Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm chính sách với dân tộc

Sáng 26-12, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại tháng 12-2019.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đoàn Công Huynh – Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin truyền thông cho biết, năm 2020, theo kế hoạch công tác của ban chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ, dự kiến Việt Nam sẽ nộp báo cáo quốc gia thực thi Công ước Chống phân biệt chủng tộc, Công ước về đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số.

Đề cập đến việc ngày 18-11-2019, Quốc hội khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại nhận định: “Nghị quyết thể hiện nỗ lực và các giải pháp quan trọng của nhà nước, tập trung ưu tiên đầu tư các địa bàn đặc biệt khó khăn trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Cũng tại hội nghị, ông Đinh Xuân Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ủy ban Dân tộc thông tin, Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được 89,44% đại biểu Quốc hội (cụ thể, 242/244 đại biểu có mặt bỏ phiếu nhất trí).

Ông nhấn mạnh, “đây là lần đầu tiên, Quốc hội Việt Nam ban hành một nghị quyết tổng thể về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”. Trong đó, đề án tích hợp chính sách đồng bộ, thống nhất, thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ông Đinh Xuân Thắng khẳng định, “chính sách với dân tộc nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước”.

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền cho biết trong thời gian qua, một số đối tượng tiếp tục lợi dụng các vấn đề thời sự quốc tế và trong nước để phát tán thông tin sai lệch, không khách quan về tình hình dân chủ nhân quyền, đặc biệt trong lĩnh vực dân tộc và tôn giáo; đề nghị báo chí nắm bắt thông tin phản biện kịp thời và nêu rõ các hành động vi phạm pháp luật của các đối tượng.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đến từ các cơ quan báo chí đề xuất nhiều nội dung cần cung cấp trong năm 2020 để công tác tuyên truyền về nhân quyền, thông tin đối ngoại có hiệu quả như: ngành chức năng cần cung cấp thông tin cụ thể về số liệu, tài liệu liên quan; mong muốn được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, thường xuyên để công tác tuyên truyền về nhân quyền cũng hiệu quả như tuyên truyền về biển đảo; đề nghị mở các lớp tập huấn báo chí về công tác nhân quyền.

Phát biểu kết luận, Cục trưởng Đoàn Công Huynh cho rằng, việc duy trì tổ chức hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại hàng tháng là rất cần thiết trong thời gian tới. Bởi nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền sẽ giúp định hướng xã hội, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trên mọi lĩnh vực.

B.N

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chinh-sach-voi-dan-toc-nhan-duoc-su-quan-tam-dac-biet-cua-dang-va-nha-nuoc-575661/