Đặng Văn Lâm: 'Dù mang nửa dòng máu Việt Nam, tôi vẫn góp hết sức'

Sau thời gian không thể tìm được chỗ đứng tại Việt Nam hay lăn lộn trên đất Lào, Đặng Văn Lâm trở về Nga và phải đấu tranh tư tưởng để nuôi dưỡng ước mơ chơi bóng của mình.

Có đam mê chơi bóng chuyên nghiệp từ khi còn rất nhỏ, Đặng Văn Lâm, từng theo học tại các lò đào tạo Spartak hay Dynamo Moscow, rất tự tin đến Việt Nam để tìm kiếm một cơ hội phát triển sự nghiệp và thỏa mãn ước mơ khoác áo đội tuyển quốc gia.

Tuy nhiên, mọi thứ hóa ra không hề đơn giản với anh chàng thủ môn này, bởi sự khác biệt văn hóa. Trên trang Soviet Sport, phần 2 của cuộc phỏng vấn sẽ kể tiếp cuộc hành trình đưa Văn Lâm trở thành thủ môn số một đội tuyển Việt Nam.

Đặng Văn Lâm trở thành thủ môn số một của tuyển Việt Nam tại AFF Cup và Asian Cup.

Lận đận tiếp tục đeo bám

- Sau khi không được thi đấu ở Việt Nam, anh đã trở về Moscow?

- Phải, năm 2014 tôi đã giã từ trái bóng. Tôi ghi tên theo học ở một trường cao đẳng tài chính, bởi mẹ muốn tôi có bằng cấp, nhưng tôi không nạp được vào đầu cái gì cả. Tôi chỉ học giỏi đúng môn thể dục khi đẩy tạ tốt hơn mọi người. Tôi chỉ học được có 2 tháng ở đó.

Khát khao chơi bóng luôn rực cháy trong con người Văn Lâm.

- Rồi anh bỏ học?

- Vâng, đó không phải là con người thật của tôi. Một người bạn sau đó mời tôi tham dự cuộc thi của một nhãn hàng thể thao để chọn lọc dàn cầu thủ được đến London tập huấn. Vị trí thủ môn cũng có một suất.

Kết quả là tôi vào đến chung kết. Chắc bạn không tin nổi đâu, tôi gặp lại cậu thủ môn đã giành được vị trí của tôi ở Spartak, nơi Darwin từng nói rằng tôi không có tài năng. Ở trận chung kết, tôi và cậu ấy bất phân thắng bại đến mức ban tổ chức phải gọi điện đến London yêu cầu cho vị trí thủ môn 2 suất. Thế nhưng, họ từ chối lời đề nghị đó và ban tổ chức đã không chọn tôi.

- Anh chàng thủ môn đã hai lần vượt mặt anh có tên là gì?

- Roman Dmitriev. Chúng tôi không có hiềm khích gì, chỉ là mọi chuyện cứ dẫn lối ra nông nỗi ấy. Bóng đá là vậy đấy. Cậu ấy giờ đã giã từ sự nghiệp thi đấu, thậm chí giải nghệ ngay sau khi từ Anh trở về. Dmitriev còn đề nghị tôi bay sang London thế chỗ cậu ấy bởi kế hoạch ban đầu của cậu ta không phải là phát triển sự nghiệp cầu thủ. Cậu ấy là người Nga và đã tốt nghiệp đại học hàng không.

- Và anh không biết những thứ mình muốn tìm kiếm đang ở đâu ...

- Chắc chắn rồi, nhưng giải đấu này đã giúp tôi nhận ra mình yêu bóng đá đến nhường nào và cần tiếp tục theo đuổi thứ mình yêu thích chứ không phải là những thứ như kinh tế hay tài chính. Sau đó, tôi bắt đầu với CLB mang tên Solaris. Bạn có biết đội bóng đó không?

- Đội bóng đã phá sản rồi phải không?

- Tất cả thủ môn mà tôi biết ở trường, học viện, Spartak, Dynamo đều muốn tìm được việc ở Solaris. Aleksei Karasevich (PV - thủ môn sinh năm 1989, từng khoác áo Dynamo) cũng đến đó! Tôi khao khát được khoác áo Solaris bởi họ trả lương cho cầu thủ khá tốt, lại là CLB chuyên nghiệp nằm ở trung tâm Moscow. Các tân binh đều được trả mức giá 10.000.

- 10.000 USD?

- Bạn nghĩ gì vậy? 10.000 rúp thôi. Tuy nhiên, tôi muốn đến đó để có thể trở thành một cầu thủ chơi bóng ở giải hạng 2. Tôi cảm thấy mình thích HLV Sergey Shustikov, ông ấy như thể là bá chủ nơi thiên đường vậy. Còn HLV thủ môn lúc ấy là ông Sergey Rozhkov. Trong 3 tháng, đã có tới 30 thủ môn đến thử việc rồi đi khỏi đội bóng, nhưng tôi vẫn ở lại.

Tôi nghĩ rằng họ sẽ ký hợp đồng với tôi, thì những ngày cuối cùng lại xuất hiện một thủ môn từng chơi ở CLB Podolsk. Anh ta có những người đại diện mà mọi người hay gọi là "mafia Podolsk".

Kết cục, đội bóng ký hợp đồng với anh ta. Còn HLV Rozhkov sau một buổi tập nói với tôi rằng ông đã làm mọi cách có thể, nhưng ban lãnh đạo cần tìm một người khác.

- Anh không nghĩ đến chuyện tìm một công ty đại diện sao?

- Tất nhiên là tôi từng nghĩ đến. Nhưng với tiểu sử, với giải đấu ở Lào, chẳng một ai có thể tin tưởng hay muốn đàm phán với tôi hết. Ngay cả một công ty đại diện từng làm việc cùng cũng từ chối giúp đỡ, đến giờ tôi vẫn còn nhớ anh ta. Sau nỗi thất vọng ở Spartak hay Việt Nam, thì đây là cú đòn giáng thứ 3 đối với tôi.

Tôi gọi cho HLV Rozhkov và hỏi liệu còn sự lựa chọn nào không. Tôi hiểu rằng giờ chỉ có thể trông chờ vào những mối quan hệ.

- Chuyện gì đã xảy ra tiếp theo?

- Rozhkov giới thiệu tôi đến Polyakov, người từng chơi cho CLB Lokomotiv. Ông khi ấy làm HLV thủ môn ở trường học có tên Schola Miacha.

- Trên Internet, tôi có thấy video quay anh và các học sinh của mình luyện tập.

- Vâng, công việc đó đã giúp tôi kiếm sống. Tôi vừa tự mình tập luyện vừa đào tạo học trò ở đó. Đối với tôi, đây là một trong những môi trường tuyệt vời nhất giúp tôi trang trải cuộc sống. Có người trong trường còn nhận được lương tầm 30.000 rúp khi tham dự một giải bóng nghiệp dư. Và họ đã nhận tôi vào.

Ở đó, tôi quen được một người bạn mà tôi coi như anh trai - Karasevich. Chúng tôi có khoảng thời gian luyện tập cùng nhau rất tuyệt vời. Đến khi xét đơn tham dự giải, thì tôi lại không được nhận. Lý do là bởi quốc tịch thi đấu Việt Nam - tôi đã đổi quốc tịch thi đấu một lần trước đây để được chơi cho tuyển trẻ ở Việt Nam.

Họ nói tôi cần liên lạc với Liên đoàn bóng đá Nga để đổi lại quốc tịch. Nhưng tôi biết với cấp độ tuyển trẻ thì chỉ được đổi quốc tịch thi đấu một lần thôi, mà tôi đã sử dụng quyền đó trước đây rồi. Thế là tôi phải xem xét lại.

- Anh vẫn nuôi hy vọng khoác áo đội tuyển Việt Nam?

Tin nhắn của của HLV đội tuyển U23 Việt Nam với Đặng Văn Lâm.

- Tôi đã có suy nghĩ quay lại Việt Nam, nhưng lại nhận ra rằng ở đó không ai cần tôi hết. Sau thời gian cân nhắc, tôi quyết định hỏi ý kiến bạn bè. Tôi thu thập tài liệu để thay đổi quyền công dân và biết rằng cần gọi cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) để xin phép.

Để tìm ra số điện thoại của VFF, tôi gọi cho HLV thủ môn hồi đó từng làm việc chung ở Việt Nam và thuật lại toàn bộ tình hình. Ông ấy yêu cầu tôi đừng vội vàng và cho ông một tuần để giúp tôi tìm kiếm cơ hội, vì rằng ở Việt Nam không có cầu thủ nào cao lớn và được đào tạo như tôi. Nhưng một tuần sau đó trôi qua, tôi không nhận được phản hồi nào hết.

Nhưng cuộc nói chuyện với ông ấy đã thắp lại trong tôi ý niệm về việc quay trở lại thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. Tôi ngồi đó, giữa một bên là nước Nga và trường đào tạo bóng đá, một bên là ước mơ về đội tuyển Việt Nam. Tôi không biết phải lựa chọn như thế nào.

Hy vọng trở lại Việt Nam được nhen nhóm

- Và anh đã làm gì?

- Vào tháng 3, chúng tôi có giải đấu đối kháng 8x8. Vì quốc tịch thi đấu, tôi không được đại diện cho đội bóng "Schola Miacha" đi thi đấu lần đó, thế nên họ cho chuyển tôi sang đội khác có tên là Duslar. Trong trận ra quân, chúng tôi hòa đối thủ 3-3. "Schola Miacha" đã sớm bị loại, trong khi Duslar giành chiến thắng và trở thành nhà vô địch của giải đấu. Tôi thậm chí còn có huy chương.

Giải đấu này đã truyền cảm hứng khiến tôi viết một bức thư ngỏ trên mạng xã hội giới thiệu về bản thân và khát khao muốn được chơi bóng ở Việt Nam và đội tuyển quốc gia.

Bức thư đến giờ này trở thành câu chuyện nổi tiếng đối với các CĐV Việt Nam. Bài đăng nhận được nhiều lời bình luận, chia sẻ. Tôi bắt đầu nhận được nhiều lời đề nghị phỏng vấn từ các phóng viên Việt Nam.

Một trong những nhà báo ấy gửi cho tôi số của HLV trưởng đội tuyển U23, khi đó đang chuẩn bị cho SEA Games. Tôi đã liên lạc và ông ấy nói rằng sẽ gọi lại. Nhưng hóa ra HLV thủ môn của đội tuyển lúc đó là chính là người từng huấn luyện cho HAGL và từ chối sử dụng tôi.

Ở Việt Nam, thế giới bóng đá được chia ra làm hai: những người tin rằng tôi xứng đáng được trao cơ hội và những người không muốn nhìn thấy người nước ngoài trong đội tuyển quốc gia.

Một ngày sau, HLV nhắn tin lại và nói họ không cần tôi.

Văn Lâm cùng đội tuyển Việt Nam lọt vào tới tứ kết Asian Cup 2019. Ảnh: Minh Chiến.

- Tiếp theo như thế nào?

- Tôi đã không có được cơ hội ở đội tuyển, nhưng tầm phủ sóng của bức thư đã giúp tôi tìm ra CLB để chơi bóng. Chỉ trong một tuần, mọi tờ báo ở Việt Nam đều viết về một anh chàng người Nga muốn chơi bóng ở Việt Nam và khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Sau đó, Chủ tịch của CLB Hải Phòng gọi điện và hỏi tôi muốn mức lương bao nhiêu. Tôi trả lời rằng tiền đối với tôi không quan trọng, tôi chỉ muốn được chơi bóng. Tôi nghe thấy ông ấy đáp: "Vậy hãy bay về Việt Nam luôn!".

- Đến đoạn cao trào rồi đây. Vậy anh ngay lập tức được bắt chính?

- Không, ở CLB có một thủ môn người Việt Nam gần như đã trở thành huyền thoại. Trong thời gian tôi đến, mùa giải mới đã bắt đầu, đã 8 vòng trôi qua và thủ môn bắt chính bị thủy đậu.

Ở tuổi 33, bạn có thể tưởng tượng được không? Đó là mùa giải hay nhất của anh ấy, 6 trận giữ sạch lưới, 7 chiến thắng, chuỗi 8 trận bất bại và đứng số một trên bảng xếp hạng. Nhưng anh ấy bị ốm, CLB Hải Phòng chuẩn bị phải chạm trán với đội bóng lớn, còn tôi sắp ra sân bắt chính.

Đây là cơ hội! Tôi đã sẵn sàng đón lấy nó nhưng vẫn không khỏi lo lắng. Trong 3 ngày đó, tôi gần như không ăn uống được gì. Ở trận đấu đầu tiên bắt chính, có tới 12.000 khán giả tập trung trên khán đài.

- CĐV Việt Nam như thế nào, có giống như ở Nga không?

- Họ là những CĐV tuyệt vời nhất, có nét giống như những fan cuồng nhiệt ở châu Âu, thường xuyên đốt pháo trên khán đài. Chúng tôi có dàn CĐV đông đảo nhất với một sân vận động sức chứa 30.000 người, trong khi trung bình một trận đấu chỉ có khoảng 18.000-20.000 người đến sân.

- Vậy trận đấu ấy đã kết thúc như thế nào?

- Chúng tôi đã thua rất đáng tiếc với tỷ số 1-2. Có nhiều người chỉ trích rằng tôi còn non trẻ mặc dù tôi đã cứu thua được nhiều tình huống nguy hiểm. Chỉ có chủ tịch đội bóng là ủng hộ tôi.

Nhờ có ông ấy, tôi mới được ra sân ở trận đấu tiếp theo và lần đầu tiên giữ sạch lưới. Sau đó, tôi được gọi lên tuyển. Đây là thử thách ngắn nhất trong lịch sử đội tuyển quốc gia Việt Nam, chỉ sau 2 trận đấu. Tôi đã tham dự AFF Cup với tư cách là thủ môn thứ 3.

Vị trí không thể thay thế của tuyển Việt Nam

- Lần đầu tiên anh ra mắt đội tuyển quốc gia như thế nào?

- Kể từ đó, tôi trở thành thủ môn chính của CLB. Lần đầu tiên ra mắt đội tuyển Việt Nam là vào năm 2017 trong trận gặp Jordan ở vòng loại Asian Cup. Chúng tôi đã hòa đối thủ 0-0, còn tôi trở thành cầu thủ hay nhất trận đấu, quả là một màn ra mắt tuyệt vời.

Văn Lâm của ngày hôm nay đã thực hiện được ước mơ khoác áo đội tuyển Việt Nam. Ảnh: Việt Hùng.

- Tại Asian Cup 2019, sau khi đánh bại Jordan ở vòng 1/8, anh đã lặp lại thành tích ở đội tuyển quốc gia?

- Vâng, tôi một lần nữa được vinh danh là cầu thủ hay nhất trận đấu.

- Anh đã cản phá được một quả luân lưu để đưa đội nhà vào tứ kết.

- Sau lần đầu tiên khoác áo đội tuyển gặp Jordan, tôi đã trở thành thủ môn chính của tuyển Việt Nam và chỉ bỏ lỡ 3 trận đấu vì chấn thương. Chúng tôi giành vị trí thứ 2 ở vòng loại để tiến vào vòng chung kết Asian Cup. Sau đó, cuối năm 2018, chúng tôi giành chiếc cúp vô địch Đông Nam Á.

- Tháng 12, anh cùng đội tuyển đăng quang ở AFF Cup. Anh đã giữ sạch lưới trong suốt 4 trận đấu.

- Vâng, đó là câu chuyện có hậu, chúng tôi đã tái hiện thành tích của các đàn anh cách đây đúng một thập kỷ, một chiến công lớn của đội tuyển Việt Nam. Và tôi cũng lập nên kỷ lục ở giải đấu với 405 phút không bị thủng lưới. Sau 4 trận đấu giữ trắng lưới, tôi đã phải nhận bàn thua ở phút thi đấu cuối cùng của hiệp 1. Thật xấu hổ, nhưng chúng tôi đã vô địch.

- Trong trận chung kết lượt về gặp Malaysia kết thúc với tỷ số 1-0 cho Việt Nam, tại sao anh lại phải nhận thẻ vàng ở phút thứ 9?

- Vâng, đã có cuộc khẩu chiến nổ ra. Tôi phải đối mặt với tiền đạo Malaysia. Anh ta buông lời chửi bậy nhắm vào tôi, và tôi làm điều tương tự. Cuối cùng cả hai cùng bị trọng tài rút thẻ. Nhân tiện, ông ấy cũng bắt chính trong trận đấu của Việt Nam với Jordan tại Asian Cup này.

- Anh đã ăn mừng chiến thắng bằng hành động đưa tay lên chào, giống như lối ăn mừng của Artem Dzyuba?

- Bạn cũng nhìn thấy sao? Tôi chỉ đơn giản là thích cách Dzyuba làm như vậy tại World Cup để truyền tải thông điệp tới các CĐV: "Tôi phục vụ nước Nga!".

Tôi cũng muốn người hâm mộ của chúng tôi biết rằng, dù chỉ có một nửa dòng máu người Việt Nam, tôi vẫn cống hiến cả thân mình cho đất nước này, tôi chiến đấu vì đội tuyển Việt Nam.

Tôi đã có một con đường dài đầy khó khăn. Sau chức vô địch AFF Cup, tôi đã trở thành hình tượng không chỉ của các cầu thủ mà còn cho cả trẻ em của đất nước này, rằng đừng bao giờ dễ dàng bỏ cuộc ngay cả khi phải làm những việc bạn không thích, như tôi từng phải sang Lào thi đấu hay bị đội bóng hắt hủi.

Bạn cần tin tưởng vào chính mình và đi đến cái đích mà bạn đã đề ra.

Xuân Trường, Duy Mạnh về nước trong vòng tay gia đình Không giống đa số cầu thủ về nước bằng cổng VIP, một số tuyển thủ khác của đội Việt Nam như Xuân Trường, Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải... trở về bằng cửa xuất cảnh bình thường.

Bích Hiền (theo Soviet Sport)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/dang-van-lam-du-mang-nua-dong-mau-viet-nam-toi-van-gop-het-suc-post912104.html