Đặng Tiến nói chuyện ca dao

Cuối tuần qua, nhà nghiên cứu phê bình văn học Đặng Tiến đã nói chuyện về chủ đề ca dao do CLB Văn nghệ Dưới hiên chiều Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) tổ chức.

Đặng Tiến sinh năm 1940 tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, từng giảng dạy văn học Việt Nam tại ĐH Paris 7 (Pháp). Ông có 2 tác phẩm nổi tiếng là "Vũ trụ Thơ I" và "Vũ trụ Thơ II".

Với cách nói chuyện phóng khoáng, ông đặt người nghe vào một khung cảnh đối thoại nhiều hơn là làm một diễn giả thuần túy. Thêm vào đó, ca sĩ Ẩn Lan (tức cựu du ca Phạm Thị Lộc) trình bày các ca khúc vang bóng được phổ từ ca dao, từ thơ nên thu hút gần 100 người yêu văn chương, văn nghệ và các giáo viên dạy văn ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

Đặng Tiến mở đầu bằng 2 câu ca dao "Mẹ ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc hái rau mẹ nhờ" và hỏi cử tọa: Nhân vật nào nói câu này, mẹ hay con? "Mẹ, đó chính là lời người mẹ ân hận sau khi đánh con" - ông xác quyết. Nhiều ý kiến trao đổi sôi động. Nhà phê bình Đặng Tiến lại tiếp tục với câu "Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương" để nói đến một vấn đề khác trong ca dao: Có khi những câu thơ, câu hát ả đào được dân gian hóa thành ca dao và lan tỏa khắp nước. Hai câu trên bắt đầu từ bài thơ tả cảnh Hồ Tây của cụ Dương Khuê được các cô hát ả đào trình diễn. Khi vào Huế, cụ Phạm Quỳnh (trong "Hồi ký 10 ngày ở Huế") lại biến nó cho phù hợp. Tương tự, câu này lại vào TP HCM và trở thành tiếng chuông Xá Lợi, canh gà Thủ Thiêm. Rất nhiều câu của Trần Tuấn Khải cũng vậy, như "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương"…

Nhà nghiên cứu Đặng Tiến nói chuyện về chủ đề ca dao tại Đà Nẵng tháng 3-2019

Nhà nghiên cứu Đặng Tiến nói chuyện về chủ đề ca dao tại Đà Nẵng tháng 3-2019

Lại đến ca dao ở Quảng Nam, nào là "Bạn về nằm ngủ gác tay/ Nhớ khi mô ơn (ân) trượng nghĩa dày bằng đây" và "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu hồng đào chưa nhấm đã say" rồi "Học trò trong Quảng ra thi/ Mấy (thấy) cô gái Huế bỏ đi không đành"… đã tạo không khí tranh luận sôi nổi. Nhưng theo Đặng Tiến, rượu hồng đào như một huyền thoại kiểu Bồ đào mỹ tửu mà có người suy diễn là rượu Porto - Bồ Đào Nha. Trong văn cảnh ấy, coi như là một loại rượu ngon, rượu lễ, không nên đào sâu làm gì!

Nói chuyện về ca dao với cách giải thích và vận dụng phương pháp "liên văn bản" của nhà nghiên cứu Đặng Tiến đã hấp dẫn nhiều người. Sự biến đổi từ tức cảnh sinh tình của dân gian, con đường mà các câu thơ, câu hát ả đào đã trở thành ca dao và sự biến đổi thêm các chi tiết, các câu mới cho phù hợp với địa phương đó là những khía cạnh ưu việt, sống động của ca dao nói riêng, văn chương truyền khẩu nói chung.

Cái "liên tưởng văn bản" ấy ở Đặng Tiến khiến tôi nhớ trong một bài viết về Trịnh Công Sơn (cả hai đều học trường Pháp) rằng: "… Không học nhiều văn chương Việt Nam được giảng dạy ở nhà trường thời đó nên không bị nô lệ vào những khuôn sáo trường quy, không suy nghĩ bằng điển cố sẵn có, mà tạo được một hình thức mới cho lời ca. Lời ca ấy sử dụng nhiều hình ảnh, biểu tượng bị xé lẻ, đi thẳng vào tâm tưởng người nghe…" ("Vũ trụ Thơ II", Thư Ấn Quán 2008, trang 25).

Điều này cũng vừa là ưu thế vừa là thách thức của Đặng Tiến khi ông miệt mài nghiên cứu về thơ, về ca dao để giảng dạy và viết lách của mình. Với ca dao, Đặng Tiến có thể nói bất tận về các khám phá mới, cho dù ở tuổi bát tuần! Vì vậy, những "bữa tiệc" ca dao trở nên bất tận và bổ ích mà những nhà tổ chức đã thết đãi giới yêu văn chương vậy!

Bài và ảnh: Trương Điện Thắng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/van-nghe/dang-tien-noi-chuyen-ca-dao-20190323195608244.htm