Đánh giá Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 khu vực phía Nam

Thời gian qua, Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền ở các địa phương và sự tham gia đồng thuận, ủng hộ của doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) và người dân, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong triển khai, phát triển OCOP của nhiều địa phương, trong đó có An Giang.

Trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3sao

Theo đó, đến tháng 10-2020, đã có 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức đánh giá, phân hạng các sản phẩm. Đã có 2.169 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên, đạt 90,4% mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2018-2020. Về cơ cấu sản phẩm được phân hạng có 1.405 sản phẩm đạt 3 sao, 716 sản phẩm đạt 4 sao và 48 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Riêng khu vực miền Nam có 11/19 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng chỉ chiếm 18,07% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước. Khu vực ĐBSCL có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước (375 sản phẩm, chiếm 17,3%), trong đó sản phẩm đạt 3 sao chiếm gần 62,7% và 33% sản phẩm 4 sao. Sản phẩm OCOP của vùng chủ yếu là thực phẩm với 84,5% (cao hơn bình quân chung của cả nước là 82,3%).

Ở An Giang đã ban hành Đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 3-7-2019. Đến nay, tỉnh có 37 sản phẩm được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao đến từ 28 chủ thể (12 hộ sản xuất - kinh doanh, 13 DN, 3 HTX). Có 5 sản phẩm đặc trưng của tỉnh (gạo và đường thốt nốt) có tiềm năng đạt OCOP 5 sao đang đề nghị Trung ương đánh giá công nhận cho 2 DN.

Thời gian qua, tỉnh đã tích cực hỗ trợ nâng cấp, cải tiến mẫu mã, chất lượng cho các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sao; hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá các sản phẩm với nhiều hoạt động khác nhau. Đây là động lực cho các chủ thể kinh tế đẩy mạnh phát triển sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho lao động địa phương.

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (DN, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Bao bì mẫu mã sản phẩm OCOP là yếu tố quan trọng góp phần khẳng định thương hiệu, giá trị sản phẩm OCP

Chiều 16-11, tại Hội trường UBND tỉnh An Giang, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị Đánh giá Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018 - 2020 khu vực phía Nam. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam; Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Nguyễn Minh Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chủ trì hội nghị.

Có thể nói, Chương trình OCOP ở An Giang thời gian qua được sự quan tâm, ủng hộ mạnh mẽ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, đặc biệt sự tham gia thường xuyên của lãnh đạo Sở NN&PTNT nên bước đầu đã có sự vào cuộc của hệ thống chính trị tham gia chỉ đạo thực hiện chương trình (có 10/11 huyện, thị xã, thành phố có sản phẩm tham gia). Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh: “Hướng đến mục tiêu “ly nông không ly hương”, hệ thống chỉ đạo, vận hành thực hiện chương trình phải mang tính hệ thống xuyên suốt từ Trung ương đến tận cơ sở để phát huy hiệu quả việc huy động nguồn lực sẵn có; đồng thời xác định, sản phẩm chương trình OCOP cần: tinh khiết, đặc thù về nguyên liệu; tinh xảo về kỹ nghệ, công nghệ để làm bước đột phá; đặc biệt là sự tinh túy trong thiết kế bao bì, mẫu mã, đóng gói sản phẩm (thể hiện nét văn hóa đặc trưng của địa phương, vùng, miền). Vì vậy, chương trình OCOP thời gian tới cần tăng cường lồng ghép các chính sách hỗ trợ hiệu quả để hoàn thiện và phát triển sản phẩm; cũng như rà soát, nâng cấp các sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao”.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 nhằm tập trung phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiệu quả và bền vững, đặc biệt là phát huy nội lực, thúc đẩy nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập của người dân, góp phần xây dựng NTM. Đồng thời, nhấn mạnh 4 yếu tố cơ bản cần quan tâm khi thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm là: vùng nguyên liệu tại địa phương (đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc); sử dụng lao động phải là lao động địa phương; các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và chỉ dẫn địa lý (bao bì, nhãn mác); đặc biệt phát triển sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch...

PHƯƠNG LAN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/danh-gia-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-giai-doan-2018-2020-khu-vuc-phia-nam-a290126.html