Đằng sau vụ ông Trump sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia

Hôm 10-9 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump tuyên bố sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton do hai bên xảy ra nhiều bất đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự ra đi của vị cố vấn diều hâu này có thể giúp ông Trump dễ dàng hơn trong việc giải quyết những bế tắc về chính sách đối ngoại hiện nay.

Hôm 10-9 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump tuyên bố sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton do hai bên xảy ra nhiều bất đồng. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự ra đi của vị cố vấn diều hâu này có thể giúp ông Trump dễ dàng hơn trong việc giải quyết những bế tắc về chính sách đối ngoại hiện nay.

Sự ra đi của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton có thể mang lại sự linh hoạt cho các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với Triều Tiên. Ảnh: Bloomberg

Sự ra đi của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton có thể mang lại sự linh hoạt cho các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới với Triều Tiên. Ảnh: Bloomberg

Quá nhiều bất đồng

Viết trên Twitter, ông Trump cho biết: “Tôi đã báo cho ông Bolton tối qua (9-9) rằng ông ấy không cần làm việc ở Nhà Trắng nữa... Vì thế tôi đã yêu cầu ông ấy tự nghỉ việc, và ông ấy nộp đơn nghỉ việc vào sáng nay". "Tôi rất cảm kích những gì ông ấy đã làm trong thời gian qua. Tôi sẽ công bố Cố vấn mới vào tuần tới", Tổng thống Mỹ nói thêm.

Thông điệp của ông Trump được gửi đi chỉ khoảng vài tiếng trước khi ông Bolton có cuộc họp báo với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Ngoại trưởng Pompeo. Ông Bolton sau đó được cho là đã rời Nhà Trắng và không họp báo. Ngay sau bài đăng của ông Trump, ông Bolton thông báo trên Twitter rằng, ông không bị sa thải, mà đã đề nghị từ chức tối qua, nhưng Tổng thống nói rằng: "Hãy nói về chuyện đó vào ngày mai". Trước đó vài ngày, truyền thông Mỹ cho biết, ông Bolton đã phản đối kế hoạch hòa đàm với nhóm phiến quân Taliban, trong khi ông Trump ủng hộ đề xuất của Ngoại trưởng Pompeo và một số quan chức cấp cao về việc tổ chức cuộc đàm phán với Taliban ở Mỹ. Ông Bolton dù đang ở thăm Ba Lan vẫn liên lạc về Nhà Trắng để phản đối. Kế hoạch hòa đàm sau đó bị hủy bỏ vào phút chót. Khi được hỏi có phải mối quan hệ giữa ông Trump và ông Bolton trở nên tồi tệ do kế hoạch hòa đàm với Taliban hay không, thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết "rất nhiều vấn đề" đã dẫn tới tình huống này.

Ông Bolton được bổ nhiệm làm Cố vấn An ninh Quốc gia vào tháng 3-2018. Là người có quan điểm cứng rắn, ông Bolton bất đồng với ông Trump trong nhiều vấn đề, đặc biệt là chính sách với Iran và Triều Tiên.

Rất cần một chiến thắng về chính sách đối ngoại

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã làm tổn thương các đồng minh của Mỹ và gây ra sự gián đoạn toàn cầu, trong khi chưa hề có “những chiến thắng lớn” ông đã hứa trong chiến dịch tái tranh cử hối năm 2016.

Đối với Triều Tiên, bất chấp những cử chỉ thân thiện của ông Trump, Bình Nhưỡng đã không phi hạt nhân hóa. Iran đang tiến gần hơn đến việc chế tạo bom hạt nhân sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế. Tất cả đang khiến Tổng thống Mỹ rơi vào một lãnh thổ chính trị đầy nguy hiểm. “Điều này báo hiệu rằng ông Trump đang muốn có được một loạt các thỏa thuận về Afghanistan, Iran và Triều Tiên, trước cuộc bầu cử năm 2020, và ông coi ông Bolton là vật cản đường", Colin Kahl, cựu trợ lý của chính quyền Obama nhận xét.

Việc Tổng thống Trump tuyên bố sa thải vị cố vấn bảo thủ này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ và Triều Tiên dự kiến sẽ nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân vào cuối tháng này sau một giai đoạn căng thẳng xuất phát từ các phản ứng giận dữ của Bình Nhưỡng đối với cuộc tập trận chung giữa Seoul và Washington hồi tháng trước. Sự ra đi của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ có thể mang lại sự linh hoạt cho các cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới, nhưng cũng có thể làm suy yếu nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Bình Nhưỡng. Triều Tiên có thể hoan nghênh sự "ra đi" của ông Bolton vì cho rằng, ông này từ lâu trở thành mục tiêu của sự phản đối từ Bình Nhưỡng vì chủ trương trước đây của ông này về một cuộc tấn công phủ đầu chống lại chính quyền cùng với quan điểm không khoan nhượng của ông về cách thức phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của vị chuyên gia an ninh Bolton làm dấy lên quan ngại, chính sách đối ngoại của ông Trump có thể bị chi phối nhiều hơn bởi những cân nhắc chính trị, đặc biệt là trước thềm cuộc đua tái tranh cử tổng thống 2020.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_212487_dang-sau-vu-ong-trump-sa-thai-co-van-an-ninh-quoc-gia.aspx