Đánh cược với tôm hùm

Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) là xã có số lượng lồng nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh Khánh Hòa. Sau thời hoàng kim, từ cuối năm 2010 đến nay, người nuôi tôm hùm ở đây như đang ngồi trên đống lửa bởi tôm bị dịch bệnh chết quá nhiều, trong khi giá cả rất bấp bênh.

Tôm hùm chết hàng loạt tại bè nuôi của gia đình ông Hạo. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Cười, khóc vì tôm

"Từ trước năm 2005, đầu tư vào nuôi tôm hùm lời gấp đôi. Đến năm 2009, nghề nuôi tôm hùm phát triển mạnh nhất, lợi nhuận không được như trước, nhưng người dân vẫn đua nhau nuôi tôm, bởi bỏ ra 1 tỉ là kiếm được 300-400 triệu đồng. Có nhiều hộ trở thành tỉ phú nhờ tôm như ông Nguyễn Hợp, Nguyễn Quý, Mai Trường Sơn... nhưng cũng có không ít gia đình phá sản vì tôm" - anh Trương Thái Hùng, nguyên Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Với 20 năm nuôi tôm hùm, anh Hùng là một trong số những người đi tiên phong trong cái nghề cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng cũng đầy bấp bênh này. Anh cho biết: "Xã Vạn Thạnh có 2 nghề chính là khai thác và nuôi trồng thủy sản. Toàn xã có 1.380 hộ dân thì có tới 600 hộ nuôi tôm hùm, tập trung ở thôn Đầm Môn. Trước đây, tôm hùm không bị dịch bệnh, nhanh lớn, chỉ nuôi từ 10 tháng đến 1 năm là đủ ký, giá cao, đầu ra ổn định nên lời rất cao. Nhưng giờ nuôi đủ ký phải mất 16 tháng. Môi trường ô nhiễm, thời tiết, khí hậu không thuận lợi, tôm bị bệnh chết hàng loạt. Hao tổn bình quân trong quá trình nuôi tôm lên tới 30-40%, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm".

Cũng theo anh Hùng, tôm hùm thường mắc bệnh đỏ thân, đen mang... dẫn tới chết. "Chúng tôi đã dùng nhiều loại thuốc kháng sinh điều trị cho tôm nhưng không hiệu quả. Năm trước, các chuyên gia khuyến nông về đây khảo sát bán thuốc điều trị cho tôm. Tôi áp dụng cho tôm nhà mình thấy cũng có hiệu quả nhưng không theo nổi, bởi lịch cho tôm uống thuốc rất khắt khe, giá thuốc lại rất đắt, người nuôi không có lãi" - anh Hùng cho hay.

Tiếp tục câu chuyện được - mất vì tôm, ông Lê Xuân Hạo, 56 tuổi, thôn Đầm Môn than thở: "Làm nghề này như đánh bạc với trời vậy. Mấy năm gần đây, giá tôm bấp bênh quá, chúng tôi lỗ hoài. Tôm bị bệnh chết rất nhiều. Từ nay đến cuối năm, nếu tôm tiếp tục rớt giá nữa, vợ chồng tôi coi như phá sản".

Ông Hạo quê gốc Thanh Hóa. Năm 2001, thấy nghề nuôi tôm hùm khấm khá, ông đưa vợ vào thị trấn Vạn Giã lập nghiệp. Sau đó, ông về xã Vạn Thạnh nuôi tôm và kéo các con vào làm ăn. "Ngày trước tôm được giá, có lúc lên tới 2,7 triệu đồng/kg, mỗi năm tôi lời được 500 triệu đến 1 tỉ đồng. Đến năm 2010, tôi có trong tay 4 tỉ đồng. Thế nhưng, từ đó đến nay, năm nào cũng lỗ" - ông Hạo cho biết.

"Năm nay liệu có lãi không?" - tôi hỏi. Ông Hạo rầu rĩ: "Làm nghề này chỉ khi nào xuất bán hết mới biết có lời hay không. Năm 2014, tôi bị lỗ 300 triệu nhưng "đâm lao phải theo lao", năm nay vẫn cứ phải nuôi để lấy vốn trả nợ. Nhưng cứ tình trạng tôm bệnh chết như hiện nay, chi phí mồi ăn cho tôm cao, giá lại sụt giảm thì chỉ có lỗ thôi. Nốt vụ năm nay là tôi hết sạch vốn rồi".

Phấp phỏng nỗi lo bị ép giá

Cùng trò chuyện, bà Nguyễn Thị Gạo - vợ ông Hạo cho biết: "Lúc cao điểm nhất, gia đình tôi có 60 ô nuôi với khoảng 5.000 con tôm. Bây giờ chỉ còn lại 12 ô. Từ năm 2010, do nguồn nước ô nhiễm, thời tiết không thuận lợi nên tôm bị dịch bệnh nhiều. Năm nay, tôi thả 1.500 con giống, giờ chết mất 1/3 chỉ còn 1.000 con. Tỉ lệ hao hụt lên tới 30%. Nếu tôm bớt chết bệnh thì đỡ hơn". Bà Gạo cho biết thêm, đầu năm 2015, tôm hùm được giá 1,8 triệu đồng/kg, sau rớt xuống 1,5 triệu đồng/kg, đến nay rớt còn khoảng 1,2 đến 1,24 triệu đồng/kg.

Theo tính toán của bà, mỗi kg tôm mất từ 400.000-600.000 đồng/kg. Với giá này, cộng với hao hụt do tôm chết bệnh mất 1/3, người nuôi cầm chắc thua lỗ. Người nào may mắn mua được tôm giống rẻ, khoảng 220.000 đồng/con, tỉ lệ hao hụt tôm dưới 10% thì vẫn phấp phỏng.

Ngoài nỗi lo tôm bị dịch bệnh, chi phí mồi ăn cho tôm tăng cao, người nuôi tôm ở Vạn Thạnh lúc nào cũng canh cánh nỗi lo về giá. "Mấy năm gần đây, giá tôm bấp bênh vô cùng. 3 tháng trước, tôm được giá 1,5 triệu đồng/kg. Nếu có tôm bán lúc đó thì có lời chút ít. Còn hiện tại, giá tôm loại 1 (trọng lượng tôm trên 1kg/con) giảm xuống còn khoảng 1,2 triệu đồng/kg, chúng tôi rất khó có lời" - anh Hùng giãi bày.

Theo anh Hùng, để nghề nuôi tôm hùm phát triển bền vững cần đảm bảo được đầu ra ổn định. "Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo đường đi chính ngạch cho tôm hùm như tôm sú, cá ba sa để đảm bảo quyền lợi cho người nuôi. Nếu có công ty đứng ra thu mua rồi chế biến xuất khẩu, không để thương lái Trung Quốc thao túng thị trường thì người nuôi tôm mới đứng vững được" - anh Hùng giãi bày.

Thị trường tôm hùm của Vạn Thạnh chủ yếu là Trung Quốc, xuất theo đường tiểu ngạch nên rất khó quản lý về thị trường và giá cả. Vì thế, dù nắm rõ những thủ đoạn làm ăn của thương lái Trung Quốc, nhưng anh Hùng cũng như những người nuôi tôm hùm khác không có cách nào thoát khỏi sự làm giá của thương lái Trung Quốc.

Anh Hùng kể: "Thương lái có nhiều chiêu quái lắm khiến bà con mình trở tay không kịp. Khi mình đến kỳ xuất bán tôm loại 1, họ chê ỏng eo, đòi mua tôm loại 2, loại 3 (loại tôm dưới 1kg/con), đẩy giá tôm loại này lên cao, dìm giá tôm loại 1 xuống thấp. Nếu có tôm loại 2, 3 cho họ thì sản lượng không nhiều, tiền lời cũng không được bao nhiêu. Đến khi mình bán tôm loại 2, 3 thì đầu nậu lại bảo thương lái Trung Quốc cần tôm loại 1".

Anh Hùng nhận định, trước những khó khăn chồng chất, trong những năm tới, nghề nuôi tôm hùm ở Vạn Thạnh sẽ giảm. "Thực tế là các hộ dân đều đã giảm số lượng lồng nuôi tôm. Để đề phòng thất bát, gia đình tôi và nhiều hộ khác đã chuyển một số lồng nuôi tôm hùm sang nuôi cá bớp, ốc hương, tôm thẻ chân trắng" - anh Hùng cho hay.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/danh-cuoc-voi-tom-hum/