Đánh giá đề tài qua sự sáng tạo của học sinh

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại về những kiến nghị của một số phụ huynh cho rằng, các đề tài đoạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2018 - 2019 khu vực phía Bắc chưa thực sự thuyết phục, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ sẽ thành lập Hội đồng Thẩm định độc lập để đánh giá sự đóng góp của học sinh trong vấn đề nghiên cứu và sẽ đưa ra kết luận.

Thí sinh tự tin trình bày các dự án tại VISEF 2019. Ảnh: TG

Thí sinh tự tin trình bày các dự án tại VISEF 2019. Ảnh: TG

Ông Thành cho biết: Các cuộc thi ở khu vực phía Bắc và phía Nam đều phải tuân thủ Quy chế thi theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. BGK thực hiện chấm thi theo thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, có sự giám sát của thanh tra ở tất cả các khâu. Các dự án tham gia thi được chia thành các nhóm lĩnh vực, bao gồm các đề tài thuộc các lĩnh vực gần nhau, do một tiểu ban giám khảo chấm.

Mỗi dự án đều được chấm qua hai phần: Chấm trên báo cáo tóm tắt và qua phỏng vấn thi sinh tại gian trưng bày của từng dự án. Ở mỗi phần chấm, các giám khảo bốc thăm các dự án, mỗi dự án sẽ được 5 giám khảo/phần chấm độc lập theo các tiêu chí đã quy định trong thông tư hướng dẫn. Đây cũng là các tiêu chí chấm của cuộc thi quốc tế. Điểm của từng phần là điểm trung bình do 5 giám khảo chấm độc lập.

Theo tiêu chí đánh giá, Ban giám khảo chú trọng về mục tiêu của dự án, sự đóng góp của dự án vào lĩnh vực nghiên cứu, vấn đề đặt ra có kiểm chứng được bằng các phương pháp khoa học không. Báo cáo và poster cần thể hiện rõ kế hoạch, phương pháp nghiên cứu của học sinh, dựa trên kiến thức, cơ sở khoa học nào, quá trình thực hiện ra sao; quá trình thu thập, xử lý, đánh giá dữ liệu như thế nào, có khách quan không; cách tính toán, xử lý có khoa học không. Cách trình bày poster cũng được tính điểm.

Ngoài ra, phần hỏi đáp trực tiếp với học sinh cũng được chấm 25 điểm, với mục tiêu đánh giá vai trò và sự sáng tạo của học sinh trong việc phát hiện vấn đề, trong phương pháp nghiên cứu, đánh giá, rút ra kết luận.

Việc chấm các dự án đều dựa trên các tiêu chí chung: Phải đặt ra vấn đề cụ thể, rõ ràng, xuất phát từ thực tế khoa học hoặc nhu cầu thực tiễn; với dự án khoa học phải có thiết kế rõ ràng, thông số, biến số cụ thể, chính xác, thể hiện rõ cách thực hiện; với dự án kỹ thuật cần có thiết kế cụ thể, thuyết minh được dụng cụ đó đáp ứng nhu cầu thực tế như thế nào.

Về quá trình thực hiện: Với dự án khoa học, cần làm rõ sử dụng thí nghiệm gì, dụng cụ gì để có kết quả cuối cùng. Với dự án kỹ thuật, phải thực hiện được mẫu đã thiết kế để chứng minh thiết kế của các em có thể hoạt động được trong thực tế.

Theo ông Thành, cũng như hầu hết các nghiên cứu khoa học khác, nghiên cứu của các em không phải là nghiên cứu độc lập mà thường có sự kế thừa từ các nghiên cứu trong cùng lĩnh vực đã được thực hiện trước đó. Điều quan trọng là, các em phải phát hiện ra những “khe hở” mà các nghiên cứu trước chưa giải quyết được để tập trung giải quyết các vấn đề này. Như vậy, dù các em có thể nghiên cứu cùng một vấn đề của các nghiên cứu trước đó, nhưng có sáng tạo trong phát hiện vấn đề cần giải quyết, cách đưa ra giải pháp khác nhau, thì đó chính là đóng góp mới.

Như vậy, các dự án cần phải thể hiện được sự đóng góp của học sinh vào nghiên cứu, giải quyết các vấn đề khoa học hoặc thực tiễn. Đánh giá các dự án phải đánh giá phân tích yêu cầu khoa học, nhu cầu thực tế và sự sáng tạo của học sinh.

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/danh-gia-de-tai-qua-su-sang-tao-cua-hoc-sinh-3989239-b.html