Đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII

Chiều nay (10/1), tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (Keidanren) tổ chức cuộc họp đánh giá giữa kỳ Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII.

Sau 5 năm thực hiện thành công các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam đã thu được những thành tựu quan trọng. Theo đánh giá của WorldBank tại Báo cáo môi trường kinh doanh (Doing Business 2019), tổng điểm môi trường kinh doanh Việt Nam đạt được tăng so với năm 2018, đứng vị trí 69/190 nền kinh tế. Diễn đàn kinh tế thế giới WEF năm 2018 cũng xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam đứng thứ 55/137 nước, tăng 5 bậc so với năm 2017 và 20 bậc so với cách đây 5 năm.

Bên cạnh nỗ lực từ phía Chính phủ Việt Nam, không thể không nhắc đến đóng góp của các người bạn Nhật Bản, mà cụ thể là Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong việc đề xuất các ý kiến nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giai đoạn VII sẽ được thực hiện trong 17 tháng (từ tháng 8 năm 2018 đến cuối năm 2019) gồm 9 nhóm vấn đề:

(1) Những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh;

(2) Cải thiện cơ chế tư pháp;

(3) Luật Đất đai;

(4) Cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải cách thị trường chứng khoán;

(5) Phát triển công nghiệp hỗ trợ;

(6) Lao động – Tiền lương;

(7) Khung chính sách về PPP;

(8) Hoàn thiện hệ thống pháp luật về xây dựng đường ống dẫn khí trong vùng đô thị và vùng ven đô và

(9) Dịch vụ với 63 tiểu hạng mục. Trong thời gian vừa qua, các nhóm công tác đã rất tích cực làm việc để thực hiện Kế hoạch hành động của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VII.

Mối quan hệ “đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng châu Á” giữa Việt Nam – Nhật Bản đã bước sang năm thứ 46, trong đó Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản cũng được thực hiện qua hơn 15 năm và đang bước vào giai đoạn VII.

Sáng kiến chung đã có tác động to lớn và nhiều mặt, được cộng đồng các nhà đầu tư đánh giá là kênh đối thoại chính sách hiệu quả nhất trong số các diễn đàn đối thoại, hợp tác của Chính phủ Việt Nam. Trong 6 giai đoạn qua, trong tổng số 473 tiểu hạng mục trong Kế hoạch hành động thì 386 tiểu hạng mục được triển khai tốt và đúng tiến độ, chiếm 82% tổng số hạng mục cam kết.

Tại cuộc họp đánh giá giữa kỳ, các nhóm công tác Việt Nam – Nhật Bản đã cùng rà soát các nhóm vấn đề, đánh giá những việc đã làm được và thảo luận các đề xuất của hai phía nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản. Các Bộ, ngành phía Việt Nam đã rất nỗ lực, phối hợp với phía Nhật Bản thực hiện tốt các nội dung cam kết trong Kế hoạch hành động.

Phát biểu tại Buổi làm việc, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cụ Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động không thuận lợi, việc cam kết thực hiện Sáng kiến chung chứng tỏ sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi và ban hành trong khuôn khổ hoạt động của Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản. Nhiều khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đã được các bộ, ngành liên quan tiếp thu hoặc ghi nhận, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách, cũng như tổ chức thực thi.

Thời gian tới, hai Bên sẽ tiếp tục nỗ lực hợp tác và tích cực triển khai đúng các cam kết trong nội dung Kế hoạch hành động để mang đến thành công của giai đoạn VII nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung của cả cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.

Những nỗ lực về cải cách, đổi mới của Chính phủ thời gian qua được thực hiện thống nhất, xuyên suốt trong các cấp chính quyền và đã tạo những kết quả đáng kể. Lũy kế tính đến cuối năm 2018, Việt Nam đã thu hút được 27.353 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 191,4 tỷ USD, bằng 56,2% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Riêng năm 2018, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017 và cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, đầu tư từ Nhật Bản lũy kế đến năm 2018 đạt hơn 57 tỷ USD với 3.996 dự án, đứng thứ hai trên tổng số 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Tính riêng năm 2017, 2018, đầu tư Nhật Bản chiếm vị trí 1.

Anh Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/danh-gia-giua-ky-sang-kien-chung-viet-nam---nhat-ban-giai-doan-vii-d93883.html