Đánh giá cán bộ phải công tâm, khách quan

Sáng 22-12, tại TP Vũng Tàu, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức khai mạc Hội thảo 'Công tác đánh giá cán bộ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn' với sự tham dự của các đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học đến từ 22 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Hội thảo “Công tác đánh giá cán bộ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Hội thảo “Công tác đánh giá cán bộ - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”

Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, đánh giá cán bộ là vấn đề rất hệ trọng, ảnh hưởng đến tất cả các khâu trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ đảm bảo việc sử dụng đúng người, đúng việc nhằm củng cố thêm sức mạnh, tinh thần đoàn kết góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Ngược lại, đánh giá sai cán bộ không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân cán bộ mà còn làm giảm uy tín và hiệu quả công tác của địa phương, cơ quan đơn vị.

Đánh giá cán bộ một cách toàn diện và thực chất là một việc khó, nhạy cảm, phức tạp bởi nó liên quan đến con người trong một quá trình vận động và xu thế phát triển, gắn với việc nhìn nhận thấu đáo môi trường, điều kiện khách quan. Do đó đòi hỏi phải có một hệ thống đánh giá cán bộ khoa học, khách quan, nhất là đội ngũ những người làm cán bộ phải công tâm, khách quan và luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành các nghị quyết, quy định quan trọng về công tác cán bộ và đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu qua nhiều nhiệm kỳ và chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức. Nghị quyết TW7 khóa XII đã nhận định “đánh giá cán bộ chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn nể nang, dễ dãi, định kiến”. Thực tiễn cho thấy, có những trường hợp cán bộ hạn chế về năng lực, phẩm chất, đạo đức, vi phạm khuyết điểm nhưng vẫn vượt qua các quy trình đánh giá để vào được cấp ủy. Điều này cho thấy vẫn còn nhiều lỗ hổng, thiếu chặt chẽ, khoa học trong công tác đánh giá cán bộ, dẫn đến những quyết định sai trong công tác cán bộ, nảy sinh hiện tượng “đúng quy trình song không đúng người”, mà một trong những hệ quả là nhiều cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng đã bị thi hành kỷ luật, gây ra những tổn thất về cán bộ, làm giảm uy tín của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM tham dự hội thảo

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh, cần“phải có con mắt tinh đời trong giới thiệu, đánh giá, lựa chọn nhân sự”, “đừng thấy đỏ tưởng chín, đừng để mã bên ngoài che đậy sơ sài bên trong”. Đánh giá cán bộ cần phải được thường xuyên nghiên cứu, tổng kết từ thực tiễn công tác cán bộ ở cả Trung ương và địa phương, tiếp thu những phương pháp khoa học trong và ngoài nước, mới có thể đề ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả, giúp cho Đảng ta lựa chọn được những cán bộ đủ phẩm chất, uy tín và năng lực để gánh vác trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Hội thảo nhằm tổng kết các vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác đánh giá cán bộ trong và ngoài nước; đồng thời cung cấp căn cứ khoa học cho việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh đối với từng ngạch lãnh đạo, quản lý ở từng cấp, cụ thể hóa bộ tiêu chí đánh giá cán bộ. Đây cũng là dịp để Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan thảo luận, tiếp thu những ý kiến quý báu, tìm hiểu những bất cập trong thực tiễn và đề xuất những giải pháp thiết thực cho công tác đánh giá cán bộ.

NÔNG NGÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/danh-gia-can-bo-phai-cong-tam-khach-quan-704505.html