Đảng viên trên những con tàu vươn khơi

Trong số hàng triệu lao động của nước ta thường xuyên vươn khơi, bám biển, khai thác nguồn lợi thủy hải sản, có một bộ phận không nhỏ là đảng viên. Dù ở cương vị của chủ tàu, thuyền trưởng hay thuyền viên thì đảng viên ngư dân luôn khẳng định tính tiên phong, gương mẫu, trung tâm đoàn kết giữa trùng khơi. Họ thực sự là điểm tựa tinh thần để bạn nghề vượt qua khó khăn, thử thách của thiên tai, địch họa, vươn khơi làm giàu cho gia đình, xã hội và góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Tuy nhiên, công tác phát triển đảng viên trẻ là ngư dân đang gặp nhiều khó khăn, cần có chính sách, sự quan tâm đặc biệt của chính quyền địa phương.

Bài 1: Tiên phong, gương mẫu giữa trùng khơi

Trong quá trình hành nghề, các ngư dân là đảng viên luôn đi tiên phong trong học hỏi áp dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao hiệu quả khai thác hải sản trên biển. Từ thành công của cá nhân, họ lại chỉ dẫn cho bạn nghề, người dân địa phương áp dụng cái hay, cái mới; luôn gương mẫu, nêu cao trách nhiệm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về khai thác hải sản, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nằm ngay cửa sông Gianh, làng biển Xuân Lộc, phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đang vươn mình trở thành một khu phố sầm uất với san sát nhà cao tầng, đường giao thông, công trình phúc lợi khang trang, sạch sẽ. Xuân Lộc có 270 hộ dân/2.200 nhân khẩu đều sống bằng nghề biển với 100 chiếc tàu công suất lớn, khoảng 600 lao động thường xuyên vươn khơi hành nghề câu, lưới mành, đánh bắt cá mú, cá hố xuất khẩu. Khi nói đến sự khởi sắc ở làng biển, người dân thường nhắc nhiều đến vai trò của các đảng viên như Nguyễn Đình Đảo, Nguyễn Văn Hiệp... Đó là những người đi tiên phong trong việc đóng tàu lớn vươn khơi.

Ngư dân Nguyễn Văn Hiệp trân trọng treo cờ Tổ quốc lên đỉnh tàu cá. Ảnh: Viết Lam

Ngư dân Nguyễn Văn Hiệp trân trọng treo cờ Tổ quốc lên đỉnh tàu cá. Ảnh: Viết Lam

Đảng viên Nguyễn Đình Đảo đang sử hữu con tàu có công suất 776CV, thường xuyên hoạt động dài ngày ở ngư trường vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa và Trường Sa, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho 7-9 lao động ở địa phương. Từ năm 1989-1992, anh Đảo tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự, đơn vị đóng quân ở vùng ven biển tỉnh Bình Thuận, rồi phấn đấu được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Sau khi xuất ngũ, anh trở về quê bám biển theo truyền thống gia đình, thời điểm đó, làng chài Xuân Lộc chỉ đánh bắt bằng bè mảng, thuyền thúng sát bờ. Dù cần cù, chăm chỉ, nhưng thu nhập của ngư dân địa phương cũng chỉ đủ ăn hằng ngày, khó khăn vào những ngày biển động. “Nhìn gia đình, bà con làng biển nghèo khó, tôi lại nhớ thời gian đóng quân ở Bình Thuận, thấy ngư dân trong đó đóng tàu lớn đi biển dài ngày, có của ăn, của để. Tôi quyết định trở lại địa bàn đóng quân học nghề, tìm cách đóng tàu lớn” – Anh Đảo nhớ lại.

Sau chuyến đi xa trở về, người ta thấy đảng viên trẻ Nguyễn Đình Đảo mượn tiền người thân đóng tàu lớn. Cuối năm 1994, con tàu dài 13m, công suất 45CV của anh Đảo hạ thủy có chuyến đi biển kéo dài 1 tuần lễ, cập bờ mang theo nhiều tôm, cá. Năm 1996, anh lại tiếp tục nâng cấp tàu cá của mình với công suất máy lớn hơn. Đến năm 2004, đảng viên Nguyễn Đình Đảo đã tiếp tục đóng con tàu có công suất 766CV, lắp đầy đủ trang thiết bị liên lạc Icom tầm xa, công cụ hỗ trợ đánh bắt hiện đại như máy định vị, máy dò cá..., giúp nâng cao hiệu quả đánh bắt trên biển. Từ thành công của bản thân, Nguyễn Đình Đảo đã vận động các gia đình tại địa phương góp vốn với nhau để đóng tàu lớn ra khơi, khiến cho làng biển khởi sắc nhanh chóng.

Sắp hết tuần trăng, đảng viên Nguyễn Văn Hiệp, ở làng biển Xuân Lộc lại tất bật chuẩn bị chu đáo công tác hậu cần trên con tàu có công suất gần 1.000CV sẵn sàng vươn khơi. Ngoài lương thực, thực phẩm, nước uống, ngư lưới cụ, điều ông luôn chú ý là thay lá cờ Tổ quốc mới hơn được cắm trên nóc tàu. Con tàu lớn này được gia đình ngư dân đóng mới năm 2016 theo Nghị định 67 để thay thế cho phương tiện nhỏ trước đó. Đây là một trong những con tàu hiện đại nhất ở làng biển với đầy đủ thiết bị hàng hải và hỗ trợ đánh bắt hải sản như máy dò cá tầm xa, tầm đứng. Tàu hành nghề lưới vây, thường xuyên hoạt động dài ngày ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, giải quyết việc làm cho 15-17 lao động. “Những năm gần đây, nghề biển gặp nhiều khó khăn, chủ tàu lớn như chúng tôi phải rất vất vả để giữ lao động, giữ nghề. Trong những chuyến vươn khơi, bám biển dài ngày, tôi luôn nhắc nhở anh em phải đoàn kết khai thác hải sản hiệu quả để nâng cao thu nhập, xây dựng quê hương, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc” – Đảng viên Nguyễn Văn Hiệp khẳng định.

Cán bộ Đồn Biên phòng Cảng Gianh, BĐBP Quảng Bình nắm bắt thông tin trên biển qua đội ngũ đảng viên là ngư dân. Ảnh: Viết Lam

Cũng nằm dọc tuyến biển miền Trung, xã Nghĩa An, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi nằm ven biển, bốn bề bao bọc sông nước. Người dân nơi đây bao đời sống nhờ vào biển, hiện nay, toàn xã có 4.187 hộ/19.256 nhân khẩu, trong đó có tới 90% lao động tham gia khai thác thủy, hải sản trên biển. Xã Nghĩa An hiện có khoảng 1.164 tàu cá hoạt động ở các ngư trường khác nhau. Phần lớn các tàu cá của địa phương đều tham gia các tổ, đội tàu thuyền đoàn kết trên biển. Phát huy truyền thống của vùng quê giàu truyền thống cách mạng, Nghĩa An đang có số lượng lớn đảng viên là ngư dân tham gia vươn khơi bám biển. Về xã biển, nhắc đến anh Lê Văn Thương, Đội trưởng Đội tàu thuyền đoàn kết Hải Âu 1 thì hầu như ai cũng biết. Anh Thương là một đảng viên trẻ tại địa phương, gia đình có truyền thống bám biển bao đời nay. Sau khi thực hiện xong nghĩa vụ quân sự, anh lại kế nghiệp cha trở thành thuyền trưởng của một con tàu công suất lớn. Sau đó, anh được bạn nghề tin tưởng bầu làm Đội trưởng Đội tàu thuyền đoàn kết Hải Âu 1 “điều hành” 10 chiếc tàu công suất lớn với hàng trăm lao động hành nghề lưới chùm ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Ngư dân địa phương vẫn truyền tai nhau câu chuyện đảng viên Lê Văn Thương cho tàu dừng hoạt động để theo dõi một tàu nước ngoài có hoạt động xâm phạm chủ quyền Tổ quốc, bí mật ghi hình làm tư liệu để thông báo cho cơ quan chức năng có các biện pháp ứng phó kịp thời. Không chỉ vậy, mỗi khi hành nghề trên biển, phát hiện tàu thuyền hay ngư dân gặp nạn, anh đều tận tình giúp đỡ. Nói về những điều này, đảng viên Lê Văn Thương chỉ cười và chia sẻ: “Mọi ngư dân chân chính đều sẵn sàng giúp bạn nghề vượt qua khó khăn, hoạn nạn trên biển, đồng thời quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tui (tôi) là đảng viên thì phải tiên phong, gương mẫu hơn là điều đương nhiên”.

Đánh giá về vai trò của đảng viên là ngư dân, Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Bình khẳng định: “Cùng với khai thác thủy, hải sản làm giàu cho gia đình, xã hội, các ngư dân có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đặc biệt là đội ngũ đảng viên trẻ làm ăn trên biển luôn phát huy bản lĩnh, vai trò tiên phong, gương mẫu về việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác thủy, hải sản trên biển. Trong những năm qua, chúng tôi đã nhận được nhiều nguồn tin quan trọng trên biển do đội ngũ đảng viên là ngư dân cung cấp, qua đó nhanh chóng triển khai lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao”.

Bài 2: Nhiều khó khăn trong công tác phát triển đảng viên là ngư dân

Viết Lam

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dang-vien-tren-nhung-con-tau-vuon-khoi/