Dành cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật

Năm ấy, bà đang ở tuổi 13, với dáng người nhỏ nhắn, khuôn mặt tròn xinh xắn của người con gái Thái, bà được chọn vào Đội văn nghệ của xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Như một 'cơ duyên' của cuộc đời, bà cùng với đội Văn nghệ của xã Mường Chanh được chọn tham gia biểu diễn văn nghệ tại huyện Mai Sơn và đi biểu diễn giao lưu tại huyện Thuận Châu. Trong chuyến đi biểu diễn này, bà được các anh, chị diễn viên trong Đoàn Văn công 'để ý'. Không lâu sau, bà được biên chế vào Đoàn Văn công khu tự trị Thái - Mèo và gắn bó với nghề múa từ đó.

Bà Lò Thị Dem (thứ 2 từ trái sang) trong chuyến biểu diễn tại Liên Xô. Ảnh: nhân vật cung cấp

Bà Lò Thị Dem (thứ 2 từ trái sang) trong chuyến biểu diễn tại Liên Xô. Ảnh: nhân vật cung cấp

Người mà chúng tôi nói đến là bà Lò Thị Dem - nguyên diễn viên múa, hát của Đoàn Văn công Khu tự trị Thái - Mèo, nay là Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La.

Năm 1955, nghe theo lời giới thiệu của ông Cầm Biêu (Nguyên Giám đốc Sở Văn hóa khu tự trị Thái - Mèo), có cô cháu xinh gái, hát hay, múa rất dẻo, biên đạo múa Lường Tiến đã lên tận xã Mường Chanh tuyển diễn viên múa cho Đoàn Văn công khu tự trị Thái - Mèo. Đội Văn nghệ của xã Mường Chanh lúc bấy giờ có 6 diễn viên múa thì họ tuyển được duy nhất một mình bà Lò Thị Dem và bà trở thành diễn viên múa kể từ năm ấy.

Năm 1959, Bác Hồ lên thăm đồng bào các dân tộc Tây Bắc (tại huyện Thuận Châu). Bà vinh dự được gặp Bác Hồ, được biểu diễn phục vụ Bác tại sân khấu hội trường của huyện đội. Tối hôm đó, bà được biểu diễn cho Bác xem 4 tiết mục múa: Tăng Bu, Hưn Mạy, Múa nón, Múa Nhạc do nghệ sĩ Đinh Chanh và nghệ sĩ Lường Tiến biên đạo. Sau đêm biểu diễn, Bác Hồ lên bắt tay từng người, Bác nói: “Các cháu hát hay, múa đẹp lắm. Bác hứa cuối năm nay sẽ cho các cháu đi cùng với Đoàn Văn công Trung ương biểu diễn ở các nước xã hội chủ nghĩa”.

Đúng như lời Bác hứa, tháng 8 năm 1959, bà Dem được chọn là một trong 6 diễn viên múa xuất sắc nhất của Đoàn Văn công khu tự trị Thái - Mèo cùng với 5 chị em nữa là: Hà Thị Nghệ, Mai Thị Hồng, Đinh Thị Nìn, Đinh Thị Uôn, Đinh Thị Éo xuống Hà Nội tập trung để cùng với Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương luyện tập và đi biểu diễn ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Một tháng tập luyện các tiết mục múa: Tăng Bu, Hưn Mạy, Múa Nón rồi tranh thủ thời gian, bà và các chị em trong tốp múa được học tiếng nước ngoài để giao tiếp thông thường với người nước ngoài. Trước khi sang biểu diễn ở các nước, bà được biểu diễn báo cáo chương trình cho Bác Hồ duyệt. Xem xong chương trình, Bác khen hay. Bác dặn: “Các cháu đi nhớ giữ gìn phẩm chất đạo đức, nét thanh lịch của người phụ nữ Việt Nam. Các cháu cố gắng giữ gìn sức khỏe để trở về nước, trở về với gia đình”.

Chuyến đi đầu tiên của Đoàn công tác là đi biểu diễn tại Trung Quốc. Bác ra tiễn chân anh chị em diễn viên trong Đoàn tại ga Hàng Cỏ, tay trong tay bịn rịn, ai cũng khóc. Bác vẫy tay chào đến khi đoàn tàu chạy khỏi sân ga, Bác mới về. Sau chuyến đi ấy, đoàn lại tiếp tục được đi biểu diễn tại các nước: Liên Xô, Hungari, Rumani, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, Áo...

Trở về đoàn, bà Dem tiếp tục sống những năm tháng đầy gian nan, vất vả mà rất đỗi tự hào của một người nghệ sĩ hết lòng phục vụ đồng bào nhân dân các dân tộc trên địa bàn khu tự trị Thái - Mèo. Rồi những năm tháng chiến tranh ác liệt, cuộc đời diễn viên của bà lại bắt đầu “tiếng hát át tiếng bom”. Mỗi lần đi biểu diễn phục vụ các chiến sĩ trên mâm pháo, mỗi diễn viên như bà phải khoác trên lưng 0,5kg gạo, 1 bình toong nước, trang phục biểu diễn, đồ dùng cá nhân. Sân khấu chỉ đơn giản là treo 2 chiếc đèn măng sông ra giữa sân khấu, hễ có máy bay địch đến là phải tắt ngay đèn...

Bà tâm sự, có 2 kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với cuộc đời làm nghệ thuật của bà. Thứ nhất là chuyến biểu diễn tại Bản Mỏ, xã Chanh Đấu thuộc huyện Thuận Châu. Khi đi biểu diễn phục vụ các chiến sĩ giữa chiến trường khốc liệt, bà đang hát trên sân khấu thì máy bay địch vụt qua bắn pháo sáng, lúc ấy, sợ quá, bà chỉ biết ngồi thụp xuống giữa sân khấu, không còn biết mình sống hay đã chết. Sau đó, lại đứng lên cất cao giọng hát phục vụ chiến sĩ, phục vụ bà con nhân dân.

Kỉ niệm thứ hai là bà vinh dự được múa cho Bác Hồ xem 4 lần, được bắt tay và chụp ảnh lưu niệm cùng Người... Nhớ lắm, vinh dự lắm đối với một người diễn viên dân tộc ở một đoàn văn công miền núi như bà. Kể từ chuyến đi đó, bà không bao giờ được gặp lại Bác Hồ, được gặp lại các bạn diễn năm ấy nữa, nhưng tình yêu với nghệ thuật múa và những kỉ niệm với Bác Hồ trong suốt những năm tháng đi biểu diễn thì luôn được bà nâng niu, trân trọng cho đến bây giờ.

Bà Lò Thị Dem chụp ảnh cùng Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Văn Hiền. Ảnh: Hải Lam

Hoạt động trong môi trường nghệ thuật, Ban lãnh đạo Đoàn Văn công khu tự trị Thái -Mèo phát hiện ra bà có giọng hát rất tốt, được thừa hưởng từ chất giọng dân ca trong sáng của mẹ. Bà hát dân ca dân tộc rất hay, giọng hát mượt mà, dễ đi vào lòng người. Trong những đêm biểu diễn của đoàn, bà luôn đảm nhận cả 2 vai trò nghệ sĩ múa và hát. Bà hát đơn ca, hát tam ca, tốp ca....

Năm 1962, bà tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc các Đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Bà được nhạc sĩ Đinh Quang Hợp (cùng đoàn) viết riêng cho ca khúc “Tiếng hát Sông Lam” để dự thi và nhận được Huy chương Bạc cá nhân. Cũng từ năm đó, bà được Ban lãnh đạo đoàn tạo điều kiện cho đi học thanh nhạc tại trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau khi ra trường, bà tiếp tục công tác và cống hiến cho đoàn.

Năm 1971, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bà xin chuyển về Đài Phát thanh Sơn La công tác, (nay là Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Sơn La). Bà tiếp tục công việc thu thanh, hát tiếng dân tộc để phục vụ bà con nhân dân yêu giọng hát của bà, cho đến lúc nghỉ hưu.

Giờ đây, tuy đã ở tuổi 81, nhưng bà Lò Thị Dem vẫn say mê yêu nghệ thuật... Bà luôn tự hào vì có ít nhất 9 người con, cháu theo nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó, có 4 người được Đảng và Nhà nước công nhận danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Và bà mãi là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ yêu thương, trân trọng, noi theo vì đã dành cả cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật.

Lò Hải Lam

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-ca-cuoc-doi-cong-hien-cho-nghe-thuat-post436622.html