Đặng Văn Lâm và niềm hạnh phúc lặng lẽ

Đội tuyển bóng đá Việt Nam vừa làm nên kỳ tích: bất bại ở AFF Cup 2018 để đăng quang ngôi vô địch sau mười năm chờ đợi. Trong hành trình làm rung động hàng triệu trái tim người hâm mộ bóng đá cả nước của các tuyển thủ tài năng và quả cảm, có một điểm nhấn quan trọng là sự tỏa sáng của thủ môn Đặng Văn Lâm.

Thủ thành mang trong mình hai dòng máu Việt - Nga ấy không chỉ góp công lớn cho chiến tích chung, mà còn truyền cảm hứng cho nhiều người về nỗ lực vươn lên trước nghịch cảnh, trong những thời điểm tưởng chừng đã mất tất cả...

1. Tiếng còi kết thúc trận thắng Malaysia 1-0 chung kết lượt về (thắng chung cuộc 3-2 sau hai lượt trận) tại Mỹ Đình vào đêm 15.12 vang lên. Trong khi các đồng đội ôm nhau ăn mừng ở giữa sân, trong thanh âm vui sướng của hàng chục nghìn cổ động viên, Đặng Văn Lâm lại tiến tới ôm hôn khung thành và bật khóc. Nhiều người đã chia sẻ đoạn clip ghi lại khoảnh khắc của niềm hạnh phúc lặng lẽ nhưng giàu cảm xúc ấy lên mạng xã hội...

Hai ngày sau đêm chung kết, Đặng Văn Lâm trực tiếp “giải mã” cử chỉ độc đáo ấy trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Người Đô Thị: “Lúc đó tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Như một đoạn phim tua ngược rất nhanh trong đầu tôi là hình ảnh những khó khăn trong giai đoạn từ Nga về Việt Nam đi thử việc, bị gạt khỏi danh sách đội tuyển, rồi những chấn thương phải chịu đựng khiến nước mắt tôi tự nhiên trào ra. Tôi ôm khung thành như ôm một người bạn, một đồng đội. Là một thủ môn, khung thành đối với mình vừa là người gần gũi nhất mà mình phải bảo vệ, vừa là người mình phải cám ơn vì nó chính là mục tiêu để có cái mà mình phấn đấu hàng ngày, là động lực mạnh nhất để tôi không bỏ cuộc”.

Những người thường quan sát Lâm sẽ nhận ra thủ thành sinh năm 1993 này có một hành trình đi tới chiến thắng lớn lao đầu tiên của sự nghiệp trong màu áo tuyển quốc gia là không hề dễ dàng. Chính xác là ròng rã 8 năm với bao biến cố nghiệt ngã. Nhưng dù cho đó là những thời khắc tuyệt vọng, tủi nhục, đớn đau thì Lâm vẫn luôn kiên cường và nguyên vẹn niềm đam mê với trái bóng và tinh thần khát khao cống hiến.

Thủ môn Đặng Văn Lâm. Ảnh: Lê Quang Nhật

Đường đến với khung thành của Lâm có chút gì đó ngẫu nhiên: “Bà ngoại kể lúc nhỏ tôi đã có một tình cảm đặc biệt với trái bóng. Những lúc được bà dẫn ra ngoài chơi, khoảnh sân rộng với bao nhiêu trò chơi nhưng tôi chỉ chăm chăm chạy tới ôm trái bóng. Vào cấp 1, trường có rất nhiều nhóm kỹ năng nhưng tôi lại xin vào đội bóng đá. Nhưng từ đầu tôi không hề chọn vị trí thủ môn. Một hôm, tôi nhớ là đầu lớp 2, đang chơi với các bạn ở gần khung thành, thầy huấn luyện kêu tôi vào chụp gôn và thầy sút thử mấy trái. Ở tuổi đó thường trẻ con hay sợ bóng và né. Tôi thì không, thậm chí còn nhảy theo hướng bóng. Hình như thầy nhìn thấy ở tôi có tố chất đặc biệt nên đã bảo sẽ huấn luyện cho tôi làm thủ môn. Về nhà, tôi đã kể chuyện đó với bố mẹ và xin mua găng tay để làm thủ môn!”, Đặng Văn Lâm nhớ lại.

Và dường như chuyện Lâm bước vào nghiệp bóng đá, còn là sự sắp đặt của ơn trên. Gia đình của Lâm nổi tiếng có truyền thống nghệ thuật: bố ruột là nghệ sĩ múa Đặng Văn Sơn, mẹ là diễn viên kịch nói Olga Zhukova, bác ruột là NSND Đặng Hùng, bác dâu là NSND Vương Linh, chị họ là NSƯT Đặng Linh Nga. Mẹ ruột của Lâm rất say mê bóng đá và thần tượng của bà là thủ môn huyền thoại Lev Yashin. Lâm lại sinh ra vào giữa tháng tám, theo chiêm tinh phương Tây thì đó là tháng Sư tử. Vậy là gia đình quyết định đặt tên tiếng Nga cho Lâm là Lev Sonovich Dang. Sở dĩ nói đến sự sắp đặt của ơn trên là do vậy.

Bước ngoặt gắn Lâm với khung thành còn được bắt đầu từ một sự kiện: “Thầy huấn luyện đội bóng của trường có mối quan hệ với huấn luyện viên U9 của Spartak Moskva nên đã tổ chức một trận đấu giao hữu. Đội bóng của trường khi ấy do tôi làm thủ môn, thua tới 13 bàn”, vẫn là mạch chuyện hào hứng của Lâm. Thua sấp mặt, xấu hổ quá chừng. Nào ngờ sau trận đấu, huấn luyện viên U9 Spartak Moskva tới động viên và hỏi Lâm có muốn vào Spartak Moskva hay không. Cậu bé Lâm nhâm nhi niềm vui ấy suốt hành trình về nhà. Nghe con trai kể lại câu chuyện, bố mẹ Lâm chiều ý con và nghĩ: rồi thì ước mơ chơi bóng sẽ bị thay thế bằng cái khác khi con lớn lên. Vậy mà niềm vui, sự mê say với trái bóng đã lớn lên cùng với Lâm. “Tôi nghiêm túc với lựa chọn của mình đến nỗi bố mẹ cũng ngạc nhiên. Tôi học ở trường mà không đợi nhắc.Tôi tự giác chuẩn bị găng tay, xếp quần áo thi đấu mà không cần nhờ đến bố mẹ. Sau giờ học thì phi thẳng tới nơi tập bóng”, kể đến đây khuôn mặt điềm đạm của Đặng Văn Lâm hiện lên một nụ cười.

Cũng trong mạch hồi tưởng từng chia sẻ với báo chí, ông Đặng Văn Sơn xúc động nhớ lại cái ngày vợ chồng ông tới sân tập bóng xin gặp thầy huấn luyện viên thời cấp 1 - người đã phát hiện ra tố chất của Lâm để hỏi han và nghe thêm tư vấn. Chứng kiến con trai bất chấp cái lạnh mùa đông -15 độ C vẫn vui vẻ lăn lộn với trái bóng, ông vừa thương con mà cũng thấy vui. Vui bởi thằng bé đang sống trong niềm đam mê, cái cảm giác đôi khi chỉ những nghệ sĩ làm cha như ông mới hiểu. Hai vợ chồng tự nhủ từ nay sẽ âm thầm đứng sau, dõi theo và vun đắp cho đam mê của con.

Được bố Đặng Văn Sơn và mẹ Olga hết lòng ủng hộ, Lâm học ở lò Spartak Moskva năm năm thì chuyển qua Dynamo Moskva, nơi có huyền thoại Lev Yashin. Thêm ba năm tôi luyện trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp thì Lâm tốt nghiệp. Một lần nữa, người cha nghệ sĩ lại rất bất ngờ và đầy tự hào khi con trai bày tỏ nguyện vọng muốn về Việt Nam tìm cơ hội thi đấu và cống hiến cho quê hương. Từ nhỏ ông luôn nhắc nhớ con về cội nguồn, dạy con tiếng Việt, nấu cho con món ăn Việt và một khoảng thời gian còn gửi Lâm về Việt Nam để sống trong tình thân quê cha đất tổ. Thủ thành sinh năm 1993 nhớ lại: “Nhiều người vẫn hỏi điều gì khiến tôi về nước. Nói thật thời điểm đó tôi không biết thông tin gì về bóng đá Việt Nam. Tôi chỉ biết đó là quê nội của mình, nơi có các bác, các cô chú, anh chị em...”.

2. Đưa Lâm về Việt Nam, ông Sơn quày quả hành trang dẫn con gõ cửa các câu lạc bộ từ Bắc chí Nam để tìm cho con một chỗ phù hợp. Người con hồi tưởng: “Mới 17 tuổi, lúc đó tôi háo hức và đầy tự tin: mình được đào tạo từ một nơi đẳng cấp, với chuyên môn bài bản thì về Việt Nam sẽ thích nghi và được trọng dụng ngay”. Tưởng là tìm việc không khó, vậy mà khó không tưởng. Lâm đi thử việc qua một vòng các câu lạc bộ ở Hà Nội nhưng đều không phù hợp. Cơ hội sáng nước hơn mở ra khi hai bố con tiếp cận được thông tin về Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và lập tức quày quả lên Tây Nguyên. “Tôi thấy ở đây đào tạo bài bản, cơ sở vật chất khá tốt, gần giống với các học viện bóng đá bên Nga. Và tôi đã ký hợp đồng 5 năm với HAGL”, nói về niềm vui nhưng giọng Lâm chùng hẳn xuống. Có lẽ anh nhớ lại hình ảnh phải xa bố, và vì thấy trong mắt ông khi ấy những lo lắng khi để con trai của mình lại một nơi xa lạ để về Nga.

Và còn bởi nơi đây cũng là khởi đầu cho chặng đường đầy biến cố của Lâm. Xa nhà, làm quen với môi trường mới đầy xa lạ với một người trẻ đang giai đoạn định hình nhân cách, đó là một thử thách. Thủ thành mang hai dòng máu Việt - Nga sau này cũng đã chiêm nghiệm được nhiều điều từ giai đoạn khó khăn này: “Bố và bác Đặng Hùng vẫn thường an ủi, khuyên nhủ góp ý cho Lâm những lúc gặp phải khó khăn. Không cãi lại bố và bác, nhưng tôi cứ ấm ức và cho là mình đúng. Tôi rất tự tin về chuyên môn của mình, khát khao thể hiện cho mọi người biết khả năng. Lúc đấy tôi không nghĩ cuộc sống ngoài bóng đá lại ảnh hưởng đến chuyên môn ở trong sân cỏ. Sau này tôi mới hiểu được không những phải xuất sắc trên sân cỏ mà người cầu thủ còn cần làm những điều tốt và sống tích cực ở ngoài đời”.

Tuổi trẻ ai mà không hiếu thắng và có cái tôi to đùng, nhưng sự khác biệt văn hóa cũng khiến Lâm bị thiệt thòi do thật thà thẳng thắn, không biết nhập gia tùy tục: “Ở Nga từ nhỏ chúng tôi được dạy về sự thẳng thắn, có thế nào nói thế ấy. Những khi không đồng ý, cầu thủ vẫn phản bác ý kiến của huấn luyện viên nhưng vẫn được huấn luyện viên tôn trọng. Nhưng môi trường mới thì... mất một thời gian dài tôi mới hiểu ra vì sao không như thế”. Lâm không có nhiều đất diễn để tạo dấu ấn chuyên môn ở U19 Việt Nam, lại bị câu lạc bộ chủ quản đưa sang Lào thi đấu diện tăng cường cho Hoàng Anh Atapeu. Đây là thời gian khổ ải, như lời thủ thành cao 1m88 từng tâm sự với gia đình.

NSND Đặng Hùng, bác ruột và cũng là người mang đến cho Lâm tình yêu thương và sự chăm sóc như một người cha, rớm nước mắt khi nhớ lại: “Khoảng thời gian đó vẫn là một nỗi đau trong Lâm khi nghĩ tới. Nhưng đó chính là động lực để cháu vượt qua, để trưởng thành và chứng tỏ mình là người không dễ đầu hàng số phận”. Khi tình hình ngày càng xấu đi, bằng mối quan hệ của mình, NSND Đặng Hùng giới thiệu Lâm về đầu quân cho một đội bóng ở TP.HCM. Gần với mái ấm người thân nhưng sự nghiệp thi đấu của Lâm vẫn đầy chông chênh. Đỉnh điểm của bế tắc là việc Lâm khăn gói trở về Nga năm 2014.

Đón con trai trong cảnh vui buồn lẫn lộn, gia đình đành miễn cưỡng hướng cho Lâm một con đường khác cho tương lai, đó là học ngành kế toán. Người cha thừa nhận đó là một sai lầm, bởi ông biết niềm đam mê thực sự của con. Nhưng thấy vì tình yêu và nhiệt huyết bóng đá mà con trai phải hứng chịu bao nhiêu khổ cực, là cha, ông không đành lòng. Nhưng về phần “sư tử” con ông vốn quen nô đùa với trái bóng cũng không chấp nhận bó chân trong lớp học. Và đó cũng là bản lĩnh sẵn sàng theo đuổi ước mơ bằng mọi giá vốn có của Lâm, để rồi bức “tâm thư” nổi tiếng xin thử sức trong màu áo U23 Việt Nam dự SEA Games 28 gửi ông Toshiya Miura xuất hiện. NSND Đặng Hùng kể: “Sau này Lâm có tâm sự là cháu đã viết thư cho ông Miura ngay trong lớp, viết bằng điện thoại”. Ông Miura hồi đáp bằng lời từ chối nhưng bức thư vẫn mở lối cho hành trình trở lại Việt Nam của Lâm để viết tiếp giấc mơ còn dang dở.

3.Người mở đường cho Lâm về Việt Nam là Chủ tịch CLB bóng đá Hải Phòng - Trần Mạnh Hùng, người đến nay Lâm và người thân gia đình vẫn ghi lòng tạc dạ nghĩa cử ông dành cho họ, cho bóng đá Việt.

Và khi có cánh tay chìa ra đúng lúc, lại có niềm tin được kéo về. Lâm nắm ngay lấy cơ hội dù chỉ là thủ môn thứ ba ở đội bóng đất cảng. Tố chất và nền tảng chuyên môn bài bản thụ hưởng từ lò đào tạo châu Âu trong Lâm bắt đầu được phát huy. Dấu ấn chuyên môn của Lâm bắt đầu được thể hiện, từ những trận giao hữu, rồi V.League. Với phong độ cực ổn định, Lâm cùng đội Hải Phòng giành ngôi vị á quân V.League 2016. Anh được gọi lên tuyển Việt Nam lần đầu tiên để chuẩn bị cho giải giao hữu Aya Bank Cup 2016 tại Myanmar. Nấc thang tiếp theo là được triệu tập vào đội tuyển quốc gia ở AFF Cup 2016. Rồi lần đầu được bắt chính ở trận đấu với Jordan tại vòng loại Asian Cup 2019 ngày 13.6.2017, Lâm chơi tuyệt hay và giữ sạch lưới, trở thành cầu thủ hay nhất trận.

Đặng Văn Lâm và bác Đặng Văn Hùng (NSND Đặng Hùng). Ảnh: Lê Quang Nhật

Trớ trêu thay, đang thể hiện được phong độ của một thủ thành bắt bóng giỏi, một lần nữa chính Lâm lại trở thành “trái bóng” của số phận. Vụ bê bối ở câu lạc bộ đất cảng khiến Lâm mất toàn bộ giai đoạn cuối của mùa giải 2017 cũng như không được lên tuyển. Chưa hết, Lâm bị huấn luyện viên Park Hang Seo loại khỏi đội hình tuyển Olympic Việt Nam dự ASIAD 18 vào giờ chót, dù anh đang là thủ môn hay nhất V.League 2018. Đau và tuyệt vọng, tưởng Lâm sẽ gục ngã. Nhưng “lần thứ hai tắm trên một dòng sông”, như lời của mẹ Lâm, con trai bà đã trưởng thành hơn rất nhiều.

Lâm không ngồi chờ đợi vận may mà vùi mình vào tập luyện. NSND Đặng Hùng tiết lộ, Lâm thậm chí còn bỏ tiền túi mời chuyên gia thể lực từ Nga sang Việt Nam để tập riêng kiểu một thầy một trò nhằm nâng cao thể lực và kỹ năng chuyên môn. Với bao nỗ lực cùng tài năng xuất thần của mình ở AFF Cup 2018, Lâm đã chạm tay vào chiếc cúp vô địch cùng đội tuyển Việt Nam. Tạm khép lại một hành trình đầy khó khăn nhưng kiên cường, ngọn lửa ước mơ cống hiến trong Lâm nay đã cháy sáng.

Nói về chiến thắng, khác với những bồng bột ăn thua thời trẻ, Lâm đã chững chạc hơn, điềm đạm: “Mỗi ngày thức dậy tôi có một mục tiêu mới, không cho phép mình dừng lại và tiếp tục vượt qua chính mình”. NSND Đặng Hùng cho biết thời điểm Lâm bị loại khỏi danh sách dự ASIAD 18, ông buồn cho cháu nhưng thấy vui vì nhận ra ở đứa cháu yêu quý sự trưởng thành: không có biểu hiện cay cú, thay vào đó là thái độ chuyên nghiệp, tôn trọng đồng đội. Ông và người em trai song sinh ở Nga là Đặng Văn Sơn, hai ông bố, vẫn thường xuyên trao đổi với nhau về việc uốn nắn Lâm và thống nhất quan điểm: khi ngã thì động viên, khi chiến thắng thì nhắc nhở, khi lên đến đỉnh cao thì khuyến cáo. Hóa ra, sau thành công của thủ thành số một Việt Nam hiện nay, ngoài nỗ lực tự thân trên sân, sự trưởng thành về mặt “chuyên môn ngoài đời” là nhờ có cả một “ban huấn luyện” đặc biệt phía sau.

4.Cuộc nói chuyện với Lâm phải tạm khép lại bởi thủ thành đội tuyển Việt Nam đang phải tranh thủ quãng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi ở Sài Gòn giải quyết các công việc, trước khi hội quân cùng đồng đội chuẩn bị cho Asian Cup 2019. Lâm bảo chiếc huy chương vàng đã nhờ chú ruột cất giữ, để tạm quên nó đi bởi phía trước là những mục tiêu mới phải nỗ lực vượt qua. Ngay cả những khó khăn khổ ải cũng đã trở thành vốn sống: “Tôi chưa bao giờ hối hận về lựa chọn cùng những khó khăn mình đã từng gặp, tất cả mọi chuyện. Những điều đó giúp tôi trưởng thành hơn. Mùa giải vừa rồi đầy áp lực vì đó là một giải đấu lớn được nhiều người hâm mộ đặt kỳ vọng. Nếu không có những khó khăn mà tôi đã vượt qua thì chắc cũng không thể nào bản lĩnh được trước khung thành”.

Mong rằng Lâm sẽ cháy mãi ngọn lửa đam mê, giữ vững tinh thần khát khao thi đấu ấy để viết tiếp giấc mơ đẹp của mình...

Trọng Văn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/dang-van-lam-va-niem-hanh-phuc-lang-le-17125.html