Đánh đập, giết hại động vật để sản xuất lông mi giả cho phụ nữ

Đằng sau những chiếc lông mi giả cong vút được các chị em ưa chuộng để có đôi mắt đẹp hơn là cảnh loài chồn bị bỏ đói, đánh đập và giết hại dã man để lấy lông phục vụ sản xuất.

Những chiếc mi giả cong vút từ lâu đã được nhiều cô gái coi là bước làm đẹp không thể bỏ qua để có đôi mắt hút hồn, tổng thể gương mặt xinh đẹp hơn.

Ngành công nghiệp mi giả để phục vụ dịch vụ nối mi, gắn mi cũng vì thế mà chứng kiến mức tăng trưởng nhanh chóng, trở thành mảng kinh doanh thu về lợi nhuận cao. Chỉ tính riêng việc sản xuất mi, giá trị của ngành này có thể lên tới 1,5 tỷ USD trong 4 năm nữa.

 Những chiếc mi giả làm từ lông chồn được nhiều khách hàng ưa thích vì độ mỏng nhẹ, tự nhiên, dùng được lâu.

Những chiếc mi giả làm từ lông chồn được nhiều khách hàng ưa thích vì độ mỏng nhẹ, tự nhiên, dùng được lâu.

Tuy nhiên, mặt tối đằng sau dịch vụ làm đẹp của phụ nữ từng được Tổ chức Bảo vệ Quyền lợi Động vật PETA nhiều lần lên án. Lý do là sản phẩm này thường được làm từ lông của loài chồn và không ít con vật chịu cảnh bị đối xử tàn bạo, đánh đập để có những sợi mi mỏng nhẹ, đen bóng.

Theo PETA, các sản phẩm mi giả làm từ lông chồn trên thế giới thường được gắn nhãn "100% cruelty free" (không đối xử tàn nhẫn với động vật), hoặc "thu hoạch lông an toàn trong trang trại nuôi thả", "lấy từ lông rơi rụng sau khi chải lông chồn".

“Trên thực tế, chồn được nuôi nhốt trong các chuồng chật chội, chật hẹp và mất vệ sinh. Ngoài ra, chồn là loại động vật hoang dã, có tính bảo vệ lãnh thổ cao, có thể trở nên rất hung dữ khi bị đe dọa. Để thu hoạch được lông của chúng dễ dàng, các trang trại thường nuôi nhồi nhét, không cho ăn uống đầy đủ, không chăm nuôi cẩn thận”, PETA viết.

Loài chồn bị nuôi nhốt trong chuồng chật hẹp, bẩn thỉu, không được ăn uống đầy đủ.

Cách thu hoạch lông chôn cũng không hề nhẹ nhàng, đơn giản như mọi người thường nghĩ. Con vật thường bị giết bằng khí gas, thậm chí còn bị giật điện, bẻ cổ, lột da sống để đảm bảo chất lượng bộ lông.

Trên thực tế, trái với lời đảm bảo rằng những sợi mi được thu thập từ lông chồn rơi rụng sau mỗi lần chải, chồn là loài vật sợ con người và cũng không cần con người chăm chút, chải chuốt.

Việc đụng chạm vào cơ thể có khiến loài chồn sợ hãi và trở nên hung dữ để tự vệ. Điều này dẫn đến việc con vật tiếp tục hứng chịu bạo lực từ những công nhân lấy lông.

Kết cục, hầu hết loài chồn đều chịu kết cục thảm thương, chết bằng những phương pháp tàn nhẫn, gây nhiều đau đớn.

Theo báo cáo của PETA, chồn là loài vật bị lấy da nhiều nhất trên thế giới để phục vụ ngành công nghiệp thời trang, làm đẹp. Lông chồn có độ bóng đẹp tự nhiên, siêu nhẹ, các sản phẩm làm từ loại lông này có thể có mức giá đắt đỏ nhưng vẫn được rất nhiều khách hàng lùng mua bởi độ bền, có thể sử dụng trong nhiều năm mà không lo chất lượng suy giảm.

Nhưng cũng chính bởi lý do đó, loài chồn đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nhu cầu ăn mặc, làm đẹp của con người. Loài chồn châu Âu có tên trong danh sách "đặc biệt nguy cấp" trong Sách Đỏ của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế), chỉ còn dưới 30.000 cá thể sót lại ngoài tự nhiên.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/danh-dap-giet-hai-dong-vat-de-san-xuat-long-mi-gia-cho-phu-nu-post1100301.html