Đằng sau vụ bắt giữ CFO Huawei - Kỳ 2: Đích ngắm của Mỹ?

Bà Mạnh Vãn Châu bị bắt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn đang gay cấn. Tháng 8 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cấm dùng phần cứng của Huawei trong các hệ thống mạng của chính phủ Mỹ vì lo ngại an ninh, đặc biệt trong hệ thống mạng 5G sắp triển khai.

Kích hoạt chiến tranh lạnh mới?

Vụ bắt giữ bà Mạnh tiếp tục gây ra những căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, bất chấp cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina vài ngày trước nhằm giải quyết cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa 2 nước.

Hãng tin BBC, CBC dẫn chuyên gia kinh tế Mỹ Jeffrey Sachs, vụ bắt giữ bà Mạnh cho thấy Mỹ đang gây ra cuộc chiến tranh lạnh mới trong thương mại quốc tế và Canada đang tiếp tay cho người láng giềng phương Nam. Hãng tin này dẫn lời ông Sachs, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững của Đại học Columbia và Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững Liên hiệp quốc, nói ông tin rằng vụ bắt giữ là nỗ lực của Mỹ nhằm “ngăn chặn sự vươn lên của Trung Quốc”, phá hỏng kế hoạch nhiều tham vọng “Made in China 2025” bằng cách tạo hiệu ứng làm nhụt chí đối với các doanh nghiệp nước này.

“Đây là một cách tiếp cận được biết đến khá nhiều của Mỹ nhằm sử dụng sức mạnh của mình để phá vỡ đà kinh tế của đối thủ. Và tôi nghĩ đó là hành vi thực sự rất nguy hiểm khi thế giới phải chứng kiến thêm cuộc chiến tranh lạnh mới” - ông Sachs nói và nêu nghi vấn về lý do của vụ bắt giữ, cho rằng động cơ tiến hành việc này không phù hợp với hành vi trước đây của Mỹ.

“Tôi cho rằng bà Mạnh Vãn Châu bị buộc tội gian lận vì một cuộc trình bày với Ngân hàng HSBC về những thương vụ với Iran. Điều đáng quan tâm là bản thân HSBC bị trừng phạt về những vi phạm nghiêm trọng gói trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran, nhưng không nhà quản lý nào của họ phải đối mặt với những lời buộc tội, chưa nói đến việc bắt giữ bà Mạnh tại một sân bay nước ngoài” - ông Sachs nhấn mạnh.

Bà Mạnh Vãn Châu đã được tại ngoại.

Bà Mạnh Vãn Châu đã được tại ngoại.

Kêu gọi tẩy chay Huawei

Thông tin về việc Huawei đang bị cơ quan công tố New York điều tra vì nghi ngờ vi phạm lệnh trừng phạt Iran, được tờ Wall Street Journal đưa tin lần đầu vào tháng 4 vừa qua. Thông tin này rộ lên sau khi Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn khác của Trung Quốc là Tập đoàn ZTE, về các cáo buộc liên quan đến việc bán thiết bị của họ ở Iran.

ZTE đã bị áp lệnh trừng phạt sau khi Chính phủ Mỹ cáo buộc rằng tập đoàn này đã vi phạm các thỏa thuận và vận chuyển trái phép linh kiện từ Mỹ tới Iran và Triều Tiên năm ngoái. Công ty này còn không tuân theo các biện pháp khắc phục do Bộ Thương mại Mỹ áp đặt. Sau đó, các công ty Mỹ đã bị cấm bán vi mạch (microchip) và các linh kiện khác cho ZTE, đã làm tê liệt gần như toàn bộ hoạt động của tập đoàn này. Các lệnh trừng phạt hiện đã được dỡ bỏ theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump, sau khi ông nhận được yêu cầu từ Chính phủ Trung Quốc.

Tiếp sau ZTE, đến lượt Huawei vào tầm ngắm của Mỹ. Reuters dẫn nguồn tin cho biết nhà chức trách Mỹ đã để mắt tới Huawei từ năm 2016 vì cáo buộc mua các sản phẩm có nguồn gốc Mỹ và bán chúng cho Iran, cũng như các công ty bị nằm trong diện trừng phạt của Mỹ. Thượng nghị sĩ Mỹ Chris Van Hollen cho biết việc xem xét Huawei đang được tiến hành kỹ lưỡng.

“Huawei và ZTE là 2 đại diện lớn của các công ty viễn thông Trung Quốc đang mang lại những rủi ro đối với an ninh quốc gia Mỹ. Trong khi Bộ Thương mại Mỹ tập trung sự chú ý vào ZTE, vụ bắt giữ tại Canada cho thấy Huawei cũng vi phạm luật pháp Hoa Kỳ” - ông Van Hollen nhận xét và cho rằng Mỹ muốn phía Trung Quốc chịu trách nhiệm các vi phạm luật pháp cũng như mối đe dọa đến an ninh Mỹ. Theo đó, Mỹ muốn ZTE và Huawei phải có giám sát pháp lý bên trong công ty. Dưới tác động của Mỹ, hoạt động của Huawei và ZTE tại nước ngoài đang gặp nhiều hạn chế.

Theo tin mới nhận, Mỹ đang kêu gọi đồng minh tẩy chay Huawei, ZTE, trong khi Trung Quốc khẳng định tiếp tục theo đuổi mục tiêu bảo vệ và phát triển Huawei. Nhật Bản ban hành lệnh cấm chính thức tới các cơ quan nước này dùng các sản phẩm viễn thông Huawei Technologies và ZTE Corporation vì lý do an ninh bảo mật, tờ báo Yomiuri đưa tin ngày 7-12.

Trước đó không lâu, Thượng nghị sĩ Mark Warner và Marco Rubio đã gửi một bức thư đến Thủ tướng Canada Justin Trudeau, yêu cầu xem xét lại sự tham gia của Huawei vào bất kỳ kế hoạch xây dựng 5G của đất nước. Mỹ cho rằng có nhiều bằng chứng cho thấy không có công ty lớn nào của Trung Quốc không bị chính phủ kiểm soát. Điều đó có thể dẫn đến việc những hoạt động tình báo của Five Eys (Canada, Mỹ, Australia, New Zealand và Anh) bị theo dõi.

Đối với ngành viễn thông Canada và chính phủ liên bang nước này, Huawei từ lâu đã đóng vai trò là nhà cung cấp thiết bị quan trọng. Trong đó, thiết bị của tập đoàn Trung Quốc được sử dụng trong ít nhất 5 mạng lưới không dây của Canada. Đây cũng là lý do khiến giới chức Mỹ cảnh báo Canada về mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh quốc gia. Huawei cũng duy trì một mạng lưới nhân viên khổng lồ trên toàn Canada, và nếu tập đoàn này dừng hoạt động ở thị trường này, gần 1.000 nhân viên sẽ mất việc làm. Trong khi đó, Anh, Australia cũng xem xét lại việc áp dụng công nghệ 5G của Huawei cũng như phân tích điểm yếu trong các phương pháp kỹ thuật của Huawei. Các nhà chức trách của 2 nước này liên tục ban hành lệnh cấm các tổ chức chính phủ sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE.

Giải pháp thỏa hiệp cho vấn đề
Các chuyên gia cho rằng, một giải pháp thỏa hiệp nhiều khả năng sẽ xảy ra để giải quyết vấn đề bắt giữ bà Mạnh. Canada đang xuống thang. Thoạt đầu họ tung tin có khả năng bà Mạnh Vãn Châu sẽ bị dẫn độ qua Mỹ và đối mặt với án tù 30 năm, nếu bị kết tội về "âm mưu lừa đảo" để né tránh lệnh trừng phạt Iran. Thế nhưng, phiên xét xử kéo dài 5 tiếng đồng hồ ngày 7-12 tại Tòa án tối cao ở tỉnh bang British Columbia tại Vancouver, đã kết thúc không có kết quả và được dời lại tới ngày 10-12.

Sau đó Tòa án TP Vancouver của Canada hôm 12-12 đã quyết định cho bà Mạnh tại ngoại với 7,5 triệu USD (gần 174 tỷ đồng) tiền bảo lãnh nhưng phải ở tại nhà tại TP Vancouver, trong khi Mỹ chưa chính thức gửi hồ sơ để dẫn độ nữ doanh nhân này về Mỹ. Washington có 60 ngày để đưa ra yêu cầu chính thức cho Ottawa cùng với những tài liệu bổ trợ. Điều đó có nghĩa Canada sẽ buộc phải phóng thích bà Mạnh vào ngày 29-1-2019 nếu không nhận được yêu cầu từ Mỹ.

Nhiều chuyên gia nhận định vụ bắt giữ lãnh đạo của Tập đoàn viễn thông Huawei đang đặt Canada vào tình thế khó xử và “mất nhiều hơn được”. Chuyên gia Ian Lee, PGS. quản trị tại Trường Kinh doanh Sprott thuộc Đại học Carleton ở Ottawa, thừa nhận Trung Quốc phản ứng mạnh về vụ bắt giữ bà Mạnh.

Trung Quốc đã bắt giữ cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor nhằm gây sức ép lên Canada. Hôm 20-12, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Hoa Xuân Doanh đã xác nhận thông tin Trung Quốc đang bắt giữ công dân thứ 3 của Canada là bà Sarah Mclver.Tuy nhiên theo bà Hoa Xuân Doanh, tính chất vụ bắt giữ bà Sarah Mclver khác so với vụ bắt giữ 2 công dân Canada trước đó.

Canada có thể sẽ bị vào tình thế “trên đe dưới búa” trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc về vụ việc trên. Đài CTV dẫn lời ông Lee nói thêm rằng các doanh nghiệp Canada “nên lo ngại” về những triển vọng làm ăn tại Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Canada sau Mỹ. Ông Lee còn cảnh báo những công dân Canada khác, đặc biệt là những người có quan hệ với chính phủ nước này, cũng có nguy cơ bị bắt giữ nếu bà Mạnh không sớm được trả cho Trung Quốc.

Việc mạnh tay với Mạnh Vãn Chu sẽ làm tăng căng thẳng với Trung Quốc, nhưng nếu chỉ phạt rồi thả người sẽ khiến Mỹ bị mất mặt. Cách duy nhất để giải quyết vụ bà Mạnh là thông qua đối thoại 3 bên giữa Canada, Trung Quốc và Mỹ.

Trí Dân

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ho-so/dang-sau-vu-bat-giu-cfo-huawei-ky-2-dich-ngam-cua-my-64371.html