ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ THỰC CHẤT, ĐA CHIỀU

Tại Hội nghị Trung ương 10, khóa XII, cho ý kiến chỉ đạo về việc chuẩn bị đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, một trong những vấn đề được Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao, đó là: Công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy phải thực hiện theo đúng điều lệ, quy chế, quy định của Đảng; lựa chọn, giới thiệu và bầu được những đồng chí thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Do đó, để lựa chọn được những đồng chí thực sự xứng đáng, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng trong giai đoạn mới, thì công tác đánh giá cán bộ cần được cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, theo hướng liên tục, xuyên suốt, đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể, thông qua khảo sát, gắn đánh giá cá nhân với kết quả của tập thể, địa phương, đơn vị. Đánh giá không chỉ từ trên xuống mà còn từ dưới lên; đánh giá liên tục hằng tháng, hằng quý.

Công tác đánh giá cán bộ trong những năm gần đây của cấp ủy đảng các cấp có nhiều đổi mới và thực hiện theo quy trình chặt chẽ. Tuy nhiên, việc đánh giá cán bộ vẫn là một khâu khó và chậm được khắc phục. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, khóa XII về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã chỉ rõ: Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi, hoặc định kiến, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cần nghiêm túc nhìn nhận lại trong công tác cán bộ, nhất là việc đánh giá cán bộ.

 Ảnh minh họa/ TTXVN.

Ảnh minh họa/ TTXVN.

Thực tiễn cho thấy, khi việc đánh giá cán bộ bị chi phối vì sự cả nể, ngại va chạm, cảm tính cá nhân, bị ràng buộc bởi các quan hệ lợi ích, thì tất yếu sẽ dẫn đến việc bố trí, sử dụng cán bộ không đúng, làm suy giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống công vụ. Do đó, việc đánh giá cán bộ đa chiều là giải pháp hữu hiệu, góp phần nâng cao hiệu quả công vụ.

Để công tác đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể, thực sự hiệu quả, cần phát huy tinh thần, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là của các cấp ủy, tổ chức đảng trong việc phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện theo chức danh, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có sản phẩm cụ thể, có triển vọng phát triển.

Cần mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát của hội đồng nhân dân các cấp; vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội; phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Đặc biệt, cần nghiên cứu mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp.

Với cách làm trên, chúng ta kỳ vọng sẽ góp phần làm thay đổi về chất trong công tác đánh giá cán bộ, từ đó lựa chọn cho Đảng những cán bộ ưu tú về cả phẩm chất và năng lực, thực sự là “công bộc của dân”, đồng thời giúp ngăn chặn những trường hợp chạy chức, chạy quyền, cục bộ, hẹp hòi, nâng đỡ cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất vào bộ máy công quyền.

DUY THÀNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/danh-gia-can-bo-thuc-chat-da-chieu-575932