'Đánh bạc' với ông trời, cô gái xinh đẹp đi nuôi lợn, mỗi năm có doanh thu hơn 2 tỷ đồng

Khởi nghiệp vào đúng năm 2018 khi dịch tả châu Phi bùng phát, vốn làm ăn cũng khó, chị Ngọc Ánh gặp phải sự phản đối từ gia đình khi quyết định đầu tư nuôi lợn.

Sinh năm 1991, chị Đặng Thị Ngọc Ánh ở xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là một trong những thanh niên xuất sắc toàn quốc, nhận giải thưởng Lương Đình Của năm 2019.

Chị Ngọc Ánh là bà chủ của trang trại gần 3.000 m2 với hàng nghìn con lợn. Nhờ nuôi khoa học, phát triển đàn lợn sạch, thức ăn nhà làm, trang trại của chị là điểm đến của nhiều thương lái trong và ngoài huyện.

Năm 2019, doanh thu từ trang trại mang lại là hơn 2 tỷ đồng và bà chủ 9X có lãi khoảng 300 triệu đồng. Ngoài ra, chị Ánh còn hỗ trợ các nông hộ khác phòng bệnh cho đàn lợn, tạo công ăn việc làm cho bà con ở địa phương.

Nhưng để có được kết quả như ngày nay, chị Ngọc Ánh đã vượt qua rất nhiều khó khăn.

Bị người nhà phản đối vì dám “đánh bạc với ông trời”

Sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, chị Ánh tiếp nối nghề nông bằng cách học trường Cao đẳng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Bộ. Tốt nghiệp bằng khá, chị mở cửa hàng thuốc thú y.

Tuy nhiên, không muốn gắn cuộc đời mình với công việc có thu nhập ít ỏi, năm 2018 chị mua lại trang trại chăn nuôi của chú ruột với giá 2 tỷ đồng.

Thời điểm đó, thị trường thịt lợn đang gặp khó khăn vì dịch tả châu Phi. Chị cũng gặp khó khăn về vốn bởi vì khi đã đầu tư vào trang trại thì không có tiền đầu tư vào thức ăn cho vật nuôi.

Theo lời kể của chị Ngọc Ánh, lúc đó, phía gia đình rất phản đối. Cả nhà rất lo cho chị và cho rằng việc đầu tư giống như “đánh bạc với ông trời”. Mẹ chồng và chồng không ủng hộ vì cho rằng với thu nhập từ cửa hàng thuốc thú y và từ công tác đoàn, cuộc sống cũng khá ổn, không cần phải mạo hiểm như vậy.

Bí quyết vàng về chăn nuôi của bà chủ 9X xinh đẹp

Khởi nghiệp vào đúng năm 2018 khi dịch tả châu Phi bùng phát, chị Ngọc Ánh từng có lúc nản chí, muốn bỏ cuộc. Nhưng gia đình sau đó đã động viên để tiếp sức cho chị. Chị chịu khó học hỏi, nỗ lực vượt qua những trở ngại trước mắt để phát triển trang trại.

Năm 2018, do tác động của dịch tả lợn châu Phi, khó khăn đến chồng chất. Cụ thể, giá lợn hơi có lúc xuống chỉ còn 16.000 đồng/kg. Nguồn tiền để mua thức ăn cho heo vô cùng khó khăn.

Bà chủ trang trại đã rất trăn trở về quyết định tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương như ngô, cám gạo, bột cá… để ủ men làm thức ăn cho lợn. Thời gian ủ khoảng 1 đến 2 ngày, tùy thuộc vào nhiệt độ khí hậu.

Chị Ánh tự ủ men thức ăn cho đàn heo.

Chị Ánh tự ủ men thức ăn cho đàn heo.

So với cám công nghiệp, việc ủ men thức ăn của lợn giúp giảm chi phí thức ăn. Cụ thể, mỗi tháng chị Ánh tiết kiệm được khoảng 10 - 12 triệu so với việc cho lợn ăn bằng cám công nghiệp. Bằng cách này, trang trại của chị Ánh đã vượt qua dịch tả châu Phi về mặt nguồn tiền cho thức ăn.

Về vệ sinh chuồng trại, chị tích cực dải vôi hàng ngày để phòng bệnh. Kết quả, đến nay, trang trại của bà chủ trẻ đang phát triển rất tốt và là nguồn cung đáng tin cậy của các thương lái trong vùng.

Nhờ tự chế biến, mỗi tháng chị Ánh giảm được 10-12 triệu chi phí thức ăn cho lợn so với cám công nghiệp.

Đỗ Lan

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/danh-bac-voi-ong-troi-co-gai-xinh-dep-di-nuoi-lon-moi-nam-co-doanh-thu-hon-2-ty-dong-8202071121039304.htm