triển ước tính đạt 219,44 nghìn tỉ đồng, tăng 10,3%; đầu tư nước ngoài ước tính đạt 6,265 tỉ đô, gấp 5,39 lần so với cùng kỳ. Có 18,68 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký đạt 204,53 nghìn tỉ đồng. Thu ngân sách nhà nước ước tính đạt 166,2 nghìn tỉ đồng, bằng 69,7% dự toán, tăng 13,7%.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được phát triển. Các vận động viên Hà Nội đóng góp 42,1% tổng số huy chương tại Đại hội Thể thao Châu Á 2018. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 29,3%... Trên cơ sở những kết quả đạt được 9 tháng đầu năm, UBND TP.Hà Nội dự kiến tổng GRDP tăng từ 7,35% trở lên; 19/20 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó 4 chỉ tiêu dự kiến vượt là kim ngạch xuất khẩu, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia, giảm tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, số xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới... Căn cứ kế hoạch 5 năm 2016-2020 của thành phố và hướng dẫn của Bộ KHĐT, Hà Nội xây dựng mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2019 từ 7,5% trở lên.

Dự báo tăng trưởng kinh tế 2019 khó khăn hơn

Theo Bộ KHĐT, kế hoạch phát triển KTXH năm 2019 chủ yếu là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước đạt khoảng 6,8%. Kiên định mục tiêu cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động; đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và các đột phá chiến lược; phát triển khoa học và công nghệ; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đồng thời, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư… Bà Sian Fenner cho rằng, trong số các nền kinh tế Đông Nam Á, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục đạt kết quả với dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2018 và 6,3% năm 2019.

KHÁNH VŨ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/danh-gia-kinh-te-2018-chuyen-dan-sang-tang-truong-chieu-sau-632703.ldo