Đánh giá học sinh trước áp lực thành tích: Liệu có khách quan?

Chỉ ra việc kiểm tra hiện nay mới chỉ đòi hỏi kỹ năng giải bài tập, chưa đòi hỏi học sinh phải vận dụng, thực hành kiến thức, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới (CTGDPT) cho rằng nếu không đổi mới kiểm tra đánh giá thì đổi mới giáo dục rất khó. Thầy cô sẽ nhồi nhét, chỉ dạy học sinh phần để thi. Do đó, cần phải đổi mới mục tiêu đánh giá, không chỉ phân loại học sinh, mà còn phải xác định mức độ đáp ứng được các yếu tố cần đạt trong chương trình.

Còn nhiều băn khoăn trước việc đánh giá học sinh hiện nay.

Loay hoay đánh giá

Tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Nghị quyết 29, Bộ GDĐT cho biết, hiện nay cấp tiểu học thực hiện quy chế đánh giá năng lực người học. Cấp THCS và THPT vẫn thực hiện quy chế đánh giá kết quả học tập; chương trình học tập là các môn học riêng nhưng lại tổ chức các bài thi tổng hợp; giáo dục phổ thông chuyển sang định hướng đánh giá năng lực, trong khi giáo dục đại học (ĐH) vẫn đánh giá kết quả học tập theo niên chế kết hợp học phần.

Cụ thể, ở bậc tiểu học, việc triển khai Thông tư 30 và sau đó là điều chỉnh bằng Thông tư 22, với tinh thần khích lệ giúp học sinh tự tin trong học tập; kết hợp điểm số và nhận xét, tăng cường “định tính” trong đánh giá thường xuyên.

Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về việc chấm điểm học sinh tiểu học trong đánh giá thường xuyên, nhưng trên thực tế, ở một số trường, lớp, cô giáo vẫn giao bài tập về nhà cho học sinh, điều đáng lẽ không được tồn tại vì Bộ GDĐT quy định không giao bài tập về nhà cho học sinh cấp học này, và chấm điểm công khai bằng mực đỏ.

Ví dụ này cho thấy việc đổi mới đánh giá học sinh tuy đã có những cải tiến về mặt kỹ thuật nhưng xuất phát từ áp lực của giáo viên về tỉ lệ học sinh khá giỏi, đỗ trượt, lên lớp hay lưu ban, xuất phát từ kỳ vọng của các bậc phụ huynh đối với con của mình… nên việc đánh giá học sinh theo thông tư 22 vẫn chưa được thực hiện triệt để.

Tương tự, với các cấp học khác, mặc dù đã có các văn bản quy định việc đánh giá cần hướng tới sự phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; coi trọng sự tiến bộ của mỗi học sinh; chú trọng đánh giá thường xuyên, đa dạng hóa các hình thức và công cụ đánh giá nhưng nhìn chung, vẫn chưa đạt được như mong muốn.

Riêng ở bậc THPT với sự thay thế của kỳ thi THPT quốc gia, đảm nhiệm vai trò của 2 kỳ thi trước đó là thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ được đánh giá có nhiều ưu điểm nhưng cũng có nhiều nhược điểm cần khắc phục.

Đổi mới phương pháp dạy học

Đối với CTGDPT, GS Nguyễn Minh Thuyết đặt ra vấn đề đổi mới phương pháp dạy học. Theo ông, thầy cô cần tổ chức hoạt động cho học sinh, đồng thời đóng vai trò người hướng dẫn trẻ tự học. Việc đổi mới phương pháp này phải đi kèm với đổi mới kiểm tra, đánh giá. Cụ thể là đổi mới mục tiêu đánh giá: “Chúng ta không chỉ phân loại học sinh, mà còn phải xác định mức độ đáp ứng được các yếu tố cần đạt trong chương trình. Từ đó, điều chỉnh cách dạy và chương trình để cho học sinh học tốt hơn. Nói theo toán học thì là xác định tọa độ của học sinh trên sơ đồ phát triển” – GS Thuyết nói.

Theo GS. TS Đỗ Ngọc Thống- Chủ biên môn Ngữ văn: Môn Ngữ văn mới mở độ rộng cho giáo viên tự chủ, tự chọn, tự sáng tạo. Để ứng với chuyện chương trình mở như thế, yếu tố quan trọng nhất chính là chuẩn chương trình và yêu cầu cần đạt được của chương trình chứ không căn cứ vào bất cứ sách giáo khoa (SGK) nào. Người ra đề sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt để chọn những văn bản phù hợp, có thể không có trong SGK. Ông Thống cho rằng, giáo viên cần dạy cho học sinh cách đọc văn bản. Như vậy, hoàn toàn có thể đo được năng lực vận dụng thực hành từ các lí thuyết đã được học để giải quyết một tình huống mới.

Tương tự, ông Mai Sĩ Tuấn- Chủ biên môn Khoa học tự nhiên nhấn mạnh xu hướng trên thế giới là chuyển từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực. “Chúng ta nhấn mạnh phát triển năng lực thì phải trả lời câu hỏi học sinh học xong thì làm được gì chứ không phải là học được gì” – ông Tuấn nêu.

Chia sẻ thêm, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, hình thức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ nay đến năm 2020 được giữ ổn định như hiện nay. Tuy nhiên, khi áp dụng CTGDPT, việc thi cử sẽ thay đổi.

Liên quan tới vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội băn khoăn, mặc dù trong các văn bản triển khai CTGDPT mới đều nhấn mạnh đến việc đổi mới đánh giá người học nhưng đổi mới cụ thể ra sao thì vẫn chưa có phương án chính thức. Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế thì áp lực thành tích hiện nay vẫn đang đè nặng lên người giáo viên.

Trong các bài trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm 2019, Bộ trưởng Bộ GDĐT tiếp tục khẳng định sẽ trả lại cho giáo viên thời gian làm việc chuyên môn bằng việc rà soát cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa hồ sơ, sổ sách cho giáo viên và tiếp tục cắt giảm các cuộc thi, hội thi thiếu thiết thực và hiệu quả.

Quan điểm chỉ đạo, quản lý đã rõ, nhưng để thực sự giảm áp lực phải có hướng dẫn cụ thể hơn, và là chuyện có thực sự giảm áp lực hay không từ mỗi địa phương, cơ sở. Bởi nếu chỉ dừng lại ở quan điểm chỉ đạo, thì giáo viên không thể hoàn toàn bớt những “gánh nặng” đã được nhìn thấy lâu nay.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/danh-gia-hoc-sinh-truoc-ap-luc-thanh-tich-lieu-co-khach-quan-tintuc427744