Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác xây dựng Đảng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và các cấp ủy, tổ chức Đảng đặc biệt chú trọng, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao, hành động quyết liệt và đạt được những kết quả rõ rệt.

BĐBP Sơn La thường xuyên tổ chức lớp học bồi dưỡng lý luận chính trị cho các cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: Kim Nhượng

BĐBP Sơn La thường xuyên tổ chức lớp học bồi dưỡng lý luận chính trị cho các cán bộ, chiến sĩ. Ảnh: Kim Nhượng

Đó là, đã kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và chỉnh đốn Đảng; trách nhiệm của cấp ủy, sự nêu gương của cấp trên và người đứng đầu các cấp được đề cao; nhiều vấn đề khó, phức tạp đặt ra từ nhiều năm trước, đến nay đã đạt được kết quả rất quan trọng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng vững chắc hơn.

Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức có nhiều chuyển biến rõ rệt. Trước hết, Đảng ta luôn kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể đất nước trong từng giai đoạn. Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Công tác xây dựng Đảng về tư tưởng được thể hiện trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn Đảng, sự đồng thuận cao trong xã hội. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng cảnh báo, răn đe, cảnh tỉnh và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tạo tiền đề vững chắc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng hiện nay.

Công tác xây dựng Đảng về tổ chức được thể hiện trong việc thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng trên cơ sở Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng, việc phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên đã được cấp ủy, tổ chức Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nhất là đối với những tổ chức cơ sở Đảng yếu kém, có nhiều khó khăn, những địa bàn trọng yếu, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được thể hiện ở việc thường xuyên thực hiện có hiệu quả việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Thực hiện nghiêm Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Kết hợp giữa tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thượng tôn pháp luật với giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng, đấu tranh với căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân trong mỗi cán bộ, đảng viên.

Về đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng: Nhiệm kỳ qua, Đảng ta đã xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm của tổ chức Đảng, đảng viên. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; đã tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng, đảng viên, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi có nhiều bức xúc, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm.

Về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí: Nhiệm kỳ qua, Đảng và Nhà nước đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí; không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Qua đó, tạo được niềm tin trong nhân dân đối với Đảng, ngăn chặn, răn đe có hiệu quả hành vi tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức.

Những kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng ta đoàn kết hơn, vững mạnh hơn, trong sạch hơn, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố và tăng cường, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong những năm tới.

Tuy nhiên, công tác xây dựng Đảng trong 5 năm qua còn một số hạn chế cần khắc phục, đó là: Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số nghị quyết của Đảng còn chậm; tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Công tác tư tưởng còn có mặt hạn chế, thiếu kịp thời, tính thuyết phục chưa cao. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa tiên phong, gương mẫu; tham nhũng, lãng phí vẫn còn diễn biến phức tạp; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống vẫn còn diễn biến phức tạp; công tác kiểm tra ở một số nơi chưa thường xuyên, quyết liệt, thiếu trọng tâm, trọng điểm.

Từ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng; Đảng ta đã đề ra phương hướng xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, thể hiện ở việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh toàn diện; đổi mới mạnh mẽ công tác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng.

Những phướng hướng, nhiệm vụ trong Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là đầy đủ và toàn diện. Quan điểm xuyên suốt của Đảng trong nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tham nhũng: xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng, lãng phí; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí... là cơ sở, điều kiện để chúng ta tin tưởng vào quyết tâm chính trị của Đảng ta trong nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Đại tá Nguyễn Quang Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Trung cấp Biên phòng 1

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dang-ta-ngay-cang-trong-sach-vung-manh-hon-post436432.html