Đánh bom tàn khốc ở Kashmir

Theo cảnh sát Ấn Độ, ít nhất 40 người đã thiệt mạng khi một quả bom phát nổ gần một đoàn nhân viên bán quân sự đang hoạt động tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.

Lực lượng an ninh Ấn Độ kiểm tra hiện trường vụ tấn công

Lực lượng an ninh Ấn Độ kiểm tra hiện trường vụ tấn công

Thương vong lớn

Theo ông Munir Khan, Tổng Giám đốc Cảnh sát Ấn Độ, đoàn xe đang vận chuyển các thành viên của Lực lượng Cảnh sát dự bị trung ương (CRPF) trên quốc lộ thuộc địa bàn Pulwama của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát thì vụ nổ bất ngờ xảy ra. “Một chiếc xe trong đoàn chở nhân viên CRPF chịu hậu quả nặng nề, dẫn đến nhiều thương vong”, tuyên bố của cảnh sát nêu rõ.

Hãng tin Press Trust của Ấn Độ cho biết, nhóm phiến quân Jaish-e- Mohammad (tổ chức dân quân ly khai có trụ sở tại Pakistan) đứng sau vụ tấn công này.

Ngay khi vụ nổ diễn ra, chính phủ Ấn Độ cũng khẳng định chính tổ chức này đã thực hiện vụ tấn công. Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố: “Hành động ghê tởm và đáng khinh này đã được Jaish-e-Mohammed thực hiện”.

“Chính phủ Ấn Độ kiên quyết và cam kết thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia... Chúng tôi yêu cầu Pakistan ngừng hỗ trợ những kẻ khủng bố và các nhóm khủng bố hoạt động từ lãnh thổ của họ và phá hủy các cơ sở hạ tầng mà các nhóm khủng bố vận hành để tổ chức các cuộc tấn công vào các nước khác”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã phản ứng với vụ tấn công và đưa ra lời ủng hộ của ông đối với các binh sĩ trong bang trên mạng xã hội Tweeter: “Vụ tấn công nhân viên CRPF ở Pulwama thật đáng khinh bỉ. Tôi lên án mạnh mẽ cuộc tấn công tàn khốc này. Sự hy sinh của các nhân viên an ninh dũng cảm của chúng ta sẽ không vô ích. Toàn bộ quốc gia kề vai sát cánh cùng các gia đình liệt sĩ dũng cảm”, ông Narendra Modi viết.

Kể từ khi lên nắm quyền cách đây gần năm năm, ông Modi đã có lập trường khá cứng rắn đối với chủ nghĩa khủng bố tại bang Kashmir. Theo Bộ Nội vụ Ấn Độ, trong năm 2018, đã có 253 kẻ khủng bố bị lực lượng an ninh Ấn Độ giết chết - nhiều hơn gấp đôi so với năm 2015.

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ, ông Arun Jaitley, cũng lên án vụ tấn công: “Vụ tấn công CRPF ở Pulwama là một hành động hèn nhát và đáng lên án của những kẻ khủng bố. Chúng tôi cầu nguyện cho những người lính đã tử vì đạo cũng như những người bị thương. Những kẻ khủng bố sẽ phải đón nhận bài học khó quên cho hành động ghê tởm của chúng”.

Phản ứng từ Pakistan

Bộ Ngoại giao Pakistan đưa ra tuyên bố vài giờ sau vụ tấn công và nhận định đây là một “vấn đề nghiêm trọng”.

“Chúng tôi luôn lên án các hành vi bạo lực ở bất cứ đâu trên thế giới” - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan khẳng định - “Chúng tôi mạnh mẽ phản đối bất kỳ ẩn ý nào từ giới truyền thông và chính phủ Ấn Độ - họ đã tìm cách liên kết cuộc tấn công với Pakistan mà không cần đến bất kỳ điều tra nào”.

Cái tên Jaish-e-Mohammed nghĩa là Quân đội của nhà tiên tri Mohammed. Nhóm phiến quân này có trụ sở tại Pakistan và hoạt động ở cả hai bên biên giới của Ấn Độ - Pakistan, nhất là những vùng tranh chấp giữa hai nước như Kashmir, với chủ trương đưa vùng tranh chấp này sáp nhập với Pakistan, nếu không tách được để độc lập. Năm 2001, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xếp Jaish-e-Mohammed là một tổ chức khủng bố.

Bao giờ hết đau thương?

Vụ tấn công diễn ra trong Pulwama - khoảng 15 dặm (25 km) từ thủ phủ Srinagar của Kashmir. Truyền thông địa phương đưa tin Jaish-e-Mohammed đã nhận trách nhiệm trong một tuyên bố bằng video được lưu hành trực tuyến, tuy nhiên, tính xác thực của video này chưa thật rõ ràng.

Kashmir đã có một lịch sử đầy biến động kể từ khi phân vùng Ấn Độ - Pakistan, với kết quả là hình thành khu vực Ấn Độ giáo ở Ấn Độ và Hồi giáo ở Pakistan. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập vào năm 1947, Kashmir đã bị cả Ấn Độ và Pakistan tranh giành một cách gay gắt, dẫn đến ba cuộc chiến giữa hai nước, cũng như nhiều cuộc giao tranh nhỏ khác.

Vụ tấn công vừa qua diễn ra sau hơn hai năm, kể từ khi vụ tấn công do các chiến binh vũ trang tiến hành, nhằm vào một căn cứ quân sự tại thị trấn Uri, cách Srinagar khoảng 63 dặm (102 km). Vụ tấn công này khiến ít nhất 18 người thiệt mạng.

Kể từ năm 1989, bạo lực ly khai trong khu vực đã giết chết hơn 47.000 người. Con số này không bao gồm những người đã mất tích do cuộc xung đột. Thậm chí, một số nhóm nhân quyền và các tổ chức phi chính phủ đưa ra con số thương vong gấp đôi con số kể trên.

Kiều Trinh (TH)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/danh-bom-tan-khoc-o-kashmir-3982480-b.html