Đánh đổi nhân cách rẻ mạt thế sao?

Hàng triệu lượt like, hàng ngàn comments trong một thời gian kỷ lục cho một clip “hôi của” trong một tai nạn xe tải ở Bình Định làm tôi nhớ tới vụ “hôi bia” cách đây 2 năm ở Đồng Nai.

Cướp hàng giả trong buổi tiêu hủy ở Bộ KH-CN (ảnh minh họa từ Internet)

Ngày ấy cộng đồng mạng cũng đã lên án hành vi “đáng xấu hổ” của những con người “vô cảm” và chính quyền cũng đã vào cuộc: Một số người hôi của đã bị Công an triệu tập.

Điều đáng nói được ghi nhận là hiệu ứng tích cực của cộng đồng mạng đã dấy lên những hành vi rất tử tế sau đó. Từ bác xe ôm, em học sinh đến người CSGT… nhặt tiền rơi tìm cách trả lại khổ chủ; rồi xe chở trái cây, chở bia bị lật, tài xế được nhiều người giúp đỡ nhặt lại tài sản.

Nhưng rồi sự cố xe tải bỗng dưng bốc cháy, hành vi hôi của lại tái diễn làm mất đi tất cả những hình ảnh đẹp “thương người như thể thương thân” của con người Việt Nam ta.

Thật lòng mà nói đã từ lâu tôi rất không đồng tình với những ai vô tình hay cố ý nói đến cụm từ “người Việt xấu xí”. Tôi thật sự bức xúc với không ít những bài viết mà tác giả là người Việt viết về hành vi xấu của một số ít cá nhân người Việt ở trong nước, những biển báo bằng tiếng Việt, dành cho người Việt thật đáng buồn, đáng xấu hổ ở Trung Quốc, ở Mỹ trước đây… rồi từ đó cứ qui chụp cho rằng của người Việt là xấu xí.

Tôi nghĩ chúng ta hãy bình tâm suy xét. Đừng vì hành vi xấu những cá nhân nêu trên mà qui chụp cho tất cả? Sao lại cứ đem hành vi một ít cá nhân thiếu đạo đức, mất phẩm chất mà viết là của người Việt? Đó là việc làm không đúng. Và hơn thế nữa, đó là việc làm nhục mạ, phỉ báng lòng tự hào dân tộc.

Qua các vụ hôi của nêu trên. Cứ cho như đa số là những người trình độ nhận thức, ý thức nhân cách chưa cao, vì hám của trước mắt mà có hành vi bộc phát thiếu văn minh. Tất nhiên khi cần thiết họ phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Nhưng vụ việc một số cán bộ liên quan đến việc tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, đã chen vào tranh nhau lấy những chiếc túi xách, ví da, mắt kính… là tang vật hàng nhái đã bị tịch thu, chuẩn bị tiêu hủy tại Hà Nội ngày 21.10.2016 thì tôi phải đặt cho mình một câu hỏi, vì sao lòng tự trọng của họ lại… bị đánh đổi một cách rẻ đến như thế?

Luật pháp không thể điều chỉnh hành vi của từng cá nhân trong xã hội, cũng không thể đến tận từng hang cùng ngỏ hẻm. Những thiếu sót của luật pháp được bổ sung bằng đạo đức xã hội. Luật pháp và đạo đức xã hội là một thể thống nhất để đưa xã hội phát triển và văn minh.

Trong một xã hội khi mà con người thiên về lối sống vật chất, đánh mất đi những giá trị đạo đức truyền thống, luật pháp chưa đủ nghiêm để răn đe tội phạm, nhân cách sống con người bị tha hóa sẽ dễ đưa đến tư tưởng mơ hồ, quay lưng với xã hội sống tích kỷ, thu mình trong cái vỏ ốc vật chất thì cơ hội bộc phát hủy hoại xã hội là có thể.

Cùng lên tiếng! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

TÚ NGUYÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dien-dan-ban-doc/cung-len-tieng-danh-doi-nhan-cach-re-mat-the-sao-607646.bld