'Đánh cược' với con nước đầy vơi

Những vườn cải bắp, rau thơm, cà chua… chuẩn bị vào mùa thu hoạch, hay vừa được bà con nông dân xuống giống đã bị nước lũ nhấn chìm, vườn thì bị cuốn trôi, chỉ còn lại những ống tưới nước bám đầy rác và cỏ cây. Vài ngày sau bão lũ đi qua, gạt đi những thiệt hại, mất mát; những nhà nông ở Đơn Dương, nơi được mệnh danh là 'thủ phủ' rau Lâm Đồng, bắt đầu vệ sinh ruộng vườn cho mùa vụ mới.

Khu vườn rau ngò của gia đình ông Khiển khi bão lũ vừa đi qua.

Trở lại vùng rau nổi tiếng Đơn Dương sau vài ngày khi bão lũ đi qua. Thật khó để nhận ra đây là vườn rau ngò hơn 6.000 m2 của gia đình ông Bùi Văn Khiển (xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương), nếu không có hệ thống tưới ngã nghiêng, bám đầy rác và cỏ cây. Giờ muốn trồng lại vụ mới, cũng như bao nhà vườn khác, gia đình ông Khiển phải tiến hành vệ sinh vườn, bù thêm đất và phân, những vườn rau còn có thể tái sinh thì phải chăm sóc nhiều hơn. Vừa kéo những đường ống tưới đan xoắn vào nhau còn tận dụng được, trên mảnh vườn lồi lõm phủ đầy cát, ông Khiển ngậm ngùi: “Vụ rau này mất trắng rồi chú ạ. Hơn 6.000 m2 rau ngò, cùng hệ thống tưới tự động coi như xong. Cùng với đó, đất màu bị trôi hết, phải mua về bù lại mới canh tác được”.

Đứng trên cao phóng tầm mắt dọc đôi bờ Đa Nhim, màu xanh của vùng quê trù phú, huyện nông thôn mới đầu tiên tại Tây Nguyên, đã nhường lại cho sắc màu xám bạc. Vài nông dân ngồi buông câu bên đôi bờ sông, trên chính mảnh vườn của mình, suy tính cho mùa vụ mới, với những lo toan phát sinh. Theo hướng chỉ tay của ông Khiển, bên kia bờ sông Đa Nhim, đối diện khu vườn của ông, vài nhà nông đang tất bật dọn dẹp, vệ sinh vườn tược, sửa sang lại hệ thống ống tưới… Ống kính máy ảnh không thể “cảm” được những hình ảnh man mác của xứ rau sau cơn bão lũ đi qua.

Trên cây cầu sắt, dòng Đa Nhim đục ngầu đã hiền hòa trở lại. Những bờ lau lách ngã rạp theo hướng cuộn chảy, dấu vết vượt “mực nước chết” vẫn còn và đôi bờ là những khu vườn bạc thếch, những luống rau “tái sinh” khó nhọc… Ngồi buông câu sát bờ sông, trên mảnh vườn của mình, đôi mắt đượm buồn, ông Bùi Văn Vương (xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương), ngậm ngùi: “Hơn 6.000m2 trồng rau xà lách của gia đình đã trôi theo nước lũ rồi. Anh xem, giờ mặt vườn bạc thếch, lồi lõm thế này…”. Ông buông lửng câu nói. Cũng giống gia đình ông Khiển, sau trận lũ vừa qua, vườn rau của gia đình ông Vương cũng bị lũ cuốn trôi hoàn toàn, hư hỏng hệ thống tưới. Theo ông Vương, muốn canh tác trở lại, phải mua đất bù vào, cùng phân bón, sửa sang lại hệ thống tưới… thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

Ghi nhận tại các xã Lạc Xuân, Lạc Lâm, nơi chịu thiệt hại nặng do trận lũ vừa qua, người dân bắt đầu tổ chức thu dọn vườn, tổ chức vụ mới, khi đã trắng tay vụ rau này. Tại xã Lạc Xuân, trong đợt xả lũ hồ thủy điện Đa Nhim vừa qua, mười thôn của xã có diện tích hoa màu bị ngập. Đang cố vớt vát những luống rau còn sót lại khi nước rút, anh Trung (xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương) ngậm ngùi: “Hơn ba sào rau cải vừa xuống giống được một tuần đã bị trôi hết. Một sào gần cho thu hoạch cũng bị ngập, giờ mình ráng tưới rửa, vớt vát”.

Chiều đến, mây xám bao phủ. Mọi thứ như chùng xuống khi ngang qua những khu vườn xanh mướt trước đây, giờ là những luống rau lem luốc, cố vươn lên khỏi bùn đất sau mùa bão lũ. “Đau quá, vườn xà lách hơn bảy sào, chỉ thời gian ngắn nữa là thu hoạch, giờ mất trắng”, anh Giỏi, xã Lạc Lâm, Đơn Dương, trầm buồn.

Theo những nhà nông sống dọc đôi bờ sông Đa Nhim, hằng năm, cứ đến mùa mưa, lũ đầu nguồn đổ về mạnh, họ lại nơm nớp lo âu khi nhận được tin hồ thủy điện Đa Nhim xả lũ. “Làm vườn gần bờ sông kể cũng bấp bênh thật. Nhưng vì kế sinh nhai, biết làm sao được. Chúng tôi mong rằng, họ xả lũ lưu lượng đều đều thì đỡ thiệt hại cho bà con”, ông Bùi Văn Khiển (xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương) tâm tư.

Vùng rau Đơn Dương sản xuất khoảng một triệu tấn rau mỗi năm. Theo cơ quan chức năng huyện, do rất nhiều diện tích nhà vườn của người dân canh tác gần lưu vực sông Đa Nhim, vùng hạ du thủy điện Đa Nhim, nên khi hồ thủy điện xả lũ với lưu lượng khá lớn sẽ gây ngập, thiệt hại lớn. Đối với cơn bão số 12, khi nhận được thông tin, huyện đã có công điện khẩn đến các ngành, địa phương, nên chủ động trong công tác ứng phó. “Trong triển khai công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là mùa mưa lũ, chúng tôi luôn khuyến cáo, hướng dẫn bà con không canh tác vùng trũng thấp, trồng cây ngắn ngày. Thống kê ban đầu, bão số 12 gây ngập khoảng 100 ha hoa màu dọc đôi bờ sông Đa Nhim”, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương Lê Thị Bé cho biết.

Ở xứ Đơn Dương này, rau là đặc sản, rau đã nuôi sống cư dân từ hàng chục năm trước, bây giờ và có lẽ còn mãi về sau. Theo đồng bào dân tộc thiểu số bản địa cắt nghĩa, Đa Nhim là nước mắt. Giờ đây, dòng lệ huyền sử ấy vẫn chảy cạn lòng qua hai mùa mưa nắng, phủ tràn đôi bờ bắc - nam huyện nông thôn mới Đơn Dương. Vào mùa nắng đẹp, đứng trên đỉnh núi cao, quốc lộ 27 uốn lượn, chạy dọc theo dòng Đa Nhim xanh mát, những vườn rau xanh mướt, sắc màu của vườn cà chua mùa trĩu quả, những mái nhà kính dập dờn như sóng biển… Song, vào mùa mưa bão, lũ đầu nguồn đổ về. Những nhà nông canh tác cạnh đôi bờ sông Đa Nhim chỉ biết trông chờ may rủi, đánh cược với con nước đầy vơi.

Dẫu biết canh tác gần bờ sông thật sự bấp bênh, thấp thỏm trong mùa mưa lũ. Nhưng vì kế sinh nhai, những nhà nông nơi đây đành phải chấp nhận. Nhưng, họ đều mong rằng, cần có phương án xả lũ hồ thủy điện hợp lý hơn, tránh thiệt hại đến mức thấp nhất cho nhà nông.

Nếu không có hệ thống tưới này thì khó nhận ra đây là vườn rau vừa xuống giống trước mùa lũ.

Vườn rau cải đã được nhà nông thu hoạch “chạy lũ”.

Nước ngập đến nửa thân cây cà chua vào mùa thu hoạch.

Vườn rau có thể “tái sinh”, vớt vát khi lũ đi qua.

Những nhà nông đôi bờ Đa Nhim vệ sinh vườn tược cho mùa vụ mới.

Ngày thường, huyện nông thôn mới Đơn Dương đẹp như tranh. (Trong ảnh: Mùa gặt ở Đơn Dương)

Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/34658402-%E2%80%9Cdanh-cuoc%E2%80%9D-voi-con-nuoc-day-voi.html