Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Từng bước củng cố, đảm bảo bền vững tài khóa

Sáng ngày 3/10, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo 'Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng'. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Giám đốc WB tại Việt Nam Ousmane Dione chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, cho biết, mục tiêu của việc xây dựng Báo cáo nhằm giúp Chính phủ Việt Nam có thêm căn cứ để xây dựng chính sách tài khóa cũng như chương trình hành động đúng đắn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt là nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn liền với chính sách giảm nghèo và hội nhập quốc tế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính nhận định, trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện chính sách thu, chi, bội chi và quản lý nợ công của Việt Nam gắn với thực tiễn kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015, Báo cáo đã nêu rõ xu thế thu, chi, vay nợ của NSNN thời gian qua, cũng như đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, thách thức đặt ra đối với công tác điều hành tài khóa, từ đó đưa ra những khuyến nghị mang tính định hướng trong việc củng cố tài khóa, cải cách chính sách và quản lý tài chính công theo lộ trình.

Nhằm đảm bảo bền vững tài khóa, Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và đưa mức bội chi ngân sách cho cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5% GDP. Để đạt được những mục tiêu này, cần phải có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tăng cường huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, quản lý công và giám sát rủi ro tài khóa một cách chủ động hơn, cả ở trung ương và địa phương. Báo cáo đánh giá này đã đưa ra được các khuyến nghị rất cụ thể về các lựa chọn chính sách để thực hiện mục tiêu này.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo là kết quả đánh giá chi tiêu công phối hợp đầu tiên sau hơn 10 năm, báo cáo gồm 15 chương, trong đó 5 chương liên ngành, 5 chương chuyên ngành (chiếm gần 50% tổng chi NSNN), 5 địa phương và một đánh giá tổng quan gồm các nhận định, khuyến nghị bao trùm tất cả các chương.

Đồng thời, Báo cáo cũng đưa ra 68 khuyến nghị chính bao gồm các biện pháp chính sách có thể cân nhắc cho một chương trình củng cố tài khóa, đảm bảo bền vững tài khóa nhưng ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; định hướng cơ cấu lại ngân sách ở mức độ nhất định cho phù hợp, bao gồm phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương, giữa đầu tư và thường xuyên, giữa các lĩnh vực trong một ngành…

Là cơ quan tham gia phối hợp thực hiện Báo cáo đánh giá này, ông Ousmane Dione - Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đang đứng trước những lựa chọn về chính sách tài khóa quan trọng, do đó, Báo cáo này sẽ cung cấp những phân tích thiết thực cho Chính phủ Việt Nam hoạch định chính sách tài chính - ngân sách trong giai đoạn tới để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo ra đời vào thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn về tài khóa, một phần do quá tình chuyển đổi, phát triển của Việt Nam, chi tiêu công tiếp tục tăng lên, trong khi nhu cầu về chất lượng dịch vụ công ngày càng tăng, nhu cầu hạ tầng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo tăng lên.

Ông Ousmane Dione khuyến nghị, đối với Việt Nam, điều quan trọng là đảm bảo năng lực đánh giá của Chính phủ được duy trì, bao gồm thông qua quá trình phối hợp giữa các bên trong việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của đánh giá này. Để đạt được chỉ tiêu về bội chi, thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường huy động thu,tái cơ cấu nguồn thu, nâng cao hiệu suất chi tiêu… Nhằm từng bước củng cố tình hình tài khóa đồng thời đảm bảo dư địa tài khóa đáp ứng nhu cầu chi tiêu, bên cạnh đó tái cơ cấu phân bổ ngân sách giữa Trung ương và địa hương, giữa các ngành, lĩnh vực. Hy vọng đánh giá chi tiêu công lần này được thực hiện sau 10 năm sẽ tạo nền tảng hữu ích để Chính phủ Việt Nam tiếp tục xây dựng kế hoạch chính sách tài khóa trung hạn đạt hiệu quả hơn.

Báo cáo đưa ra 68 khuyến nghị chính bao gồm các biện pháp chính sách có thể cân nhắc cho một chương trình củng cố tài khóa, đảm bảo bền vững tài khóa.

Chia sẻ về những nội dung về “Tạo dư địa tài khóa và quản lý rủi ro tài khóa, ông Nguyễn Minh Tân- Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, sự nghiệp đổi mới bắt đầu từ năm 1986 đã thành công trong việc chuyển đổi Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành quốc gia thu nhập trung bình ở ngưỡng thấp. Thu nhập bình quân theo đầu người tăng trên hai lần trong giai đoạn từ 2000 đến năm 2014, đưa Việt Nam thành một nền kinh tế phát triển nhanh nhất và có thành tích xóa đói giảm nghèo ấn tượng nhất.

Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trên cơ sở các chính sách tài chính – ngân sách nhằm hỗ trợ tăng trưởng và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô lành mạnh, đóng vai trò quan trọng trong quá trình này. Về quản lý tài chính công, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều bước tiến lớn, bao gồm: Thiết lập và duy trì được kỷ cương ngân sách ở mức nền tảng cơ bản; Tiến hành phân cấp quản lý tài chính công sâu rộng, tăng quyền lực tự chủ cho chính quyền các cấp cũng như các đơn vị sử dụng ngân sách; Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình tài khóa trên cơ sở phối hợp tốt hơn giữa cơ quan nhà nước.

Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã trình bày các tham luận như: Ông Đinh Lâm Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày tham luận về “Cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực công phục vụ tăng trưởng bền vững và phát triển công bằng”; bà Vũ Hoàng Quyên, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới chia sẻ những nội dung về Tổng hợp kết quả đánh giá chi tiêu công tại các địa phương lựa chọn và khuyến nghị chính sách”…

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/su-kien-noi-bat/su-kien-tai-chinh/danh-gia-chi-tieu-cong-viet-nam-tung-buoc-cung-co-dam-bao-ben-vung-tai-khoa-123570.html