Đằng sau vụ rò rỉ tài liệu mật của hai tổng thống Mỹ

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ đã chỉ định hai công tố viên đặc biệt điều tra vụ rò rỉ tài liệu mật của Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump.

Trong đó, ông Jack Smith, một công tố viên chuyên về tội phạm chiến tranh, đang điều tra xem ông Trump và các trợ lý có cất giữ sai quy định các tài liệu đã được phân loại mật tại nhà của ông ở bang Florida sau khi ông từ nhiệm năm 2021, cũng như việc liệu ông có cản trở quá trình điều tra của các cơ quan liên bang hay không.

Còn ông Robert Hur, cựu công tố bang Maryland, đang điều tra các diễn biến liên quan đến việc lưu giữ hồ sơ mật của ông Biden thời ông còn làm Phó tổng thống Mỹ, sau khi các tài liệu được phát hiện tại nhà ông và một văn phòng ông từng sử dụng tại cơ quan nghiên cứu.

Tòa nhà có văn phòng của ông Biden tại trung tâm Penn Biden, một trong các nơi phát hiện tài liệu. (Ảnh: NYT)

Tòa nhà có văn phòng của ông Biden tại trung tâm Penn Biden, một trong các nơi phát hiện tài liệu. (Ảnh: NYT)

Hai vụ việc giống và khác nhau thế nào?

Theo Reuters, cả ông Trump và ông Biden đều không được giữ lại các tài liệu đã phân loại mật sau khi rời khỏi Nhà Trắng. Trong giai đoạn chuyển giao giữa các chính quyền, hồ sơ của mỗi chính quyền cần được nộp cho Cục quản lý hồ sơ và văn khố quốc gia Mỹ.

Việc tự ý cất giữ hoặc loại bỏ các tài liệu mật đều là bất hợp pháp. Mỹ cho rằng việc không cất giữ và bảo quản các tài liệu phù hợp có thể gây ra những nguy cơ cho an ninh quốc gia, đặc biệt là khi số tài liệu này rơi vào tay nhầm người.

Phát biểu sau khi số tài liệu được tìm thấy, ông Biden bày tỏ ngạc nhiên nhưng cũng nói rằng sẵn sàng hợp tác với các cơ quan điều tra. Ông Trump thì cho rằng số tài liệu thực tế đã được ông giải mật, nhưng luật sư của ông từ chối khẳng định điều này trong hồ sơ của tòa.

Các tài liệu đang được điều tra là những tài liệu khi ông Biden làm Phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama (2009-2017), và khi ông Trump làm Tổng thống (2017-2021).

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống đương nhiệm Joe Biden. (Ảnh: Getty)

Về điểm khác nhau giữa hai vụ, các chuyên gia luật nêu ra một số khía cạnh.

Đối với vụ của ông Trump, Cục Quản lý hồ sơ và văn khố quốc gia Mỹ đã cố gắng thu về các tài liệu trong hơn một năm sau khi ông rời văn phòng, nhưng không thành công. Đến khi cựu Tổng thống trả lại 15 thùng hồ sơ vào tháng 1/2022, các quan chức cục mới phát hiện trong đó có các tài liệu mật.

Họ báo cáo sự việc với Bộ Tư pháp Mỹ, và bộ này ban hành trát tòa án yêu cầu trả lại tất cả các hồ sơ đã được phân loại. Các nhà điều tra sau đó đến nhà ông Trump, và luật sư của ông tại đây trả lại thêm một số hồ sơ, đồng thời khẳng định không còn tài liệu nào.

Nhưng đến khi FBI tìm thêm được một số bằng chứng bao gồm hình ảnh camera giám sát tại nhà ông Trump, họ yêu cầu lệnh khám xét từ tòa án và thực hiện điều này hôm 8/8/2022, lo ngại đang có hành vi cản trở điều tra. FBI tìm được thêm 13.000 tài liệu nữa, trong đó 100 tài liệu được đánh dấu đã phân loại.

Đối với vụ của ông Biden, theo Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland, hồi tháng 11/2022, các luật sư của Biden thông báo cho cục văn khố và bộ tư pháp rằng trong khi dọn văn phòng, họ phát hiện khoảng 10 tài liệu đã phân loại trong tủ hồ sơ Trung tâm Penn Biden – một cơ quan nghiên cứu tại Washington – nơi ông Biden từng sử dụng. Sau đó, họ tiếp tục tìm tại nhà Tổng thống Biden ở Wilmington và Rehoboth, Delaware, phát hiện thêm các tài liệu trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023. Tất cả tài liệu sau đó được trả về cho các nhà chức trách.

Nhiều chuyên gia chỉ ra điểm giống và khác nhau giữa hai vụ việc. (Ảnh minh họa)

Ông Biden và ông Trump phải đối mặt với các vấn đề pháp lý nào?

Theo các chuyên gia, nếu việc cất giữ và loại bỏ các hồ sơ đã được phân loại mật là cố ý thì sẽ được xem là hành vi phạm tội.

Các công tố viên Mỹ thông thường không theo đuổi cáo buộc trong trường hợp hồ sơ mật vô tình bị cất giữ, nhưng nếu có bằng chứng của hành vi cản trở công lý, điều đó có thể thay đổi.

Vì vậy, các chuyên gia luật cho rằng ông Trump có thể đối mặt với các rủi ro pháp lý nhiều hơn ông Biden. Đến nay, Bộ Tư pháp Mỹ chưa đưa ra thông tin nào cho thấy Tổng thống Mỹ đương nhiệm đã cố ý cất giữ các hồ sơ hay từ chối trao trả lại cho chính phủ khi được yêu cầu.

Bên cạnh đó, vì đang giữ chức, ông Biden cũng ít khả năng bị truy tố. Bộ Tư pháp Mỹ vẫn giữ chính sách lâu dài về việc không truy tố các tổng thống đương nhiệm.

Chính sách tương tự từng được áp dụng và giúp ông Trump tránh rủi ro pháp lý khi ông là tổng thống và bị công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra. Trong vụ việc khi đó, ông Mueller tìm hiểu các cáo buộc cho rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump năm 2016 có liên quan đến Nga, và ông đã từ chối đưa ra kết luận do chính sách của Bộ tư pháp.

Việc quản lý các hồ sơ của cựu Tổng thống Trump cũng bị rà soát. (Ảnh minh họa: Reuters)

"Sóng ngầm" chính trị

Chưa rõ kết quả cuối cùng của hai vụ việc sẽ thế nào, nhưng khi các tài liệu mật của ông Biden được phát hiện, các quan chức đảng Cộng hòa – những người vẫn còn tức giận về việc FBI khám xét nhà cựu Tổng thống Trump - ngay lập tức lên tiếng chỉ trích.

Theo ABC News, động thái chỉ định một công tố viên đặc biệt thứ hai điều tra vụ của ông Biden cũng cho thấy Bộ Tư pháp Mỹ đang hành động cẩn trọng, theo cựu công tố viên liên bang Sarah Krissoff. “Bộ trưởng Tư pháp chắc chắn hiểu ý nghĩa chính trị của cuộc điều tra này”, bà nói.

Vụ việc của ông Biden đến vào thời điểm cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ vừa kết thúc, đảng Cộng hòa giành kiểm soát hẹp tại hạ viện trong khi đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện. Theo Washington Post, đối với diễn biến mới này, Tổng thống Biden có thể đối mặt thêm với các cuộc phỏng vấn, tìm kiếm và các bài báo trong hàng tuần tới, liên quan đến việc xử lý tài liệu nhạy cảm của ông, điều được cho là sẽ khiến ông khó chỉ trích cựu Tổng thống Trump.

Và trong khi ông Biden được dự đoán công bố tái tranh cử vào những tháng tới, và tỷ lệ ủng hộ ông cũng như những tín hiệu của nền kinh tế đang trở nên tích cực hơn, vụ việc hồ sơ mật có thể làm giảm sự chú ý vào những thành quả đó. Một ví dụ diễn ra hôm 12/1 khi ông Biden tổ chức sự kiện để nói về tin tốt lạm phát giảm và các điều kiện cho người tiêu dùng đang được cải thiện.

Ngay trước khi ông lên sân khấu, thông tin lô tài liệu mật thứ hai được tìm thấy tại nhà của Tổng thống ở Wilmington, Delaware được đưa ra. Kết quả, ngay khi Tổng thống phát biểu xong, các nhà báo đưa ra hàng loạt câu hỏi nhưng không phải về sự cải thiện của nền kinh tế mà là về những tài liệu tìm thấy trong garage nhà ông, gần chiếc Corvette Stingray 1967.

Ông Biden trả lời câu hỏi về vụ tài liệu mật. (Ảnh: Washington Post)

“Chiếc Corvette của tôi ở trong một garage được khóa kín, đúng không? Chứ đâu phải nằm giữa phố. Nhưng như tôi nói hồi đầu tuần, mọi người đều biết tôi rất coi trọng các tài liệu và hồ sơ mật này. Tôi cũng đã nói đang hoàn toàn hợp tác với quá trình rà soát của Bộ tư pháp”, ông đáp.

Và ông cũng hứa sẽ sớm cung cấp thêm thông tin.

Nhưng với việc Bộ tư pháp chỉ định công tố viên đặc biệt điều tra, khả năng ông Biden nói công khai về vụ việc cũng sẽ bị hạn chế.

Đối với một số đảng viên Dân chủ, sự cố xử lý các tài liệu cá nhân của bà Hillary Clinton năm 2016 vẫn còn được nhớ đến. Một số cho rằng truyền thông đã góp phần làm sức ảnh hưởng của câu chuyện tăng lên nhiều lần. Nay với vụ của ông Biden, họ lo ngại về những gì có thể xảy ra sắp tới.

Brian Fallon, cựu cố vấn của Clinton, từng làm việc tại Bộ tư pháp, nhận định: “Tôi không nghĩ ông Biden phải lo lắng về pháp lý hay chính trị. Nhưng lợi ích chính đối với đảng Cộng hòa và khiến ông Trump có thể thở phào nhẹ nhõm là ông Merrick Garland sẽ khó có thể cho phép truy tố Trump, ngay cả khi điều đó là hợp lý”.

Ngoài ra, khi có hai công tố viên đặc biệt xem xét điều tra hai vụ việc, ít nhiều điều này tạo nên cảm giác tương đồng và đảng Cộng hòa có khả năng phàn nàn về tiêu chuẩn kép nếu ông Biden phải đối mặt với ít hậu quả hơn.

Các trợ lý của ông Biden đã cố gắng hết sức để chỉ ra vụ việc của ông khác với ông Trump như thế nào, tập trung vào phần không cố ý so với cố ý cất giữ tài liệu. Nhưng Nhà Trắng chưa giải thích đầy đủ về việc các tài liệu đã đến được văn phòng và nhà riêng của ông Biden như thế nào - điều cũng gây ra phản ứng từ các thành viên đảng Cộng hòa.

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael R. Turner, chủ tịch sắp tới của Ủy ban Tình báo Hạ viện, nói: “Sự hiện diện của thông tin mật tại những địa điểm riêng biệt này có thể khiến Tổng thống Joe Biden dính vào việc xử lý sai, lạm dụng và làm lộ thông tin mật. Nó đặt ra những câu hỏi quan trọng là tại sao Phó tổng thống lúc bấy giờ là ông Biden lại duy trì quyền giám sát những tài liệu tuyệt mật như vậy, ai có quyền tiếp cận chúng và với mục đích gì".

Cũng có những chuyên gia cho rằng có thể tránh được các vấn đề tương tự trong tương lai nếu chính phủ Mỹ ít phụ thuộc vào các tài liệu bản cứng hơn. “Các quy trình nộp hồ sơ điện tử rõ ràng hiệu quả hơn những hộp giấy tờ mà các tổng thống và cựu tổng thống có thể mang đi qua lại”, cựu công tố Krissoff nói.

Phương Anh(Tổng hợp )

Nguồn VTC: https://vtc.vn/dang-sau-vu-ro-ri-tai-lieu-mat-cua-hai-tong-thong-my-ar736732.html