Đánh giá cụ thể tính khả thi quy định về điều tra thuế trong Luật quản lý thuế sửa đổi

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc sửa đổi toàn diện Luật Quản lý thuế để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong tình hình hiện nay là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đươc nêu trong thông báo số 2231/TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, bổ sung đánh giá tác động về một số vấn đề có liên quan, bảo đảm tính khả thi, tính cụ thể và tính thống nhất của dự án Luật.

Cụ thể, làm rõ những điểm mới, có tính đột phá trong việc sửa đổi toàn diện dự án Luật lần này để xử lý, khắc phục tối đa những tồn tại trước đây về tình trạng chuyển giá, nợ đọng thuế, hoàn thuế; hạn chế dần sự can thiệp trực tiếp của cán bộ quản lý thu thuế vào những khâu trong quá trình quản lý thu thuế; dễ xảy ra tình trạng móc ngoặc, thông đồng giữa người nộp thuế và cán bộ quản lý thuế, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, quản lý thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử…

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ảnh: quochoi.vn)

Đồng thời, bổ sung đánh giá tác động của việc mở rộng phạm vi của dự thảo Luật, nhất là khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước nhưng không do cơ quan quản lý thuế thu; làm rõ về trình tự, thủ tục quản lý đối với các khoản thu này.

Rà soát lại các vấn đề liên quan đến trình tự quản lý thu thuế, nhất là vấn đề về khoanh nợ, xóa nợ, xử phạt hành chính thuế; áp dụng biện pháp quản lý rủi ro; mối quan hệ với hệ thống các ngân hàng thương mại và các nội dung quy định tại điều cấm... để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong quản lý thuế và góp phần cải cách thủ tục hành chính thuế.

Rà soát lại nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước liên quan đến công tác quản lý thuế, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, ngành có liên quan đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan, tránh xung đột pháp luật.

“Cân nhắc thêm về nội dung về điều tra thuế, nếu Chính phủ thấy cần thiết để Quốc hội xem xét thì phải bổ sung vào dự thảo Luật một chương riêng và có đánh giá cụ thể bảo đảm tính khả thi, có sức thuyết phục về nội dung này trong Tờ trình”, thông báo nêu rõ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ tiếp thu đầy đủ ý kiến, hoàn chỉnh hồ sơ; giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

H.L

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/danh-gia-cu-the-tinh-kha-thi-quy-dinh-ve-dieu-tra-thue-trong-luat-quan-ly-thue-sua-doi-123045.html