Đánh cắp thông tin cá nhân, kiếm tiền thời công nghệ cao

Trả lời phỏng vấn VTV, Đại tá Lê Minh Loan - Trưởng phòng 3, C50 Bộ Công An cho biết, theo quy định của pháp luật thì những hành vi công khai sử dụng các thông tin của cá nhân, tổ chức nhưng không được sự đồng ý của chủ sở hữu bị coi là vi phạm pháp luật.

Ảnh minh họa.

Nói về an toàn thông tin là nói đến rất nhiều lĩnh vực. Xét cho cùng, người bị đánh cắp thông tin cũng bị mất tiền và những kẻ đánh cắp nó sẽ được hưởng lợi. Thông tin cá nhân như số điện thoại địa chỉ nhà, nếu bị lộ cũng khiến nhiều người bị "làm phiền", rồi đến thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng thông tin trên các trang mạng cá nhân và nói rộng ra hơn nữa là thông tin bảo mật của các doanh nghiệp.

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đang là mảnh đất của nhiều loại tội phạm công nghệ cao tấn công. Liệu ý thức của người sử dụng và công nghệ đã đủ mạnh để phòng chống thông tin bị đánh cắp chưa?

Đầu tháng 7, Công an tỉnh Khánh Hòa thực hiện bắt khẩn cấp đối tượng Yang Qing (quốc tịch Hoa Kỳ) do có dấu hiệu sử dụng thẻ ngân hàng giả để giao dịch. Đối tượng thực hiện 42 lần quẹt thẻ, số tiền bị rút là hơn 1,5 tỷ đồng.

Đại tá Trương Vinh Quang, Trưởng phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Khánh Hòa trả lời VTV: Nếu trước đây các đối tượng này sang Việt Nam để lấy cắp tiền của người Việt thì hiện giờ chúng chuyển đổi tức là nhập cảnh vào Việt Nam, mua thông tin thẻ trên mạng, mang máy móc thiết bị vào Việt Nam hoặc máy móc thiết bị nước ngoài điều khiển qua skype.

Phương thức mà các đối tượng thường sử dụng là lắp đặt camera theo dõi tại các cây ATM của các ngân hàng qua đó đánh cắp mật khẩu và thông tin của khách hàng rồi sử dụng thiết bị in thẻ mang từ nước ngoài vào để rút tiền.

Cơ quan an ninh cho biết các đối tượng thuộc loại này có xu hướng trẻ hóa, đánh cắp hàng trăm nghìn tài khoản trên mạng rồi bán cho các đối tượng người nước ngoài với giá trung bình là 0,5 - 1,5 USD/1 tài khoản. Từ nguồn thông tin này tội phạm in thẻ giả và thực hiện rút tiền.

Nói về diễn biến loại hình tội phạm này, Đại tá Lê Minh Loan - Trưởng phòng 3, C50 Bộ Công An trả lời VTV rằng trong thời gian qua, lực lượng công an nói chung và lực lượng công an phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng đã trực tiếp phát hiện, điều tra, làm rõ một số nhóm, đối tượng. Trong đó, ngoài công dân Việt Nam còn có người nước ngoài vào nước ta, mang theo thẻ làm giả sẵn để thanh toán, mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc người nước ngoài vào Việt Nam móc nối với các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ, để tiến hành làm giả thẻ, thanh toán khống, rút tiền chia nhau.

Đại tá Lê Minh Loan Trưởng phòng 3, C50 Bộ Công An.

Đại tá Lê Minh Loan Trưởng phòng 3, C50 Bộ Công An.

Ông chia sẻ thêm, các dịch vụ như internet banking và mobile banking ngày càng phát triển, tội phạm cũng triệt để lợi dụng sản phẩm dịch vụ này để lấy trộm thông tin, làm giả thẻ và thanh toán.

Tuy nhiên các tiện ích dịch vụ do các ngân hàng cung cấp rất tốt. Trong hoạt động thanh toán thẻ có 2 loại công nghệ là thẻ từ và thẻ chip. Đối với thẻ từ công nghệ làm giả thẻ đơn giản hơn so với thẻ chip. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip còn rất lâu dài. Với góc độ người tiêu dùng vẫn còn hiểu biết chưa đầy đủ về việc bảo mật an toàn thông tin.

Các thông tin cá nhân, các thông tin của tổ chức doanh nghiệp thường được các đối tượng thông qua các thủ đoạn hack vào các cơ sở dữ liệu lấy trộm được thông tin và được bán trên mạng.

Theo quy định của pháp luật thì những hành vi công khai sử dụng các thông tin của cá nhân, tổ chức nhưng không được sự đồng ý của chủ sở hữu bị coi là vi phạm pháp luật. Và theo điều 226B Bộ luật Hình sự thì những hành vi như trên sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.

HOÀNG LY

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/noi-dung-so/danh-cap-thong-tin-ca-nhan-kiem-tien-thoi-cong-nghe-cao-1486493.html