Đánh giá Honda CRF150L - cào cào cho người mới, không dành cho đi phố

Xuất hiện tại Việt Nam chưa lâu nhưng Honda CRF150L nhanh chóng đe dọa vị trí của hai mẫu cào cào phân phối chính hãng là Kawasaki KLX 150, D-Tracker 150.

Khoảng 2-3 năm gần đây, phong trào chơi xe cào cào đang tăng mạnh do những ưu đãi về thuế nhập khẩu. Trước đây, việc mua một chiếc xe cào cào còn khó hơn việc mua một chiếc môtô phân khối lớn do không có nhiều lựa chọn. Người đam mê địa hình chỉ có 2 sự lựa chọn để sở hữu một chiếc cào cào: mua xe nhập khẩu chính ngạch hoặc mua lại xe nhập lậu. Xe nhập khẩu chính ngạch có giá rất đắt đỏ, một chiếc cào cào 150 cc luôn có giá trên 100 triệu.

Honda CRF150L là một trong những mẫu xe cào cào 150 cc hiếm hoi tại thị trường Việt Nam.

Honda CRF150L là một trong những mẫu xe cào cào 150 cc hiếm hoi tại thị trường Việt Nam.

Hiện nay, thị trường Việt Nam không có quá nhiều mẫu xe cào cào 150 cc được nhập khẩu chính ngạch. Một số cái tên hiếm hoi là Kawasaki KLX 150, D-Tracker 150 và Honda CRF150L. Khác với hai mẫu xe từ đối thủ Kawasaki được phân phối chính hãng, Honda CRF150L chỉ được nhập khẩu qua đại lý tư nhân.

Tuy nhiên, Honda CRF150L là mẫu xe nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả, dù có phần thua thiệt hai mẫu xe đối thủ do không được phân phối chính hãng. CRF150L đơn giản là mẫu xe mới và logo Honda là thứ quan trọng khiến nhiều người quan tâm.

Thiết kế

Tổng thể, Honda CRF150L mang DNA đặc trưng của dòng CRF với hai mảng bên thân xe được ''khoét sâu'', đặc trưng có từ CRF250L và CRF450L. Thậm chí, nếu chỉ nhìn ngang thì sẽ rất khó để phân biệt CRF150L với hai mẫu xe đàn anh.

Chiều cao yên của CRF150L là 869 mm, gây nhiều khó khăn cho người cao dưới 1,7 m.

Dù chỉ là xe 150 cc nhưng DNA cào cào vẫn thể hiện rõ ở chiều cao yên xe. Chiều cao yên của CRF150L là 869 mm, chỉ kém 11 mm so với đàn anh CRF250L và khoảng sáng gầm 285 mm. Chiều cao yên này khiến bạn chỉ xoay xở thoải mái với chiều cao trên 175 cm, hoặc bạn phải là một tay chơi cào cào đầy kinh nghiệm.

Trang bị

Phần đầu xe của CRF150L được thửa từ CRF250L, điểm khác biệt duy nhất là CRF150L chỉ sở hữu đèn chiếu sáng halogen trong khi CRF250L sử dụng đèn LED.

Bảng đồng hồ của CRF150L được thiết kế hình chữ nhật gọn gàng, chỉ là dạng LCD đơn sắc với các thông số cần thiết như vận tốc, báo xăng, báo rẽ, quãng đường đã đi được. Ngoài ra, đồng hồ cũng có nút cài đặt hành trình Trip A và Trip B. Sự đơn giản này giúp bảng đồng hồ nằm gọn ở phần đầu xe, ít hỏng hóc nhất có thể đối với một chiếc xe vốn dùng để leo trèo và bay nhảy.

Bảng đồng hồ của CRF150L là màn hình LCD đơn sắc được thiết kế hình chữ nhật gọn gàng.

Trước bảng đồng hồ là ghi-đông được đặt cao, có thanh giằng giúp giảm phản lực tác động trực tiếp lên tay người lái và cũng tránh được hiện tượng vặn xoắn khi gặp va chạm.

Điểm dễ gây chú ý của CRF150L là giảm xóc trước dạng upside-down màu vàng nổi bật. Riêng ở chi tiết này, Honda CRF150L có phần áp đảo Kawasaki KLX 150 (vẫn là giảm xóc upside-down nhưng màu bạc). Giảm xóc trên CRF150L khá to, đường kính 37 mm và hành trình 225 mm đến từ thương hiệu Showa.

Trang bị ấn tượng của CRF150L là giảm xóc trước dạng upside-down màu vàng nổi bật đến từ thương hiệu Showa danh tiếng.

So với Kawasaki D-Tracker 150, giảm xóc của CRF150L to hơn 2 mm. Xe cũng được trang bị bộ phận che giảm xóc để tránh cát bụi bám vào làm xước piston của giảm xóc. Ở phía sau, xe được trang bị giảm xóc dạng đơn công nghệ treo đa điểm Pro-link do Honda phát triển.

Là mẫu xe off-road nên CRF150L được trang bị cặp vành nan hoa hợp kim nhôm có kích thước 21 inch ở phía trước và 18 inch ở phía sau. Bao bọc vành là bộ lốp gai chuyên dụng IRC Trials GP-22R.

Là mẫu xe off-road nên CRF150L được trang bị cặp vành nan hoa và bộ lốp gai chuyên dụng IRC Trials GP-22R.

CRF150L sử dụng hệ thống phanh bao gồm kẹp phanh Nissin 2 piston và đĩa phanh 240 mm ở phía trước cùng kẹp phanh Nissin piston đơn và đĩa phanh 220 mm ở phía sau.

Động cơ

Sức mạnh của Honda CRF150L đến từ động cơ xy-lanh đơn 4 kỳ SOHC, phun xăng điện tử, dung tích 149,15 cc, làm mát bằng không khí. Động cơ này cho ra công suất 13 mã lực tại 8.000 vòng/phút và mô-men xoắn cực đại đạt 12,4 Nm tại 6.500 vòng/phút. Xe được trang bị hộp số côn tay 5 cấp, khởi động bằng điện và cần đạp.

"Trái tim" của Honda CRF150L là động cơ xy-lanh đơn 4 kỳ, dung tích 149,15 cc, sản sinh công suất 13 mã lực và mô-men xoắn cực đại đạt 12,4 Nm.

Với sức mạnh này, CRF150L ''yếu'' hơn cả chiếc Honda Winner sử dụng hộp số 6 cấp (15,4 mã lực và 13,5 Nm). Điều này cũng dễ hiểu vì xe cào cào không được tối ưu sức mạnh của động cơ. Tuy nhiên, so với hai đối thủ đến từ Kawasaki (11,5 mã lực và 11,3 Nm) thì CRF150L vẫn vượt trội.

Bên cạnh đó, do động cơ sử dụng công nghệ phun xăng điện tử PGM-FI của Honda nên CRF150L khá tiết kiệm xăng dù tôi đã thường xuyên thốc ga nhanh trong quá trình chạy thử. Mức tiêu hao của CRF150L trên đường đô thị chỉ khoảng 2,5-2,7 lít/100 km.

Cảm giác lái

Vấn đề đầu tiên với tôi là yên xe khá cao so với thể trạng người châu Á. Điều này dẫn đến cảm giác chông chênh cho người mới tiếp cận xe cào cào. Cảm giác này dần biến mất khi tôi bắt đầu quen với chiếc xe. Bên cạnh đó, yên xe của CRF150L khá cứng và hẹp nên không mang lại cảm giác ngồi thoải mái. Bạn sẽ cần phải suy nghĩ nếu muốn đồng hành cùng chiếc cào cào này trên cung đường dài.

Yên xe cao của Honda CRF150L mang đến cảm giác chòng chành cho người mới tiếp cận xe cào cào.

Ghi-đông cao là một điểm cộng khi đi off-road nhưng lại là điểm trừ nếu đi trên phố. Nếu điều khiển xe trong thời gian dài với ghi-đông này sẽ dễ gây mỏi tay.

Hệ thống giảm xóc upside-down phía trước làm khá tốt nhiệm vụ khi xe có thể lướt qua ổ gà hay gờ giảm tốc một cách êm ái. Tuy nhiên, do là giảm xóc ''hạng nặng'' nên những chướng ngại vật nhỏ sẽ không đủ lực để làm giảm xóc hoạt động và toàn bộ lực được truyền lên đôi tay của người điều khiển.

Nếu giảm xóc trước làm khá tốt nhiệm vụ thì giảm xóc phía sau tệ hơn đôi chút. Loại giảm xóc Pro-link được Honda giới thiệu là giảm tối đa xung lực lên khung sườn xe. Thực tế sử dụng, phần xung lực xuất hiện nhiều ở phần hông và lưng khi xe di chuyển.

Mỗi khi qua ổ gà, phần bánh trước khá êm nhưng đến bánh sau lại bị chấn động mạnh. Với giảm xóc sau kiểu này, chiếc xe tiếp tục không hợp để chạy phố. Trên đường địa hình, với kiểu điều khiển xe đứng, hai giảm xóc có hành trình dài giúp việc leo trèo không mấy khó khăn.

Động cơ của CRF150L cho nước đề khá tốt nhưng đến vận tốc hơn 70 km/h thì xe có hiện tượng rung và đảo.

Động cơ của CRF150L cho nước đề khá tốt, thích hợp cho những cú bức tốc ở cự ly ngắn hoặc vượt xe khi cần thiết. Tuy nhiên, khi lên đến vận tốc hơn 70 km/h thì xe có hiện tượng bị rung và đảo. Điều này hoàn toàn hợp lý vì bản chất cào cào không sinh ra để chạy tốc độ. Bộ lốp gai ít bám đường ở tốc độ cao và trọng tâm xe cao là nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Nếu bạn thay bộ lốp gai bằng bộ lốp on-road thì hiện tượng này sẽ được khắc phục phần nào.

Kết luận

Honda CRF150L là một chiếc cào cào cho người mới bắt đầu chơi xe địa hình, có thể ''xơi gọn'' những cung đường off-road với kỹ năng tốt của người lái và những trang bị đủ dùng trên xe. Tuy nhiên, CRF150L chỉ thích hợp cho đường off-road thuần túy hoặc chạy phố với khoảng cách gần.

Nếu bạn muốn mua một chiếc CRF150L để đi phượt on-road thì nên cân nhắc lại các mẫu xe underbone ''nhẹ nhàng'' hơn. Tất nhiên với những ai yêu thích kiểu dáng cào cào của chiếc xe này, thì thay đổi một bộ lốp chạy phố cũng sẽ phần nào giúp xe êm ái hơn và dễ chịu hơn khi sử dụng hàng ngày.

Về giá cả, Honda CRF150L cũng ''dễ thở'' hơn hai đối thủ đến từ Kawasaki. Hiện tại, CRF150L đang được các đại lý tư nhân rao bán trong khoảng 72-75 triệu đồng. Trong khi đó, Kawasaki KLX 150 và D-Tracker 150 đều có giá trên 79 triệu đồng.

Thượng Tâm

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/danh-gia-honda-crf150l-cao-cao-cho-nguoi-moi-khong-danh-cho-di-pho-post949225.html