Đánh giá camera LG G5: thêm ấn tượng nhờ camera góc rộng

Trong số những nhà sản xuất Android hàng đầu hiện nay, LG là hãng rất tích cực thử nghiệm và làm mới. Mỗi năm chiếc smartphone đầu bảng của hãng này đều được áp dụng nhiều công nghệ, tính năng mới lạ.

Trong những nét mới của chiếc LG G5, nổi bật nhất là thiết kế lắp ghép kiểu module và camera kép. Thực tế camera kép trên smartphone không phải là mới, nhưng LG G5 đã sáng tạo bằng cách sử dụng hai camera với hai tiêu cự khác nhau, đem tới các góc ảnh phù hợp cho nhiều chủ đề khác nhau. Dưới đây là một số ấn tượng của VnReview về hai máy ảnh trên LG G5. Sản phẩm trong bài viết là LG G5 phiên bản xách tay Hàn Quốc, được cung cấp bởi hệ thống Hoàng Hà Mobile.

Camera "chính" của G5 thực chất giống hệt camera trên LG G4, với độ phân giải 16MP, kích thước pixel 1.12μm, ống kính khẩu độ f/1.8 và góc nhìn khoảng 75 độ (tương đương tiêu cự 28mm trên máy fullframe). Tất cả những gì thú vị nằm ở camera "phụ" phía sau với độ phân giải 8MP, góc nhìn lên tới 135 độ, tương đương ống kính 9mm trên máy fullframe và rộng hơn cả góc nhìn của mắt người (khoảng 110 độ, nhưng tầm nhìn rõ phía trước mặt chỉ khoảng 60 độ). Ngay cả với máy ảnh chuyên nghiệp, bạn cũng ít khi có được góc nhìn rộng như vậy!

Sau khi dùng chiếc G5 cho một chuyến du lịch, trải nghiệm của tôi là "phụ" còn thú vị hơn "chính".

Khi chuyển từ camera thường sang camera góc rộng trên G5, bạn có thể bất ngờ vì hình ảnh thụ được rộng hơn hẳn

Khi mới chụp ảnh, có thể bạn đã từng ngạc nhiên khi nhìn thấy ống kính máy ảnh góc rộng có thể "bắt" được nhiều chi tiết đến thế. "Wow" cũng là cảm xúc của tôi khi lần đầu bật chế độ chụp góc rộng trên LG G5. Rất nhiều cảnh vật trước mắt được thu vào trong khung hình, giúp cho tôi không cần phải lùi ra xa mà vẫn có thể chụp được hết những gì mình muốn.

2 bức ảnh dưới đây là một ví dụ. Với điện thoại thông thường, khi muốn chụp toàn bộ nhà thờ Đức Bà, bạn có thể phải đứng ở bên kia đường, nếu không sẽ chỉ chụp được một bức ảnh mất góc (ảnh trên). Trong khi đó với camera góc rộng trên G5, ở cùng vị trí tôi có thể bắt được toàn bộ nhà thờ cùng quang cảnh xung quanh như tòa nhà Diamond Plaza.

Phía dưới là một số ví dụ khác về sự khác biệt giữa 2 camera. Trong phần lớn các trường hợp, ảnh chụp từ camera 8MP góc rộng ấn tượng hơn nhiều so với camera 16MP góc thường. Một điểm thú vị trên camera góc rộng của G5 là nó sử dụng loại thấu kính cho ra hình ảnh phẳng (rectilinear) chứ không cong nhiều và tạo hiệu ứng mắt cá (fish-eye) như hầu hết các ống kính góc rộng khác trên máy ảnh hay action cam. Điều đó giúp cho các đối tượng ở rìa ảnh bị kéo dài nhưng không bị bẻ cong quá nhiều hoặc tối góc như ảnh chụp từ ống mắt cá.

Camera góc rộng trên G5 không phải là không có một nhược điểm: do góc chụp quá rộng, nếu không để ý bạn có thể chụp luôn cả ngón tay mình (do đang cầm máy) vào hình. Phải mất một thời gian làm quen, tôi mới nhớ được cách cầm để không chụp cả ngón tay vào khung hình. Khả năng bắt sáng của camera phụ cũng không tốt như camera 16MP, phần nào hạn chế sự hiệu quả khi chụp đêm với camera này.

Camera góc rộng phù hợp nhất cho thể loại ảnh phong cảnh hoặc thể hiện công trình kiến trúc

Bạn cũng có thể sử dụng camera này để chụp ở chế độ toàn cảnh (panorama), cho bức ảnh ấn tượng hơn

Góc chụp rộng cũng có phần giới hạn thể loại ảnh chụp trên camera này. Camera "phụ" trên G5 hợp nhất với ảnh chụp phong cảnh hoặc các công trình kiến trúc, nhưng để chụp người, chân dung đặc tả thì không hợp lắm. Ngoài ra bạn cũng có thể dùng camera này để chụp "tự sướng", góc rộng sẽ giúp ghi lại toàn bộ cảnh vật đằng sau một cách rất ấn tượng. Một lưu ý là nếu chụp "tự sướng" bạn nên dùng gậy nối dài, nếu dùng tay thì ảnh trông sẽ khá kỳ dị do cánh tay bị bẻ cong.

Camera chính 16MP của G5 cho ảnh có độ chi tiết cao, màu sắc tươi tắn khi chụp ban ngày

Ảnh chụp HDR từ LG G5

Quay trở lại camera chính. Như đã nói, thông số camera 16MP của G5 không khác biệt so với G4, do vậy chất lượng, hiệu năng camera và các đặc điểm của ảnh chụp từ G5 cũng tương tự như thế hệ trước.

Ảnh chụp buổi tối cũng thể hiện được độ nét và khả năng chống rung tốt

Ảnh chụp ban ngày từ camera chính của G5 gây ấn tượng vì độ nét cao, màu sắc tươi nhưng không quá rực, thiếu trung thực như ảnh chụp từ Samsung Galaxy S7 Edge. Khi chụp ảnh ở điều kiện ánh sáng yếu hoặc buổi tối, G5 bắt sáng tốt, độ chi tiết và kiểm soát nhiễu cũng tốt.

Khi so sánh với Galaxy S7 Edge, G5 có tốc độ lấy nét và chụp HDR chậm hơn, khả năng cân bằng trắng cũng không ổn định bằng

Tuy vậy khi so sánh trực tiếp với Galaxy S7 Edge, G5 cũng thể hiện một số điểm thua thiệt. Điểm yếu dễ nhận ra nhất của G5 là tốc độ. Cơ chế lấy nét laser phát huy tốt khi chụp đối tượng ở gần, nhưng khi chụp đối tượng ở xa, ánh sáng kém thì tốc độ lấy nét của G5 không thể so với S7. Tốc độ chụp ở chế độ HDR của S7 cũng nhanh hơn hẳn so với G5.

Khi chụp tối, chiếc điện thoại của Samsung cũng kiểm soát ánh sáng tốt hơn, các vùng chênh sáng trong khung hình có độ sáng đều hơn. Với các khung cảnh có ánh sáng vàng của đèn đường, ảnh chụp từ G5 có xu hướng bị ngả sang màu đỏ, cho thấy khả năng cân bằng trắng chưa chuẩn.

Ảnh chụp với chế độ popout (hình trong hình) trên G5

G5 hỗ trợ nhiều chế độ chụp như chuyển động chậm, tua nhanh… trong đó chế độ mới lạ nhất là popout. Đây là chế độ chụp kết hợp góc chụp của cả 2 camera, ghép với nhau theo kiểu "hình trong hình" tạo nên bức ảnh thú vị. Người dùng cũng có thể chọn hình dáng của ô bên trong hay một số hiệu ứng để bức ảnh ấn tượng hơn.

Với camera góc rộng trên G5, LG đã một lần nữa thể hiện khả năng sáng tạo của hãng. Khác với nhiều thử nghiệm khác, sự sáng tạo này thực sự có ích trong sử dụng thực tế, cho người dùng một góc chụp mới, nhất là với ảnh phong cảnh. Tuy camera chính còn một số điểm yếu khi so sánh với các smartphone cạnh tranh như iPhone 6s, Galaxy S7 Edge, sự sáng tạo này giúp LG G5 trở nên khác biệt và hấp dẫn hơn.

Tuấn Anh

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/danh-gia-chi-tiet-di-dong/-/view_content/content/1819552/danh-gia-camera-lg-g5-them-an-tuong-nho-camera-goc-rong