Đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý: Cơ hội cải tiến hướng đến phát triển bền vững cho DN

Các doanh nghiệp rất cần đánh giá môi trường bên trong và bên ngoài để nhận diện rõ những cơ hội và thách thức của mình để duy trì sự tăng trưởng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý, xác định cơ hội cải tiến hướng đến sự phát triển bền vững cho DN

Có thể nói, hầu hết các doanh nghiệp ở mọi quốc gia thuộc mọi loại hình đều quan tâm đến chất lượng và đều có những nhận thức mới, đúng đắn về chất lượng. Sự thắng bại trong cuộc chạy đua đường dài vì chất lượng, phần thắng chắc chắn thuộc về những quốc gia và doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh đúng đắn, trong đó có chiến lược vì chất lượng.

Đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý đang được doanh nghiệp thực hiện nhằm tìm ra lỗ hổng và có biện pháp cải tiến.

Đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý đang được doanh nghiệp thực hiện nhằm tìm ra lỗ hổng và có biện pháp cải tiến.

Các quốc gia, tổ chức quốc gia, khu vực và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực chất lượng đang nỗ lực xây dựng và ngày càng hoàn thiện các mô hình, công cụ và hệ thống quản lý tiên tiến như ISO 9001, ISO 14001, ISO 22000, ISO 27001, ISO 50001, ISO 31000, ISO/IEC 17025, TQM, HACCP, GMP, 5S, Kaizen, 7 công cụ thống kê, Thẻ điểm cân bằng (Balanced scorecard), Six Sigma… để giúp các doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới, không phân biệt loại hình doanh nghiệp, quy mô và lĩnh vực hoạt động, có thể áp dụng vào hoạt động sản xuất, Kinh doanh của mình nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới vì một mục tiêu "Chất lượng được thừa nhận trên quy mô quốc tế và khu vực". Tuy nhiên, đối với các nhà quản trị doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu quản lý doanh nghiệp làm thế nào đánh giá được hiệu quả của việc áp dụng các hệ thống quản lý mới là vấn đề quan trọng.

Hiệu quả hoạt động và thành công của doanh nghiệp là hai trọng tâm hoạt động quản lý của bất kỳ doanh nghiệp nào. Trong thực tế, nguồn lực của một doanh nghiệp (cả hữu hình hay vô hình), đều có thể phân biệt được mức độ hiệu quả hoạt động trong so sánh với doanh nghiệp khác.

Vấn đề luôn được đặt ra là các nhân tố thành công chính nào có thể nâng cao khả năng thực thi các chiến lược hoạt động của doanh nghiệp nhằm gia tăng giá trị và lợi thế cạnh tranh. Trong môi trường kinh doanh luôn biến động như hiện nay, sự cải tiến và xây dựng các nguồn nội lực có vai trò quyết định đối với sự cạnh tranh của doanh nghiệp trong phạm vi ngành, quốc gia, khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp rất cần đánh giá môi trường bên trong và bên ngoài để nhận diện rõ những cơ hội và thách thức của mình để duy trì sự tăng trưởng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cần phải được tiếp cận một cách toàn diện

Hiệu quả hoạt động được hiểu là các kết quả đặc biệt đạt được trong một lĩnh vực nhất định, thể hiện chất lượng của việc điều chỉnh linh hoạt các chiến lược sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Hoạt động đánh giá được sử dụng thường xuyên trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và điều hành doanh nghiệp. Đó được xem là chỉ số quan trọng nhất để thay đổi hiệu quả hoạt động và xác định những điểm mạnh/yếu và cơ hội cải tiến của doanh nghiệp. Hoạt động đánh giá cũng có thể được sử dụng để so sánh doanh nghiệp trong ngành, lĩnh vực hoặc làm cơ sở cho việc thực hiện chuẩn so sánh (benchmarking) so với đối thủ cạnh tranh và những chuẩn mực, tiêu chí hiện đại được sử dụng rộng rãi trên thế giới (ví dụ như Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Hoa Kỳ, Giải thưởng Chất lượng châu Âu, TQM).

Kết quả của hoạt động đánh giá tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp, củng cố tinh thần, hỗ trợ thành công hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thậm chí là được thừa nhận, tôn vinh và khen thưởng xứng đáng. Khi kết quả đánh giá doanh nghiệp được chia sẻ với khách hàng, nhà cung cấp và đối tác thì các kết quả này có một tác động mạnh mẽ, thúc đẩy toàn bộ doanh nghiệp và các bên có quyền lợi liên quan tiếp tục nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, hoàn thiện quá trình quản lý và củng cố kết quả đầu ra của hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.

Tóm lại, hoạt động đánh giá giúp doanh nghiệp xác định rõ các lỗ hổng về quản lý, đưa ra các ưu tiên cần thực hiện, thiết lập tầm nhìn, hoạch định chiến lược và kế hoạch hành động cho doanh nghiệp. Bằng việc chỉ ra những vấn đề, điểm yếu trong hệ thống quản lý hoặc những nút nghẽn trong hiệu quả hoạt động, hoạt động đánh giá là công cụ quan trọng nhất để xác định các cơ hội cải tiến, hướng đến sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Phùng Mạnh Trường (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/danh-gia-hieu-qua-hoat-dong-quan-ly-co-hoi-cai-tien-huong-den-su-phat-trien-ben-vung-cho-dn-d167086.html